Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, kéo theo hàng loạt chiêu trò buôn bán. Trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

“Bảo bối” làm đẹp

Da bị nám và thường xuyên tróc lở mỗi khi thời tiết chuyển mùa, Nguyễn Thùy L., 28 tuổi, ngụ Long Thành, Đồng Nai đã tìm đến “bảo bối” làm đẹp. L. được một đồng nghiệp làm cùng công ty tặng hộp thuốc bổ sung vitamin E và nội tiết tố, cùng với một tuýp thuốc bôi trực tiếp lên mặt. Theo giới thiệu của đồng nghiệp, đây là sản phẩm từ Hàn Quốc, chị ấy đã dùng qua và thấy hiệu quả. L. không mảy may nghi ngờ, vì đã có bà chị làm “chuột bạch” thử nghiệm rồi. Dùng thuốc trong một tháng, L. thấy người khỏe ra, mặt đỡ xám hơn nên càng yên tâm. Tháng 12 này, L. sẽ mặc áo cô dâu nên càng muốn tăng tốc làm đẹp. Hết thuốc, L. nhờ đồng nghiệp đặt giúp và tiếp tục dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Theo liệu trình, cả uống và bôi phải ít nhất 3 tháng thì mới hiệu quả và sẽ khỏi tiệt luôn không phải dùng đến liều thứ hai. Giá của bộ liệu trình là 12 triệu đồng, bao gồm 2 loại thuốc uống và bôi. Dù là công nhân đang phải giảm giờ làm, tài chính có phần eo hẹp nhưng L. vẫn ráng chắt chiu, nhịn ăn để thực hiện cho xong bài thuốc... “hóa thiên nga”.

Liều thứ hai, L. mới dùng được 2 tuần thì bắt đầu có triệu chứng ngứa mặt và cổ. Cơn ngứa xuất hiện vào ban đêm sau đó thì lan sang cả ngày, những mảng đỏ bong tróc bật máu tươi khắp mặt và cổ. L. hỏi đồng nghiệp thì được trấn an “cứ yên tâm”, chỉ là tác dụng phụ của thuốc do thời tiết đang có gió mùa hanh khô... L. yên tâm và tiếp tục trát thuốc lên mặt, mặc cho những trận ngứa sục sôi nóng rát khắp người. Suốt một tuần chịu trận, mặt của L. sưng phù lên như cái bánh đa, vùng nách và bộ phận kín cũng bị ngứa và sưng nghiêm trọng. Trên những bãi ngứa xuất hiện mủ trắng xanh có mùi hôi rất khó chịu. L. tiếp tục hỏi chủ nhân của đơn thuốc thì nhận được trấn an “không sao”. Tuy nhiên, lúc này, L. đã không thể đi làm được nữa, toàn bộ cơ thể sưng vù và lở loét. L. đi bệnh viện tỉnh khám và được tư vấn chuyển lên bệnh viện chuyên khoa tại TP Hồ Chí Minh điều trị. Tại bệnh viện, L. được bác sĩ cứu chữa kịp thời nhưng khuôn mặt của cô đã bị ảnh hưởng. Để phục hồi lại da mặt và các tế bào tổn thương phải mất ít nhất 6 tháng. Trước mắt, L. sẽ phải hoãn đám cưới vào tháng 12 tới vì nhan sắc cũng như sức khỏe không đảm bảo.

Tưởng như thế đã là bi kịch tan nát cuộc đời của L. thì một bi kịch khác ập tới. Ngày trở về từ bệnh viện cũng là ngày L. nhận thông báo nghỉ việc, do cô nghỉ quá ngày cho phép. Chồng sắp cưới của cô cũng chịu chung số phận vì công ty hết đơn hàng. L. tuyệt vọng cho biết: “Vận xui cứ liên tiếp đổ ập xuống em. Giờ em phải vay tiền bạn bè để chữa bệnh. Đã thế, người bán thuốc ngày nào cũng gọi điện đòi 5 triệu đồng tiền thuốc làm đẹp còn nợ. Khi biết em bị thế này, chị ấy bảo do em nhạy cảm chứ không phải do thuốc, vì bao nhiêu người dùng có sao đâu”.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh.

