Bát nháo phòng khám tư móc túi bệnh nhân

Bằng nhiều chiêu thức khác nhau, các phòng khám tư nhân tìm cách lôi kéo bệnh nhân, móc túi bệnh nhân một cách không thương tiếc, mặc cho bệnh nhân có hết bệnh hay không...

Phòng khám tư của "thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng "được giới thiệu là đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin… bắt xét nghiệm sán chó

Con đường Nguyễn Ảnh Thủ (đoạn từ Quốc lộ 22 đến đường Tô Ký, quận 12, TP.HCM) dài chỉ hơn 1km nhưng có khá nhiều phòng khám nhi tư nhân được trương bảng hiệu là bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, thậm chí có phòng khám còn ghi theo kiểu “đối phó” là bác sĩ bệnh viện nhi đồng.

Đã vậy nhiều phòng khám tư ở đây còn tìm cách móc túi trắng trợn bệnh nhân khiến không ít người phải “dở khóc dở cười”.

Đưa con trai 3 tuổi đến phòng khám tư nhân ngoài giờ nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, được quảng cáo là do "thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng" (ghi là đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2) khám chữa bệnh, chị V. (ngụ quận 12) tỏ ra khá bất bình vì kiểu moi tiền của phòng khám này.

Theo chị V., thời gian gần đây con trai chị xuất hiện một số vết bầm có màu xanh trên chân, chị đưa cháu đến phòng khám này để bác sĩ chẩn đoán xem cháu bị bệnh gì. Tại đây, bác sĩ Sáng chỉ định cho con chị xét nghiệm sán chó. Nghe bác sĩ chỉ đinh xét nghiệm sán chó, chị V. hơi giật mình, vì nghĩ không lẽ những vết bầm màu xanh này lại có liên quan đến bệnh sán chó. Thấy chị V. có vẻ hơi bất ngờ, bác sĩ Sáng liền giải thích: phải xét nghiệm đầy đủ hết, xét nghiệm sán chó, nếu không phát hiện thì xét nghiệm tiếp tiểu cầu xem có bị thiếu tiểu cầu không.

Nhờ quảng cáo là bác sĩ chuyên khoa nội đang công tác tại Bệnh viện nhi đồng 2 nên phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng lúc nào cũng đông bệnh nhân.

“Lúc trước tui đưa cháu đến Bệnh viện nhi đồng 1 khám có hỏi bác sĩ về những vết bầm có màu xanh trên chân. Bác sĩ ở đây nói, có thể cháu bị thiếu vitamin hoặc thiếu tiểu cầu, nếu muốn biết chính xác cho cháu đi xét nghiệm tiểu cầu. Bác sĩ ở bệnh viện không hề nói vết bầm màu xanh trên chân có thể bị sán chó, nhưng bác sĩ Sáng ở đây lại cho xét nghiệm sán chó, chi phí xét nghiệm lên đến gần 600.000 đồng. Tui thấy có điều gì đó bất ổn, triệu chứng này, bác sĩ ở bệnh viện không nghi ngờ là sán chó, sao ở đây lại cho xét nghiệm sán chó rồi lại nói, nếu không phát hiện thì xét nghiệm tiếp tiểu cầu”, chị V. phân trần.

Đúng như dự đoán, kết quả xét nghiệm sán chó cho thấy, cháu không bị nhiễm sán chó. Sau đó, chị V. tiếp tục đóng ngần ấy tiền để xét nghiệm tiểu cầu và kết quả cũng bình thường. Kết quả cuối cùng cháu chỉ bị thiếu vitamin.

“Giá xét nghiệm tiểu cầu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ khoảng 200.000 đồng nhưng giá ở đây lên đến gần 600.000 đồng, bác sĩ lại còn tìm cách vẽ cho bệnh nhân làm nhiều kỹ thuật cận lâm sàng không đáng có khác để lấy tiền. Làm công nhân thường xuyên tăng ca, nhà lại xa bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 nên thấy ở đây có bác sĩ "bệnh viện nhi đồng" lại còn thực hiện luôn cả các xét nghiệm cận lâm sàng nên tui đưa cháu đến đây chẩn đoán cho tiện, nhưng không ngờ lại bị họ móc túi đến như vậy”, chị V. tỏ ra bức xúc.

