Bát nháo phố đi bộ Bùi Viện

Từ mục đích được thành lập để trở thành điểm đến văn hóa của du khách, con phố này đang dần trở thành phố ăn nhậu đúng nghĩa với đủ mọi tệ nạn.

Bóng cười, shisa, beer club, quán nhậu vỉa hè, múa lửa, hàng rong, ẩu đả… tất cả đều đang có mặt ở khu vực phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TP.HCM. Những điều đó làm khu phố này mất dần hình ảnh là điểm giao lưu văn hóa của du khách khi tới TP.HCM như mục tiêu ban đầu.

Đủ chuyện bát nháo

Đêm xuống, chỉ cần bước chân đến khu vực Đề Thám - Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện, du khách như lạc vào thế giới riêng, khác biệt hẳn với khu trung tâm TP.HCM cách đó không xa lắm. Hoạt động từ chập tối, đến tầm 21-22 giờ, khu vực này trở nên ngột ngạt, không khí như đặc quánh. Người và xe chen chúc nhau, tranh từng khoảng không với hàng quán vỉa hè.

Gọi là phố đi bộ nhưng chỉ đến hai ngày cuối tuần, Bùi Viện mới có không gian để du khách đi bộ thực thụ. Dù vậy họ cũng chỉ được đi bộ dưới lòng đường, bởi vỉa hè đã bị hàng quán chiếm sạch. Lúc 22 giờ ngày thứ Sáu 24-8, đường Bùi Viện gần như không còn một chỗ trống nào trên vỉa hè. Dọc tuyến đường này, các hộ kinh doanh tận dụng toàn bộ không gian vỉa hè, thậm chí cả lòng đường để bày bàn ghế phục vụ dân nhậu.

Tấp vào quán 79 Bùi Viện, chúng tôi kêu ít thức ăn để tiện quan sát con phố. Vừa ngồi được một chút thì “công an tới, tụi bay dẹp bàn ghế nhanh. Anh thông cảm đứng chút, xong tôi bày bàn lại cho ngồi, công an đi qua xíu à”. Ông chủ quán vừa hớt hải nói vừa nhanh tay dẹp mấy bộ bàn ghế đang lấn chiếm lòng đường (dù thứ Sáu chưa cấm xe). Vài phút sau, một xe công an hú còi đi tuần ngang qua. Xe vừa khuất dạng, nơi đây lại nhốn nháo y như cũ.

Lát sau, hai trái bóng cười to đùng được mang ra cho khách. Nhìn cảnh nhân viên quán hai tay cầm hai trái bóng cười giơ cao đem ra bàn, cùng các làn khói trắng shisha nhả ra liên tục từ các bàn bên cạnh, chúng tôi tưởng mình đang ngồi giữa một quán bar hoành tráng nào đó chứ không phải trên vỉa hè phố đi bộ Bùi Viện. Chỉ trong vòng 10 phút, có đến hơn 10 trái bóng cười lớn nhỏ được quán bán ra. Không riêng gì quán này, rất nhiều quán ở đây phục vụ bóng cười và shisha cho khách có nhu cầu.

“Du khách, cả ta và Tây, tới đây luôn có hai dạng. Dân quậy quậy, bụi bụi thì rất thích nhưng khách tới với mục đích du lịch, tham quan khám phá Sài Gòn-TP.HCM sẽ thấy sợ và không dám quay lại. Không chỉ bóng cười, shisa hay ăn nhậu ồn ào dễ dẫn tới ẩu đả, mà những trò giải trí ở đây cũng kém an toàn. Anh nhìn đi, giữa dòng người đông kịt vậy mà có nhóm còn biểu diễn nuốt xăng phun lửa rất nguy hiểm, chỉ sơ sẩy xíu thôi là có tai nạn” - chị Nguyễn Phương Thảo, nhân viên một công ty tổ chức sự kiện đang ngồi với nhóm bạn cho hay. Theo chị Thảo, nơi đây xưa là phố Tây Bùi Viện nhưng giờ thành phố bia vỉa hè mất rồi.

Anh Quang Minh hay ra đây nhâm nhi với bạn bè cho biết khó có thể xem phố đi bộ Bùi Viện là một chỗ giải trí, giao lưu văn hóa lành mạnh. “Tôi ngồi đây thường xuyên, không hiếm lần thấy gái mời chào khách Tây đi tàu nhanh, tàu suốt. Có lần tôi nghe bàn kế bên cô gái Việt ra giá với anh khách Tây đen giá 100 USD/đêm mà không cần nhỏ giọng hay ngại ngùng gì. Phố Bùi Viện giờ bát nháo lắm” - anh Minh nói.

