Bát nháo quảng cáo khám chữa bệnh trên Youtube

Thời gian qua, nhiều người sử dụng Youtube tại Việt Nam liên tiếp gặp các video quảng cáo khám, chữa bệnh được phát trên nền tảng của ứng dụng này.

Các video quảng cáo đủ loại khám, chữa bệnh từ viêm xoang, đau dạ dày, viên uống “thần dược”… cho đến điều trị chữa khỏi, dứt điểm các bệnh nan y, thậm chí là ung thư.

Theo quan sát, quảng cáo từ các video này chủ yếu đưa lên hình ảnh một vị “thầy thuốc”, “thầy lang” kèm theo thông tin loại bệnh, số điện thoại… và đặc biệt là các video này còn lồng tiếng vào hình ảnh các MC của Đài Truyền hình Việt Nam để quảng cáo thuốc trị bệnh kèm theo đó là logo của các đài truyền hình, báo chí.

Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ và chặt chẽ việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng… vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi con người, thế nhưng các video quảng cáo tràn lan trên youtube vẫn bất chấp quy định pháp luật, quảng cáo điều trị, khám chữa bệnh và bán thuốc không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí có video còn dàn dựng công phu, ghi lại ý kiến người sử dụng là các “diễn viên” quần chúng được quay, trả lời để làm video với một kịch bản đã có sẵn.

Viên sủi Diabet bị Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo

Viên sủi Diabet bị Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo

Vừa qua, khi Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo về nhiều sản phẩm quảng cáo vi phạm như: viên sủi Diabet, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi… có nội dung quảng cáo sai sự thật nhưng bất chấp tất cả, các sản phẩm này vẫn “chạy” quảng cáo trên Youtube.

Việc khám, điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện, các bác sĩ có chuyên môn, chuyên ngành… người dân tuyệt đối không nên tin theo các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo “vô tội vạ” trên Youtube để từ đó khám, mua thuốc, trị bệnh… bởi lẽ việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và đặc biệt hơn cả là nguy hiểm đến chính sức khỏe của người bệnh.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật trên Youtube đồng thời thường xuyên đưa ra khuyến cáo đối với người dân trước những quảng cáo “độc hại” này.

Đã có trường hợp bệnh nhân xem quảng cáo từ Yotube, khám và uống thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới biến chứng, tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, mỗi người dân cần thận trọng, tỉnh táo trước những quảng cáo tràn lan về khám, chữa bệnh và bán thuốc trên Youtube hiện nay.

Tạ Tuấn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/bat-nhao-quang-cao-kham-chua-benh-tren-youtube-67360.html