Bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Không chỉ lãi suất cao, mà một số yếu tố khác đang tiềm ẩn những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo góc nhìn của cả thành viên thị trường lẫn nhà quản lý.

Không “đọc” được rủi ro trái phiếu

Sự thay đổi lớn nhất trong bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019, theo một chuyên gia ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp vượt giá trị huy động vốn trái phiếu chính phủ.

Đến thời điểm này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chưa cập nhật tổng giá trị vốn huy động qua trái phiếu doanh nghiệp tháng 12/2019 cũng như cả năm 2019, nhưng 11 tháng đầu năm 2019, lượng vốn huy động qua trái phiếu doanh nghiệp đã vượt tổng lượng vốn huy động qua trái phiếu chính phủ năm 2019.

Cụ thể, 189 doanh nghiệp đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu trong 11 tháng, qua đó huy động được 233.522,2 tỷ đồng, trong khi cả năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 215.267 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.

Trong năm qua, không ít doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất cao để gọi được vốn qua trái phiếu đã làm dấy lên những quan ngại về rủi ro trên thị trường.

Một số chuyên gia cũng như thành viên thị trường cho biết, luật chơi trên thị trường vốn là doanh nghiệp có định mức tín nhiệm cao thì đương nhiên chi phí đi vay vốn thấp.

Ngược lại, doanh nghiệp có định mức tín nhiệm thấp thì phải trả chi phí cao để huy động được vốn.

Vấn đề đáng báo động trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay là vừa thiếu các công cụ, vừa thiếu thông tin giúp nhà đầu tư cũng như các bên liên quan “đọc” được rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, cũng như trái phiếu họ phát hành, bất kể với lãi suất cao hay thấp.

Hiện Việt Nam chưa có công ty định mức tín nhiệm, nên lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ quan ngại về tình trạng trái phiếu phát hành ra thị trường không được định mức tín nhiệm.

Điều này vừa khiến nhà đầu tư muốn đầu tư vào trái phiếu phải mất thời gian lẫn chi phí tự đánh giá mức độ rủi ro, vừa khiến tính minh bạch về thông tin thị trường chậm được cải thiện.

Một rủi ro phát sinh từ tính minh bạch của thị trường thấp là trái ngược với sự sôi động trên thị trường sơ cấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp gần như “đóng băng”.

Nhà đầu tư mua trên thị trường sơ cấp xong hiện đa phần nắm giữ đến ngày trái phiếu đáo hạn. Tính minh bạch của thị trường kém, nên nhà đầu tư e ngại giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Không chỉ nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp còn hạn chế, nhà phát hành trên thị trường sơ cấp khá đơn điệu cũng khiến thị trường khó phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo tính toán của một chuyên gia ở VBMA, 50% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành do khối ngân hàng thương mại nắm giữ, khoảng 29% là các doanh nghiệp bất động sản, phần còn lại là các doanh nghiệp khác.

Việc ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro cho thị trường nếu nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn về thanh khoản.

Một bất ổn khác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt nguồn từ thị trường trái phiếu chính phủ.

Theo đó, việc tuân thủ Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 với quy định: phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đang bộc lộ bất cập.

Kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ đến hết năm 2019 lên đến hơn 13 năm, trong khi các kỳ hạn ngắn ít đi, nên thanh khoản ngày càng thấp.

Hệ quả, theo TS. Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, không có lãi suất chuẩn cho các trái phiếu kỳ hạn ngắn trên thị trường, trong khi thị trường trái phiếu chính phủ đóng vai trò là thị trường chuẩn trên thị trường tài chính.

Lãnh đạo một ngân hàng niêm yết nhận xét, thị trường trái phiếu chính phủ không hình thành liền mạch được đường cong lãi suất chuẩn đang ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa gây khó khăn trong việc định giá, vừa không đảm bảo được tính minh bạch của thị trường.

“Chúng tôi đã nhận được phản ánh trên của các thành viên thị trường và ý kiến cho rằng việc không phát hành trái phiếu chính phủ dưới 5 năm đúng là gây khó khăn cho hình thành đường cong lãi suất chuẩn, nên tác động không tích cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng”, một lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ.

Cách nào khắc phục?

Để khắc phục những bất cập trên, qua đó cải thiện chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt là phải nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, đầu tiên, Quốc hội cần sớm sửa đổi Nghị quyết 78/2014 theo hướng cho phép đa dạng các kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ dưới 5 năm, chẳng hạn 3 năm, 4 năm, để hình thành đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường, miễn sao bình quân tổng danh mục trái phiếu chính phủ đạt kỳ hạn từ trên 5 năm trở lên.

Điều này sẽ cho phép định giá trái phiếu doanh nghiệp có cơ sở tin cậy hơn, thông tin về giá trái phiếu minh bạch hơn. Khi niềm tin trong nhà đầu tư gia tăng thì sẽ thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp.

“Chúng tôi đã và đang tính toán phương án kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, nhằm tháo gỡ bất cập trên thị trường trái phiếu”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Cùng với thúc đẩy các điều kiện cho công ty định mức tín nhiệm sớm đi vào hoạt động, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về đưa mô hình trung tâm định giá trái phiếu vào hoạt động.

Tổ chức này sẽ giúp định giá trái phiếu doanh nghiệp, tạo cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn, cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư.

Ý kiến từ thành viên thị trường cũng trông đợi Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp, được Bộ Tài chính giao HNX xây dựng, sớm đưa vào hoạt động, nhằm cải thiện tính minh bạch cho thị trường.

Liên quan đến hướng phối hợp tháo gỡ bất cập trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức tín dụng sẽ đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp trên cả thị trường thứ cấp lẫn thị trường sơ cấp.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trai-phieu/bat-on-tren-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-310117.html