Bát nháo quảng cáo khám chữa bệnh trên youtube: Lợi bất cập hại

Không bị kiểm soát gắt gao như quảng cáo trên các kênh truyền hình, báo chí chính thống, các mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để loại hình quảng cáo được dịp tự tung tự tác. Không thiếu những quảng cáo về khám chữa bệnh, thực phẩm chức năng… được dàn dựng thành những clip với những lời khẳng định chắc nịch với hiệu quả trên trời của sản phẩm…

Thói quen xem phim, tin tức, ca nhạc… trên các mạng xã hội như youtube, facebook hiện tại khá phổ biến ở phần lớn những người cao tuổi có sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng. Sự tiện lợi của những sản phẩm công nghệ này khiến không ít những bậc cha, chú dần quên đi vai trò của thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Có lẽ nắm bắt được điều đó, nên những quảng cáo khám chữa bệnh theo kiểu gia truyền chữa thấp khớp, đau xương, tiểu đường... ngày càng nhiều trên các mạng xã hội.

Không khó để bắt gặp những quảng cáo khẳng định theo kiểu “nhà tôi ba đời chữa đau xương”, hay “ai đau đầu, mất ngủ hãy gọi cho lương y…”, hoặc những lời khẳng định việc có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường của một loại sản phẩm của một “lương y”.

Những clip đó không chỉ dừng ở một vài lời thuyết trình của MC, của chính thể, mà còn là sự khẳng định của một loạt những nhân vật tự xưng là “bệnh nhân” với những lời tương tự nhau về việc chữa nhiều nơi, đi nhiều bệnh viện nhưng không khỏi, rồi gặp thầy, gặp thuốc. Và tất lẽ dĩ ngẫu, những lời khẳng định của những nhân chứng lại rất thuyết phục với câu chuyện lưu loát, diễn cảm.

Một trong những hình ảnh quảng cáo trên youtube về việc... gia truyền chữa bệnh.

Một trong những hình ảnh quảng cáo trên youtube về việc... gia truyền chữa bệnh.

Nguy hiểm hơn, với cách khẳng định "thuốc gia truyền" rồi lồng ghép logo các nhà đài; thậm chí ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của MC của các đài truyền hình lớn để người xem tin tưởng vào công dụng "thần kỳ” của thuốc. Ở nhiều clip, không quá khó để phát hiện logo giả như DDTV, VCTC, SHTV… Thế nhưng nếu không tinh ý thì vẫn rất dễ bị lừa.

Điều đáng ngại ở đây, đó là những quảng cáo đó khiến rất nhiều những khán giả lớn tuổi, trung thành của mạng xã hội tin tưởng và nghe theo. Chị Nguyễn Bích, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, bố chị vốn bệnh tiểu đường, mặc dù gia đình đã tìm và nhờ trực tiếp những bác sỹ nội tiết hàng đầu ở bệnh viện Bạch Mai điều trị, nhưng ông vẫn không yên tâm. “Chẳng hiểu ông nghe được những gì, người ta nói thế nào trên mạng mà ông nhất quyết đòi đưa đến “lương y” kia và bắt mua thuốc. Không mua thì ông giận dỗi, nói con cái không thương, không lo cho ông.”

Hay như mẹ chị Trần Thị Tuyết, Long Biên, bà vốn bị thấp khớp và Parkinson. Chuyện gia đình luôn duy trì thuốc thang và đưa bà đi khám định kỳ luôn được chú trọng. Nhưng cũng chẳng hiểu xem quảng cáo thế nào mà bà gửi mua từng hộp thuốc nọ, thang thuốc kia để về ngâm rượu bóp chân hòng để khỏi… thấp khớp.

Việc nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh hoặc uống thuốc là một chuyện lợi bất cập hại. Theo một chuyên gia y tế, nhiều bệnh nhân hiện đang điều trị tiểu đường bị suy thận do nghe theo quảng cáo mà uống thêm thuốc nam, thuốc bắc. Sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh, chuyên gia này cho biết.

Cũng theo ông, người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Thực tế, các quy định về thông tin quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa đã được ban hành. Riêng đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh cũng đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Theo đó, quy chế xử phạt cũng đã được quy định rõ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Thế nên, việc xử lý các sai phạm này không phải một sớm một chiều. Và hơn ai hết, người sử dụng cần phải tỉnh táo và tự trang bị cho mình những kiến thức về sức khỏe cơ bản nhất để… phòng thân.

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bat-nhao-quang-cao-kham-chua-benh-tren-youtube-loi-bat-cap-hai-229192.html