Bát nháo mỹ phẩm đông y gia truyền

Liên tiếp các vụ bắt giữ hàng mỹ phẩm không đăng ký chất lượng 'núp bóng' thuốc đông y gia truyền thời gian qua cho thấy tình hình buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở nhóm hàng mỹ phẩm diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa.

Liên tục phát hiện vi phạm

Ngày 22/6, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (tên thường gọi Ngọc Tú Nature Beauty), tại huyện Thanh Trì đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt... không giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm; không giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất hàng hóa. Được biết hơn một năm qua DN này đã tổ chức sản xuất mỹ phẩm đông y sau đó tiêu thụ tại các cửa hàng spa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành; đồng thời mở 246 đại lý bán hàng online trên mạng.

 Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Hoài Nam

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Hoài Nam

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm đông y không đăng ký chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, thời gian qua, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện nhiều DN, cơ sở sản xuất mỹ phẩm núp bóng đông y gia truyền không đăng ký chất lượng.
Mới đây nhất, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 TP Hà Nội về an toàn thực phẩm đã kiểm tra tầng 5 nhà 45, ngõ 9, Hoàng Cầu, quận Đống Đa đã phát hiện 7 loại mỹ phẩm rửa mặt, kem trị nám gắn mác đông y gia truyền Nguyệt Tâm Đường, Ngọc Sơn Đường chất lượng không bảo đảm... Chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu qua mạng sau đó sang chiết vào các lọ, túi và đóng gói, dán tem rồi thông qua mạng xã hội để tiêu thụ. Việc làm giả mỹ phẩm còn táo tợn đến mức DN thuê hẳn trụ sở (cũ) của Thanh tra Chính phủ để làm kho chứa. Trong ngày 7/6, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện một kho tập kết cất giữ 20.000 sản phẩm sữa tắm, dầu gội đầu, sữa dưỡng thể... đông y gia truyền.
Siết chặt quản lý
Thực tế việc liên tiếp phát hiện, bắt giữ các lô hàng mỹ phẩm đông y không bảo đảm chất lượng cho thấy tình hình buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm đông y.

"Sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm mỹ phẩm. Thế nhưng trong đó có rất nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của mỹ phẩm đông y, vị thuốc y học cổ truyền… điều này đã tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh." - Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, lợi nhuận của mặt hàng này khá lớn bởi không phải đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất; các đối tượng sản xuất mua nguyên liệu Trung Quốc, đóng vào các chai lọ rồi tự dán tem nhãn mỹ phẩm đông y gia truyền để lừa người tiêu dùng. Việc ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý đối với các mặt hàng y học cổ truyền, dược liệu.
Nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, ngày 19/6/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh nhóm hàng này.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Lực lượng QLTT (Bộ Công Thương) xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giám sát các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bat-nhao-my-pham-dong-y-gia-truyen-319717.html