Bắt nhóm siêu trộm người Trung Quốc chuyên lấy két tiền trụ sở

Các đối tượng thường gây án vào đêm khuya, lựa chọn các trụ sở cơ quan, DN nằm gần kề quốc lộ, cậy phá cửa phòng kế toán, hành chính...

Ba đối tượng trong nhóm siêu trộm Trung Quốc thực hiện hàng loạt phi vụ trộm cắp tại Việt Nam đã bị sa lưới

Ba đối tượng trong nhóm siêu trộm Trung Quốc thực hiện hàng loạt phi vụ trộm cắp tại Việt Nam đã bị sa lưới

Các nhóm trộm người Trung Quốc thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc đi theo hộ chiếu du lịch, sau đó ở lại thực hiện các vụ trộm cắp. Sau khi thực hiện các phi vụ, chúng lại nhanh chóng “rút” về nước khiến cho việc điều tra gặp nhiều khó khăn.

Trộm cắp ở Việt Nam mang về Trung Quốc tiêu xài

Khoảng 11h30 ngày 16/10, Ban chuyên án Công an Đà Nẵng phát hiện Ban Wai Bing (SN 1982) và Ban San Ke, cùng là người Trung Quốc đang vội vàng trả phòng khách sạn, trả xe máy thuê, thu xếp hành lý, chuẩn bị trốn khỏi Đà Nẵng, nên đã tổ chức bắt giữ, thu đầy đủ tang vật.

Trước đó, từ ngày 20/6-22/7, liên tiếp 5 vụ trộm cắp với giá trị tài sản bị mất hơn 1,6 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn đã khiến Công an TP Đà Nẵng phải lập chuyên án đấu tranh. Sử dụng biện pháp nghiệp vụ cùng trích xuất camera, thu thập dấu vết hiện trường, Ban chuyên án khoanh vùng được 6 nghi can là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, do Ban Wai Bing - một đối tượng có 2 tiền án vì tội trộm cắp tài sản ở Trung Quốc cầm đầu.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, nhóm này nhập cảnh trái phép hoặc theo đường du lịch vào Việt Nam, mang theo đồ nghề từ Trung Quốc sang để gây án. Băng trộm chọn một hang đá trên đèo Hải Vân làm nơi cất giấu đồ nghề. Ban ngày, cả nhóm mượn, thuê xe máy rảo quanh các khu công nghiệp, tìm nhà xưởng, công ty sơ hở rồi về bàn phương án đột nhập. Cứ tầm từ 0-3h sáng, chúng chia nhiều nhóm để hành động, nhóm thì lên đèo Hải Vân lấy đồ nghề, nhóm cảnh giới, nhóm tiếp cận tường rào các công ty để đột nhập, di chuyển, đục phá két sắt.

Lấy được tiền, tài sản, cả nhóm chia ra nhiều hướng phóng xe máy tẩu thoát, sau đó trốn về Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sau một thời gian mới quay lại Việt Nam tiếp tục gây án.

Cùng thời điểm trên, Công an Vĩnh Phúc đã bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc chuyên đột nhập vào các công ty để cậy phá két sắt gồm: Wei Zhong Chao (SN 1987); Huang Shi Jiang (SN 1988); Huang Ri Qiu (SN 1984) và Huang Shi Bo (SN 1983), đều ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thời điểm bị bắt giữ, nhóm đối tượng có gần 327 triệu đồng, 373 USD, 60 đô la Hồng Kông, 6.400 Đài tệ (tiền Đài Loan); 45.000 Kíp (tiền Lào); 20 Bạt (tiền Thái Lan)...

Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng người Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản. Chỉ trong 4 đêm từ tháng 4-6/2019, nhóm đối tượng này đã đột nhập các nhà máy xi măng ở Thanh Hóa, phá két sắt lấy đi khoảng 7 tỷ đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Đồ nghề để thực hiện các phi vụ trộm cắp của nhóm đối tượng người Trung Quốc

Trung tá Mai Anh Tiến, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, phương thức thủ đoạn trộm của các đối tượng người Trung Quốc khá đặc biệt và rất tinh vi. Chúng chỉ vào Việt Nam khoảng từ ngày 10 - 25 hàng tháng, sau đó lại về nước nên việc làm rõ, phát hiện, truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.

Những hình ảnh được trích xuất từ camera và dấu vết để lại hiện trường cho thấy, các đối tượng đều bịt mặt, sử dụng găng tay nên hầu như dấu tích để lại bằng 0. Các đối tượng thường gây án vào đêm khuya, lựa chọn các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nằm gần kề quốc lộ, cậy phá cửa phòng kế toán, hành chính, tiếp đó cậy phá két sắt trộm cắp tài sản rồi tẩu thoát.

Các đối tượng khai nhận, sở dĩ chúng trộm cắp được vì có sự sơ hở của nhân viên bảo vệ. Cụ thể, các nhân viên bảo vệ thường chỉ kiểm tra cơ quan 1-2 lần lúc đầu buổi tối, sau đó thường ngủ say vào lúc 1-2h sáng. Bên cạnh đó, phòng Kế toán - nơi để két sắt - thường không được chú trọng về công tác bảo mật, an ninh nên các đối tượng mới dễ dàng phá két, trộm cắp.

Trung tá Tiến đề xuất, cần xây ô riêng để đựng hoặc gắn két sắt vào tường bởi đây chính mục tiêu mà các đối tượng nhắm tới. Việc cố định két sắt sẽ khiến cho việc cậy phá, lấy tài sản khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các bảo vệ, tăng thêm số lượng bảo vệ nếu có thể và nên lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, camera để phòng ngừa trộm cắp.

Vừa qua, cơ quan chức năng trên cả nước đã triệt phá, xử lý rất nhiều trường hợp người Trung Quốc phạm tội như: Bắt giữ 8 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum; Gần 400 người Trung Quốc phạm tội về điều hành đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng; Đường dây thuê trẻ vị thành niên đóng phim khiêu dâm…

Theo Luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), hiện nay, nhiều quy định về điều kiện cư trú, lao động và điều kiện du lịch cho người Trung Quốc khá dễ dãi là nguyên nhân khiến người Trung Quốc dễ dàng vào Việt Nam cư trú, thực hiện hành vi phạm tội.

“Cần phải xử lý những vụ án do người Trung Quốc phạm tội một cách nghiêm khắc tại chính Việt Nam để răn đe và đảm bảo kỷ cương nhằm ngăn chặn các “tư tưởng” muốn vào Việt Nam thực hiện các hoạt động phi pháp”, luật sư Việt đề xuất.

Vĩnh Nhân

Phương Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bat-nhom-sieu-trom-nguoi-trung-quoc-chuyen-lay-ket-tien-tru-so-d439157.html