Bát nháo đào tạo huấn luyện viên dạy Yoga

Nhiều cơ sở đào tạo huấn luyện viên (HLV) Yoga, các phòng tập Yoga tự phát với quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động rầm rộ. Thế nhưng đa số các cơ sở hoạt động đều sai phạm: Không có giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Yoga, không có bằng cấp chuyên môn theo quy định… Việc này, tiềm ẩn nguy cơ đào tạo HLV 'dỏm', HLV dạy Yoga không đúng cách sẽ 'ôm' bệnh.

Cơ sở dạy Yoga cần phải hướng tới chuyên nghiệp như thế này (ảnh minh họa). Ảnh T.L

Bỏ hàng chục triệu học làm “thầy” dạy Yoga

Trước một số phản ánh có nhiều bất cập đang tồn tại trong các cơ sở hoạt động Yoga, phóng viên Báo Lao Động đã nhập vai để tìm hiểu về vấn đề đào tạo HLV dạy Yoga. Theo đó, hiện nay các cơ sở đào tạo HLV Yoga có chi phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Việc đào tạo HLV này hiện nay đang phát triển và thu hút nhiều người tham gia.

Tại một cơ sở đào tạo HLV Yoga ở quận Phú Nhuận (TPHCM), nhân viên tư vấn tuyển dụng cơ sở này cho biết, để học làm HLV dạy Yoga cần đóng chi phí khóa học cho 200 giờ là 38 triệu đồng. “Học xong khóa học này anh sẽ được cấp giấy chứng nhận có giá trị toàn quốc. Đặc biệt, người học sẽ có thể đi dạy, lương tháng rất cao và có thể mở cơ sở đào tạo HLV, cơ sở dạy Yoga…” - nhân viên cơ sở này khẳng định.

Tương tự tại một cơ sở khác ở quận 10 (TPHCM) cũng quảng cáo học phí trọn gói để trở thành HLV Yoga hàng chục triệu đồng. Tại đây, một “thầy” dạy Yoga cho biết, hiện đang vào đợt tuyển HLV và trong dịp khuyến mãi nên học phí đang giảm. Theo đó, học phí ở đây dao động khoảng vài triệu đến hơn chục triệu đồng.

Ngoài ra, nếu học khóa học của cơ sở sẽ được cấp đĩa DVD hướng dẫn, giáo trình và hai bộ quần áo thun. “Trong vòng 200 giờ học viên sẽ được đào tạo về triết lý Yoga, giải phẫu học cơ bản, kỹ thuật Yoga, thể lực, thực hành... Và được chính giáo viên là những thầy nổi tiếng về Yoga của Ấn Độ giảng dạy. Sau kỳ thi kiểm tra lý thuyết, thực hành giảng dạy và thể lực, nếu đạt thì học viên sẽ được cấp chứng nhận quốc tế có giá trị suốt đời…” - nhân viên cơ sở Yoga tại quận 10 nói.

Tuy nhiên, theo một HLV dạy Yoga có kinh nghiệm nhiều năm tại TPHCM, ông rất lo ngại khi chỉ đăng ký khóa đào tạo HLV sau đó được cấp chứng nhận là một số người có thể đi dạy. Việc này dễ phát sinh HLV “dỏm”, không đủ trình độ… Theo ông, sau khi học đào tạo HLV tại một cơ sở nào đó, đòi hỏi phải tham gia khóa tập huấn của Liên đoàn Yoga Việt Nam mới được dạy Yoga.

Ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM - cho biết, các cơ sở đào tạo HLV Yoga do Sở quản lý. Thông tư 11/2016 của Bộ VHTTDL về điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn Yoga, chứng nhận đào tạo HLV Yoga do các cơ sở trên cấp không có giá trị hành nghề. “Đối với người nước ngoài có chứng nhận HLV Yoga quốc tế muốn đứng lớp ở Việt Nam bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo do Tổng cục Thể dục Thể thao hoặc Liên đoàn Yoga Việt Nam tổ chức. Hiện nay, tại TPHCM, Hội Thể dục dưỡng sinh kết hợp với Sở VHTTDL mở lớp đào tạo HLV Yoga và có cấp chứng nhận. Chứng nhận này chỉ có giá trị trên địa bàn TP” - ông Hùng nói.

Về quy định trong việc đào tạo HLV dạy Yoga, bà Lê Thị Tố Hải - Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam - cho biết: “Muốn làm HLV dạy Yoga thì phải hoàn thành khóa học 200 giờ tại các cơ sở được cấp phép. Tiếp đến, học viên tiếp tục thực hành giảng dạy 300 giờ. Sau đó tham gia khóa tập huấn 80 giờ của LĐ Yoga Việt Nam. Cuối cùng là phải hoàn thành khóa tập huấn thì học viên mới được cấp chứng nhận, lúc này sẽ được phép hành nghề HLV dạy Yoga”.

Nhiều hệ lụy khó lường…

Bà M (ngụ TPHCM) cho biết, bà bị đau nhức khớp gối và cột sống không ngủ được. Theo mách bảo của người thân, tập Yoga sẽ giúp khỏi bệnh nên bà M. đã tìm đến lớp học Yoga với đủ lứa tuổi và được một HLV nữ trẻ tuổi dạy. Tuy nhiên, khi tập Yoga ở đây, nhiều động tác khiến bà cảm thấy đau. “Những động tác tôi được học giống như người trẻ, rất khó với tôi. Nhưng muốn sớm khỏi bệnh nên tôi cố tập, tuy nhiên nhiều buổi sau đó tôi không thấy đỡ bệnh mà cơ thể lại đau nhức nên bỏ tập” - bà M cho biết thêm. Hiện bà M đang tiếp tục thăm khám và điều trị bệnh tại một bệnh viện trên địa bàn.

Ông Ngô Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Yoga Việt Nam - cho biết, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo HLV, dạy Yoga… tuy nhiên, việc tập Yoga không phải ai cũng học được mà phải tùy vào sức khỏe từng người. Muốn học Yoga cần nắm rõ tình hình sức khỏe mỗi người, việc lạm dụng tập sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh. Qua đây, đòi hỏi muốn tập Yoga nên chọn nơi uy tín, HLV nhiều kinh nghiệm để không rước thêm bệnh vào người.

Tương tự, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - cũng cho biết, tập Yoga đúng cách sẽ có rất nhiều lợi ích, ngược lại sẽ gây hại cho sức khỏe. Tập Yoga cần phải phù hợp với tuổi tác và bệnh lý. Một số động tác khó chỉ phù hợp với người trẻ khỏe, người lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp… nên tập các động tác nhẹ nhàng.

KIM ĐỒNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/bat-nhao-dao-tao-huan-luyen-vien-day-yoga-649125.ldo