Nhân viên một quán ở phố đi bộ Bùi Viện, quận 1 đang bán bóng cười cho khách. Ảnh: K.CƯỜNG

Nổi tiếng trên Youtube vì… đánh nhau

Trở lại đây vào chiều tối thứ Bảy 25-8, khi đường Bùi Viện cấm xe, chúng tôi thấy con phố đã có không gian cho người đi bộ ở giữa. Nhưng hai bên vỉa hè, thậm chí lòng đường vẫn bị hàng dài bàn ghế lấn chiếm sạch. Phố đi bộ thật sự trở thành phố ngồi nhậu hoành tráng.

“Khách Tây tới đây lịch sự cũng có nhưng bất lịch sự cũng không ít. Quán tôi từng có mấy ông khách xỉn quá vào ói mửa, tiểu tiện tùm lum. Hoặc có ông uống tới say bét nhè, đến lúc tính tiền móc hết túi chỉ còn có 3.000 đồng, tôi chỉ biết cười trừ ngao ngán chứ giữ lại không nổi, gọi công an phường cũng chả giải quyết được gì” - chị Thùy Linh, chủ quán ở đầu hẻm số 35 đường Bùi Viện kể.

Gia đình chị Linh kinh doanh ở đây đã hàng chục năm nên chị nắm rất rõ sự đổi thay của con phố này. Theo chị Linh, lúc trước phố Tây dù có ồn ào, bát nháo nhưng vẫn trật tự hơn bây giờ. Còn giờ đây thì gây gổ là chuyện cơm bữa, đánh nhau sứt đầu mẻ trán cũng không ít. Lý do là khi nhậu người ta dễ lời ra tiếng vào, bàn ghế lại san sát, bên này nói to một chút cũng dễ khiến người xung quanh nổi nóng.

“Mới đây, có khách ở quán tôi ngồi bên đây đường, không hiểu có xích mích gì mà phía bên đường ném thẳng chai bia qua, trúng người nhưng may thương tích không nặng” - chị Linh cho hay.

Đáng chú ý nhất là chỉ trong đêm 18-3, ở đây xảy ra hai vụ đánh nhau, bị du khách quay clip tung lên Youtube. Theo đó, một khách Tây bị một nhóm nhân viên mặc áo đen đánh te tua vì xỉn không trả tiền, kế tiếp là vụ hỗn chiến giữa một nhóm thanh niên và khách du lịch. Cuối tháng 4, trên Youtube cũng xuất hiện clip hai thanh niên cầm ghế đánh nhau tại phố đi bộ này.

Cần cải tạo lại không gian phố đi bộ

Theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nói một cách khách quan thì phố Bùi Viện có bề ngoài giống phố nhậu bình dân hơn là phố đi bộ và chưa thật sự là một sản phẩm du lịch thu hút du khách tới TP.HCM. Tình trạng cướp giật vẫn thi thoảng xảy ra cho cả khách nước ngoài và cả khách từ các tỉnh đến trọ gần khu vực này. Điều đó làm xấu bộ mặt của TP.HCM và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và cảm nhận về Sài Gòn của người bị nạn.

Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn tới thực trạng hiện nay là do việc quản lý chưa đủ mạnh và dứt khoát. Các cửa hàng ăn uống, bia rượu tuy giá bình dân nhưng chưa được kiểm soát chặt về vệ sinh thực phẩm. Họ buôn bán lấn chiếm không gian chung, xả rác bừa bãi cũng chưa được địa phương xử lý nghiêm. Không gian mỹ quan cho người đi bộ thưởng lãm và mua sắm khá chật chội và làm mất đi nét văn hóa của các gian hàng bán đồ lưu niệm, các tấm bưu thiếp hay các loại sách văn hóa, tranh ảnh, gỗ điêu khắc nghệ thuật...