Muốn lấy toa thuốc phải đóng 100.000 đồng

Do bác sĩ ở đây không cho toa, thuốc bị bóc trần, chẳng biết thuốc gì, nhiều phụ huynh khi đóng tiền thuốc và tiền khám muốn xin toa thuốc thì bị nhân viên phòng khám bắt phải đóng thêm tiền cung cấp toa thuốc.

Chị T. (ngụ quận 12) cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, chị đến phòng khám tư ngoài giờ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng để khám bệnh cho con trai 4 tuổi của mình. Sau khi lấy số thứ tự đến lượt vào khám, bác sĩ Sáng hỏi mấy câu về bệnh tình của cháu rồi ghi ghi vào một miếng giấy đưa cho nhân viên cầm ra quầy thuốc của phòng khám. Sau đó chị đưa cháu đến quầy thuốc đóng tiền và lấy thuốc.

Để tránh bệnh nhân biết được thuốc gì, ngoài không cung cấp toa thuốc, thuốc bán ở đây còn bóc trần và đựng vào bọc nilon như thế này.

“Tui làm công nhân may hay tăng ca, sợ hôm tái khám tăng ca về trễ, không kịp đến tái khám, tui muốn xin toa thuốc. Nếu cháu uống hết thì sẽ sử dụng toa này để mua cho cháu uống nữa, khỏi phải khám. Tuy nhiên, nhân viên ở đây cho biết, nếu muốn lấy toa thuốc phải đóng thêm 100.000 đồng tiền cung cấp toa thuốc. Tui quá bất ngờ, vì nghĩ tiền khám, tiền mua thuốc đã đóng rồi”, chị T.chia sẻ.

Điều đáng nói, phòng khám tư ngoài giờ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng được giới thiệu là đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhưng phòng khám này khám, chữa bệnh liên tục trong ngày và thường xuyên có mặt bác sĩ Sáng trực tiếp khám ở đây. Do đó nhiều người tỏ ra hoài nghi, liệu có phải bác sĩ Sáng đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hay không?

Hầu hết các phòng khám tư nhân ở khu vực này, bệnh nhân đến khám đều được bán thuốc tại chỗ nhưng không có toa thuốc, thuốc được bóc trần ra ngoài thành từng viên chẳng biết đó là thuốc gì. Đây chính là chiêu để các bác sĩ kéo bệnh nhân, buộc bệnh nhân phải đến đây tái khám, tiếp tục lấy tiền khám và tiền bán thuốc; còn nếu cho toa bệnh nhân ra ngoài mua thì bác sĩ phòng khám “mất cả chì lẫn chài”.

Chị H. (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, có lần chị đưa con trai mình đến khám bệnh tại phòng khám tư bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú Anh nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, huyện Hóc Môn, TP.HCM được trương bảng giới thiệu là bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1.

“Con trai tui bị ho, đến đây khám, bác sĩ phán cháu bị viêm họng rồi bán thuốc cho về nhà uống. Thuốc được bóc trần thành từng viên bỏ vào bọc nilon, mỗi lần chỉ cho uống khoảng 2 đến 3 ngày sau đó phải đi tái khám trở lại. Đi tái khám và uống thuốc lên tục mấy tuần liền không thấy hết, gia đình đành phải đưa cháu đến bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị”, chị H. tỏ ra bất bình.

Việc bóc trần thuốc như thế, chẳng ai biết là thuốc gì lại không có toa thuốc nên khi có xảy ra sự cố gì, bệnh nhân cũng khó mà kêu ai. Lúc này, có xảy ra điều gì cho người bệnh thì họa vô đơn chí, vì chẳng lấy gì chứng minh bệnh nhân đã đến đây khám và điều trị.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/thoi-su-xa-hoi/bat-nhao-phong-kham-tu-moc-tui-benh-nhan-289272.html