Bát nháo thị trường phân bón NPK: Doanh nghiệp xoay xở tiêu thụ

Khảo sát của phóng viên NTNN tại một số thị trường miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy, hiện có 2 xu thế lựa chọn sử dụng phân bón. Thứ nhất, nông dân chọn mua các loại phân đơn tự 'phối trộn' thành NPK. Thứ hai, chọn mua phân bón ngoại nhập hoặc từ các thương hiệu uy tín trong nước. Thị phần bị thu hẹp, doanh nghiệp (DN) phải xoay đủ đường để tồn tại.

Thay đổi xu thế hay mất niềm tin?

Tại vùng chuyên canh sầu riêng Cai Lậy (Tiền Giang), anh Nguyễn Văn Nhẫn - chủ đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (ấp Bình Thuận, xã Tam Bình) cho biết, vài năm gần đây bà con nông dân trên địa bàn thường lựa chọn sử dụng phân hữu cơ của Úc hoặc phân NPK nhập khẩu để dùng cho cây sầu riêng, chứ ít dùng phân bón NPK sản xuất trong nước.

Theo anh Nhẫn, hiện nay cửa hàng anh chỉ bán các loại phân Úc và NPK nhập khẩu. Các thương hiệu NPK Đầu Trâu hay Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau có nhưng rất ít do tiêu thụ chậm.

Xu thế tiêu dùng của phần lớn người nông dân hiện nay là sử dụng các loại phân đơn (ure, kali…), hoặc chuyển sang dùng các loại phân hữu cơ, phân NPK chất lượng cao… Ảnh: H.L

Xu thế tiêu dùng của phần lớn người nông dân hiện nay là sử dụng các loại phân đơn (ure, kali…), hoặc chuyển sang dùng các loại phân hữu cơ, phân NPK chất lượng cao… Ảnh: H.L

"Mấy năm trước, bà con sử dụng phân bón NPK trong nước sản xuất nhưng hay gặp sự cố chậm tan, cây rụng lá hoặc năng suất kém. Bây giờ bà con chỉ quen sử dụng phân Úc hoặc NPK nhập khẩu (giá trên 22.000 đồng/kg) chứ không dám dùng loại NPK trong nước sản xuất dù giá chỉ 15.000 - 16.000 đồng/kg”.

Anh Nguyễn Nhẫn

Trong khi đó, ở một số vùng chuyên canh lúa hoặc nhãn, thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Long An… nông dân thường sử dụng phân trộn 3 màu, kế đến là các loại phân đơn như: Ure, DAP, kali… Ước tính, các loại phân đơn như ure, DAP, kali có thể chiếm từ 50-60%, loại phân trộn 3 màu 15-25%, còn lại là phân hỗn hợp NPK khoảng 10-15%.

Theo một số đại lý phân bón tại Lâm Đồng, mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy Phân bón Bình Điền (công suất 100.000 tấn/năm), nhưng đa số nông dân trồng cà phê lại lựa chọn các loại phân bón như Baconco hoặc ure Phú Mỹ, DAP… để tự phối trộn thành NPK, chỉ khoảng 30% là lựa chọn NPK của Bình Điền.

Còn anh Lê Ngọc Quang (thôn 2, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) chia sẻ, do giá cà phê sụt giảm nên đa số nông dân quanh đây chỉ mua một số loại phân đơn như ure, kali… mà cây cà phê cần chứ không đủ tiền đầu tư phân bón NPK hay các loại phân ngoại.

“Vì các loại phân này vốn đều lớn, rất ít đại lý cho nông dân “gối đầu”, hoặc có thì bắt buộc phải bán ký gửi cà phê sau mùa vụ với giá “chốt” sẵn” - anh Quang cho biết.

“Căng não” tìm… thị trường

Từng phát triển sản phẩm phân bón NPK mang thương hiệu An Hưng Nông lên địa bàn Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ông Trần Quốc Cường - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón An Hưng Nông cho biết: “Một số nhãn hàng NPK dù có thương hiệu, đảm bảo chất lượng tốt nhưng vẫn mất dần thị phần là do điều tiết phần trăm lợi nhuận cho cấp trung gian (đại lý, cửa hàng mua bán trực tiếp với nông dân) thấp. Trong khi các công ty nhỏ lẻ chi phần lợi nhuận cho cấp trung gian nhiều hơn. Hơn nữa, nếu không chấp nhận “gối đầu” với đại lý, cửa hàng thì càng khó phát triển thị trường. DN lớn còn không dám “gối đầu” thì sao mình dám”.

Một số DN phân bón NPK lớn khác chuyển hướng phát triển sang thị trường mới và xuất khẩu.

Theo thống kê, tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm, Việt Nam đã mất đi từ 2-2,5 tỷ USD do chất lượng dinh dưỡng thực tế có trong phân bón không tương xứng.

Theo ông Cường, trước khó khăn của thị trường, An Hưng Nông chọn hướng đi là liên kết với 17 HTX nông nghiệp khắp các tỉnh miền Tây để liên kết cung ứng phân bón cho các thành viên HTX với giá thành tốt nhất, giãn công nợ đến cuối mùa vụ.

Riêng với các hộ nông dân nhỏ lẻ ở khắp các tỉnh miền Tây, DN cũng cho họ giãn công nợ khoảng 1,5 tháng, đồng thời có các chính sách khuyến mãi như tặng nón, tặng thùng bón phân...

Với Lâm Thao, khi chính thức sản xuất thương mại sản phẩm NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao, ở tỉnh Thái Bình, Lâm Thao kết hợp với Công ty Toan Vân để đưa hàng vào các cánh đồng mẫu lớn trồng lúa; kết hợp với Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang đưa vào các vùng trồng vải…

Một số DN phân bón NPK lớn khác chuyển hướng phát triển sang thị trường mới và xuất khẩu. Tại Công ty CP Phân bón hóa chất Cần Thơ, ông Trần Ngọc Văn - Trưởng phòng Kinh doanh cho biết, từ năm 2005 đến 2012, sản phẩm phân bón DN sản xuất cung cấp chủ yếu ra thị trường miền Tây với khoảng 120.000 tấn/năm.

Thế nhưng, hiện tại lượng hàng phân NPK bán ra tại vùng này giảm còn 40% so với trước. Vì vậy, từ năm 2004 đến nay, DN mở thị trường ra vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và đạt sản lượng vào khoảng 60.000 tấn/năm.

Quốc Hải - Huỳnh Lâm

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/bat-nhao-thi-truong-phan-bon-npk-doanh-nghiep-xoay-xo-tieu-thu-960771.html