Bát nước hắt đi, làm chi lấy lại?

Ta thường nghe mọi người nói với nhau về câu thành ngữ 'bát nước hắt (đổ) đi', nhằm diễn tả một sự tình đã xảy ra và sẽ không thể nào cứu vãn được. Người ta ở đời, cần hết sức thận trọng trong lời nói và hành động, nhất là trong những sự việc hệ trọng.

“Khi vào Nam, ông Ba đã nói là sẽ không bao giờ nhìn lại mẹ già và quê hương mình nữa. Bây giờ giải phóng rồi, ông ta chẳng còn nơi nương tựa nhưng chẳng dám về quê. Giống như bát nước hắt đi chẳng bao giờ lấy lại được” (báo Văn Nghệ).

Có một sự tích liên quan tới câu thành ngữ trên trong sử sách.

Ảnh: TL

Ảnh: TL

Tương truyền, vào đời nhà Hán (từ năm 203 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), có một tiều phu tên là Chu Mãi Thần. Tuy nhà nghèo, suốt ngày làm nghề kiếm củi nuôi thân nhưng Mãi Thần rất chăm chỉ đọc sách. Thấy vậy, vợ ông không bằng lòng và luôn mồm than thở.

Chu Mãi Thần ôn tồn trấn an vợ: “Bà nó ạ, năm nay tôi 49 tuổi rồi. Nếu cứ siêng năng học hỏi qua sách vở thì thể nào đến năm 50 tuổi có kì thi tôi sẽ lập công danh cho bà coi. Bà chịu đựng cực khổ đã quen rồi, thôi gắng chịu thêm một năm nữa. Tôi sẽ không phụ công bà”. Bà vợ nhất quyết không nghe lời ông, quyết định li dị rồi sau đó đi kết duyên với một nông dân chuyên nghề làm ruộng.

Mãi Thần âm thầm chịu đựng và càng dày công luyện rèn kinh sử. Thấy ông hiểu biết giỏi giang, có người tiến cử ông với vua Võ Đế. Vua sai người triệu ông vào cung và bổ nhiệm làm quan to. Bà vợ cũ sau thời gian làm ruộng cực khổ, thấy vậy liền muốn quay trở lại.

Mãi Thần bèn lấy một bát nước rồi hắt ngay xuống đất và nói: “Đấy, nếu bà hốt lại cả bát nước đầy vừa đổ thì tôi sẽ ưng thuận đón bà trở về”. Tuy nói thế, ông vẫn chu cấp cho hai vợ chồng bà một cái nhà riêng để ở. Bà vợ kia xấu hổ quả liền ra gốc đa thắt cổ tự tử. Đó quả là bài học dạy ta về lòng chung thủy.

Sự đời bát nước hắt đi
Làm sao vớt vát được gì nữa đây?

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bat-nuoc-hat-di-lam-chi-lay-lai-22146.html