“Để phố đi bộ ở TP.HCM như Nguyễn Huệ, Bùi Viện... trở thành phố đi bộ đúng nghĩa, điều tiên quyết là phải siết chặt quản lý. Các gian hàng lưu niệm cần được sắp xếp mỹ quan, sạch sẽ, thanh nhã để du khách an tâm tham quan, mua sắm mà không bị “chặt chém”, giật dọc. Hàng quán ẩm thực là cần thiết nhưng phải buôn bán có nơi có chỗ, không được lấn chiếm không gian chung. Các cơ quan được phân công quản lý mỹ quan và an ninh đô thị phải làm thật tốt chức năng của mình, đừng đùn đẩy trách nhiệm” - ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt:

Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm

Phố đi bộ Bùi Viện là phố ăn nhậu lý tưởng của khách Tây ba lô. Họ rất thích nơi đây do được uống bia thoải mái, giá lại rẻ chứ không như ở nước ngoài. Nhưng cũng chính vì rượu, bia được bán thoải mái quá nên nơi đây cũng tiềm ẩn rủi ro khi “rượu vào lời ra”, hay các tệ nạn khác.

Mô hình kinh doanh phố đi bộ Bùi Viện hiện có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng lợi bất cập hại do ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa, an ninh trật tự của cả thành phố.

Phố đi bộ đúng nghĩa phải có không gian, có lề rộng, đã đi bộ thì phải có ghế ngồi cho khách nghỉ ngơi. Nơi đây có thể có các cửa hàng bán hàng lưu niệm, bán thức ăn nhẹ, có không gian giới thiệu văn hóa bản địa thông qua nghệ thuật đường phố… Đó phải là không gian chung mà mọi người, mọi tầng lớp, lứa tuổi đều ra đó để hưởng thụ được. Chẳng hạn phố cổ Arbat (Nga), trung tâm nơi đây là một con đường dành để đi bộ rộng thoáng đãng. Hai bên phố đi bộ Arbat du khách dễ dàng nhận thấy nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng của Nga, các nghệ sĩ trình diễn với các tiết mục đường phố hấp dẫn. Con phố này không có xe cộ đi lại ồn ào. Ngoài ra, du khách đến đây sẽ mua được nhiều quà tặng, lưu niệm đặc sắc của Nga…

Đáng lẽ trước khi làm phố đi bộ đúng nghĩa, ngành du lịch TP.HCM cùng các cơ quan liên quan phải làm môi trường sạch (cả về kinh doanh lẫn an ninh trật tự), phải có quy hoạch các cửa hàng bán buôn phục vụ du lịch. Nếu ngành du lịch, chính quyền quận 1 quyết tâm làm thì có thể thông báo trước cho người dân khu vực đó ít nhất một năm để mọi thứ đi vào nề nếp, được người dân đồng thuận.

Làm du lịch thì yêu cầu quan trọng nhất là phải làm lâu dài, căn cơ. Muốn vậy cần phải thay đổi suy nghĩ, cách làm hiện nay không chỉ của người đứng đầu ngành du lịch mà của cả thành phố.

Đừng để du khách không dám tới phố Bùi Viện

Phố đi bộ Bùi Viện tôi đã vài lần tới và không thích lắm vì đây là phố ẩm thực nhiều hơn là đi bộ. Lề đường bị các hàng quán kinh doanh chiếm hết, tôi phải đi xuống lòng đường. Đặc biệt khu phố này tôi không thấy có thùng rác nào. Tôi đã từng phải cầm rác trong tay cho đến khi rời khỏi con phố này.

Theo tôi biết, nhiều người khi nhắc đến phố Bùi Viện là nghĩ đến khu phố dành cho khách Tây ba lô đến vui chơi. Sự xô bồ ở khu phố này khiến không ít bạn bè của tôi e ngại khi tôi rủ họ tới tham quan. Việc điện thoại, túi xách dễ bị cướp giật cũng khiến người nước ngoài rất sợ.

Tôi cho rằng TP.HCM cần tăng cường thêm lực lượng thanh niên xung phong giữ trật tự ở Bùi Viện giống như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cần cải thiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, đừng để khách nước ngoài truyền tai nhau là người Việt ở dơ. Còn những gánh hàng rong, vốn là một nét văn hóa của Việt Nam, chính quyền khó dẹp được thì nên tạo điều kiện để họ kinh doanh hợp pháp. Ví dụ những ai muốn bán hàng rong phải tốt nghiệp khóa học an toàn thực phẩm (miễn phí) và phải cam kết bán đúng những khu vực mà chính quyền chỉ định.

NGUYỄN T.H., Việt kiều Mỹ

KIÊN CƯỜNG - TÚ UYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/bat-nhao-pho-di-bo-bui-vien-789503.html