Nạn nhân khác của thực phẩm chức năng là Nguyễn Minh H., 32 tuổi, ngụ P. Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Một năm qua, H. sống như một tội đồ, bởi nhan sắc bị hủy hoại thê thảm trong quá trình dùng thực phẩm chức năng. Bệnh của H. trước đó không hề nặng, chỉ là dị ứng thời tiết. Vào mỗi độ tháng 11 hằng năm, da mặt của H. bị đỏ rồi nổi mụn bọc, kéo dài đến tháng 3 năm sau mới hết. H. chấp nhận điều đó và sống chung suốt nhiều năm liền.

Tháng 12 năm ngoái, H. về quê thăm gia đình ở Lâm Đồng thì tình cờ gặp lại bạn học cấp 3 cũ, người này đang làm cho công ty dược phẩm. Gặp trúng “ổ thuốc”, H. được bạn tận tình tư vấn và khuyên dùng thuốc trị cho dứt điểm.

Để tạo lòng tin, H. được tặng miễn phí liệu trình dùng trong 7 ngày. Thuốc của H. được giới thiệu uống và xông, không cần bôi lên mặt. Với công dụng của thuốc, chỉ trong vòng 3 tháng, H. sẽ khỏi hoàn toàn và không bao giờ tái phát, da mặt sẽ nhẵn như “sân bay”. Công ty còn hứa sẽ lấy H. làm hình ảnh đại diện, có tiền lương hằng tháng và sẽ cho anh phụ trách khu vực Tây Nguyên.

Xông, uống liên tục 20 ngày thì H. cảm thấy có vấn đề về sức khỏe. Những cục mụn bọc ở mặt vỡ ra, chảy máu và mủ. Thay vì phải khử trùng, sát khuẩn thì H. tiếp tục xông thuốc nên vết mụn bị nhiễm trùng, trũng sâu và loang to. H. lên cơn sốt cao, người lả đi vì kiệt sức, phải đi cấp cứu, vết thương ở mặt bị hoại tử phải phẫu thuật khoét bỏ. Sau đó, H. trải qua các cuộc phẫu thuật cấy ghép da mặt và phục hồi.

Khuôn mặt be bét, cơ thể tổn thương nghiêm trọng do dùng thực phẩm chức năng, H. quay sang truy vấn công ty thì đổ gục khi biết, đây chỉ là cơ sở bán hàng online, các mặt hàng được mua bán ở “chợ trời” không rõ nguồn gốc. H. trách bạn, sao nỡ đẩy mình vào nghịch cảnh như vậy. Anh bạn H. chỉ biết ngậm ngùi, vì anh ta là người làm công, chưa dùng sản phẩm của công ty bao giờ nên không biết nó ghê gớm như vậy.

Một năm qua, H. chạy xe ôm công nghệ để sống và kiếm tiền tiếp tục phục hồi khuôn mặt. H. chia sẻ, anh có bằng thạc sĩ ngôn ngữ học, nhưng không dám xin việc ở những nơi đông người hoặc công ty lớn vì mặc cảm với khuôn mặt xấu xí. Làm xe ôm, anh bịt khẩu trang cả ngày để che đi khiếm khuyết. Dự định có tiền, H. sẽ sang Singapore một chuyến để “lột xác” và trở lại làm người bình thường như xưa.

Các loại thực phẩm chức năng thật – giả tràn lan trên thị trường gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Hệ lụy khôn lường

Tác hại khôn lường của thực phẩm chức năng đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Đã có rất nhiều người là nạn nhân của thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Người có tiền thì đi điều trị, phục hồi tại các bệnh viện chuyên khoa, nhưng người nghèo khó thì chỉ biết khóc nghẹn trong uất ức và bất lực.

Những ngày gần đây, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến dạng cơ thể nặng nề vì sập bẫy quảng cáo các loại thuốc điều trị vảy nến trên mạng.

Ông P.N.T., 64 tuổi, ngụ Phú Yên đến Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cầu cứu trong tình trạng da toàn thân bong tróc, rỉ dịch hai chân kèm sưng to và đau nhức nhiều các khớp ngón tay, ngón chân, khớp gối... làm việc di chuyển khó khăn. Khai thác bệnh sử, ông T. cho biết bị vảy nến nhiều năm nay nhưng trước đây chỉ khô và tróc vảy nhẹ một ít da.

Cách đây 8 tháng, ông đọc được thông tin trên mạng có loại thực phẩm chức năng “trong uống ngoài bôi” chấm dứt vảy nến, nên đặt mua sử dụng. Hai chục ngày đầu uống thấy bình thường, tuy nhiên sau đó, vảy nến của bệnh nhân bùng phát và gây đau đớn dữ dội.

Lo sợ, ông T. gọi điện cho người bán thì họ bảo sau khi sử dụng, vảy nến bùng lên thì mới tốt, nên ông tiếp tục dùng. Nhưng, vảy nến cứ rụng nhiều đến nỗi ngày gom được cả chén vảy, da mưng mủ, rỉ dịch, tiếp đó các khớp tay, chân, gối... sưng đỏ đau nhức...

Một trường hợp khác là chàng trai tên L.H.N., 18 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh nhập viện trong tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân, da lưng rạn nứt, người mệt mỏi, ớn lạnh... Bệnh nhân cho biết bị vảy nến khoảng một năm nay, gần 2 tháng trước có xem quảng cáo về loại thuốc trị dứt vảy nến trên mạng nên đặt mua 3 hộp, giá gần 2triệu đồng. Sử dụng hết 3 hộp thuốc, tình trạng vảy nến của bệnh nhân có thuyên giảm nhưng sau khi ngưng thuốc được 5 ngày, bệnh lại bùng phát dữ dội và làm sức khỏe suy giảm.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng Khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị vảy nến nặng, do người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc được quảng cáo trên mạng.

Khổ sở, thiếu tự tin phải mang trên mình di chứng bệnh tật.

Bác sĩ Hoàng phân tích, đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa bán trôi nổi có chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid, nên khi mới sử dụng da sẽ láng mịn, bệnh nhân tin tưởng dùng tiếp. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc, bệnh sẽ diễn tiến nặng, khiến da toàn thân bệnh nhân tróc vảy, đi kèm với mụn mủ, sưng đau biến dạng các khớp tay chân không hồi phục được. Với trường hợp dừng thuốc sớm, nhập viện điều trị kịp thời như bệnh nhân P.N.T., các tổn thương trên da đã giảm nhiều và các khớp tay, chân, đầu gối đang cải thiện dần.

Bác sĩ khẳng định, bệnh vảy nến hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn, nên việc quảng cáo nói có thuốc điều trị dứt điểm là sai sự thật. Dù vậy, vẫn có nhiều loại thuốc uống, thuốc thoa giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể. Đặc biệt, thuốc sinh học có khả năng khống chế bệnh vảy nến gần như hoàn toàn.

Để điều trị đúng cách, tránh các tai biến xảy ra, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng khuyến cáo, người bệnh vảy nến không nên nghe theo những lời quảng cáo hấp dẫn, tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vảy nến bị tổn thương da quá nhiều có thể gây ra nhiễm trùng huyết, với nguy cơ tử vong cao.

Hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm. Tuy vậy, người dân vẫn còn mơ hồ đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng là do các sản phẩm thật - giả tràn lan trên thị trường, một số cá nhân thổi phồng lợi ích sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng...

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật.

ThS.BS Phan Minh Đoàn - Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, thực phẩm chức năng không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ, nhất khi việc quảng cáo về các thực phẩm chức năng đi quá xa so với hiệu quả thực tế. Không phải dùng càng nhiều thực phẩm chức năng là càng tốt. Nếu vượt quá khả năng chuyển hóa, đào thải của cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, rụng tóc, đau quặn ở dạ dày, nôn ói, tiêu chảy, thậm chí tổn thương nhẹ dây thần kinh... Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc điều trị. Nếu dùng thực phẩm chức năng thay cho thuốc điều trị sẽ làm bệnh không kiểm soát và gây những hậu quả nặng nề khác.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/bat-nhao-thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-i676237/