Bát nháo cò đất khắp nơi

UBND TP.HCM vừa yêu cầu ngành công an phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản và xử lý theo quy định pháp luật.

Thực tế, không chỉ TP.HCM mà các tỉnh lân cận cũng trong tình trạng tương tự, nhưng cơ quan chức năng lại ngó lơ để các đối tượng đầu cơ, đưa thông tin dự án sai lệch nhằm đẩy giá đất hưởng chênh lệch.

Gài bẫy khách mua đất

Hệ quả là giá trị giao dịch các loại bất động sản này tăng một cách “đột biến”, có nơi lên tới 70% so với cùng kỳ năm 2017. Việc tăng giá bán là chưa đúng với giá trị sản phẩm, chưa phù hợp với tiến độ triển khai hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố đang triển khai. Các chiêu tiếp thị thông qua sàn giao dịch, treo dán quảng cáo ở cột điện hay phát tờ rơi dọc đường đã cũ. Nay giới cò địa ốc thông qua điện thoại di động, mạng xã hội quảng cáo bán nhà đất theo kiểu “dội bom” người tiêu dùng. Mặc dù thông tin đầy mập mờ, thế nhưng tin những lời ngọt mật, nhiều người đã tiền mất nhưng đất không thấy.

Chiều 1/10, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi gặp một người đàn ông tên H. (môi giới) tiến đến cầm trên tay một xấp sổ đỏ rồi hỏi liên hồi: “Anh mua đất làm nhà hả, chỗ em còn mấy miếng “ngon” lắm, ở đây mua của em là đúng giá, còn mua qua công ty môi giới họ đều chào giá cao hơn gấp rưỡi, em giới thiệu kiếm tiền cà phê qua ngày...”.

Tại đây, H. giới thiệu lô đất có sổ diện tích 82m2, giá 280 triệu đồng. Cũng theo H., tại mảnh đất đang rao bán đã được cho công ty môi giới “thổi” cho khách Sài Gòn đến mua với giá gần 500 triệu đồng. Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao mua của H. lại rẻ còn mua của công ty môi giới “an tâm” hơn nhưng lại mắc?

H. tiết lộ: “Ôi, em nói thật mà các anh không tin. Đất này của người dân địa phương nên đất nhiều họ muốn bán cho nhanh. Còn những công ty môi giới, lợi dụng khách nơi khác đến không biết giá thì làm giá cao để hưởng chênh lệch!” Thấy chúng tôi còn vẻ nghi ngờ, H. cho biết cũng bán cả nhà xây sẵn trên diện tích 70m2, giá 550 triệu đồng, đã hoàn thiện chỉ vào là ở ngay. Nhà xây từng lô 5 căn, chất lượng bình dân nhưng với giá cả như trên cũng không quá đắt.

Theo quan sát của chúng tôi, vị trí xung quanh thấy lác đác nhà mới xây, chủ yếu là gia đình công nhân, số còn lại hiện đã được phân lô. Bảng thông tin dự án cũng thể hiện rõ chi tiết các khu vực chức năng rất hoành tráng. Không chỉ đất nền dự án mà ngay cả đất rẫy, đất vườn cũng đang “sốt” lây.

Song song cùng “cò” đất, một số công ty môi giới sử dụng nhiều chiêu để “giăng bẫy” khách hàng. Theo đó, nhiều công ty sẵn sàng chi tiền cho người dân địa phương và mớm lời trước để làm cộng tác viên cho công ty. Khi khách đến hỏi mua chỉ việc nói theo những lời đã chỉ dẫn. Thực tế, nhiều khách phương xa đã ôm “quả lừa” vì nghĩ rằng người dân chất phác, hỏi một người còn nghi ngờ chứ ai cũng nói vậy thì rất đáng tin...

Một trong những chiêu phổ biến là thuê một nhóm người giả dạng đi mua đất, kết nối với nhau thật “ăn ý”. Anh T. một người môi giới đất tại đây thật thà: “Bọn nó “ăn rơ” với nhau cả rồi, nếu như đến mua đất thì cò sẽ liên lạc cho nhóm này, khi nhóm này đến thì giả vờ mua đất trả giá cao hơn, giành nhau mua hoặc mua nhiều lô. Sau đó, rỉ tai khách hàng rằng vị trí đó là trắc địa nên cần mua ngay, không thì sợ bị mất “miếng đất” ngon hoặc bị đội giá lên nhiều lần...”. Hiểu tâm lý người mua sợ bị giành miếng ngon nên chấp nhận mua giá cao, thế là dính bẫy của “cò”.

Riêng đối với các công ty bất động sản, họ sẵn sàng thuê xe đón khách đi tham quan đất, trong quá trình đi xe, công ty sẽ cho nhiều “nội ứng” cũng là khách mua đất giả vờ tạo tâm lý cho khách mua thật. Theo đó, khi đến khu đất, nhóm này đặt cọc mua đất với giá cao để tạo kích thích cho khách mua thật, nhóm này sẽ lọt vào “bẫy” và mua đất vì tâm lý “giành miếng ngon kẻo hết phần”.

Đất nền luôn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư, vì vậy cò đất tha hồ hét giá, làm ảo thị trường.

Một công ty mua đất của người dân rồi tự làm dự án khu dân cư, chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vẫn rao bán với giá 500 triệu đồng/100m2, nền có giá cao nhất gần 1 tỷ đồng tại Đồng Nai.

Một dự án đất nền tại Long An.

“Đường dây” của cò?

Đến huyện Hóc Môn (TP.HCM) chúng tôi tìm gặp bà Huyền theo tấm bảng quảng cáo “Dịch vụ nhà đất Huyền” treo ở đường nhựa dẫn vào ấp 4, xã Xuân Thới Sơn. Chúng tôi hỏi: “Tôi muốn mua miếng đất trong khu phương án hạ tầng. Nhưng tôi muốn gặp trực tiếp chủ đất”. Bà Huyền đon đả: “Đất thiếu gì! Không gặp được chủ đất đâu, dễ gì. Tụi tui là lái, đặt cọc chủ dự án mua 5 lô, 10 lô gì đó rồi ai muốn mua phải qua tụi tui...”.

Nói rồi, bà Huyền chỉ đám ruộng phía sau, đối diện với một khu đất phương án hạ tầng đã phân lô, xây nhà, nói: “Khu đó gần 2.000m² đang chờ ra giấy đất ở đô thị. Khi nào có giấy sẽ làm phương án hạ tầng và phân lô”. “Nhưng chưa có giấy sao đã san lấp, làm đường?” - chúng tôi hỏi. Bà Huyền nói: “Có sao đâu, giờ là phân lô bán nền được rồi. Làm ăn mà, có “đường dây” mới làm được.”

Khu đất mà bà Huyền chỉ cho chúng tôi hiện phía ngoài mặt đường đã xây nhiều căn nhà kiên cố. Bên trong khu đất có con mương nước chảy ngang qua, hai bên đã được mở đường, đổ đá đi vào các nền đất phân lô, xung quanh khu đất là đồng ruộng. Chỉ tay phía bên đường trước nhà, bà Huyền giới thiệu thêm với chúng tôi: “Khu đó đã đổ đất hơn 4.000m² chủ đất mới mua hơn 10 tỷ đồng, cũng đang chờ giấy nhưng ai mua là bán ngay, mấy nền cũng có. Bên trong một chút là khu đất gần 2.000m², cũng có chủ mới mua hơn 7 tỷ đồng, họ làm đường, đặt cống, phân lô rồi đấy anh thấy không”.

Tại khu đất 2.000m2, bà Huyền đưa chúng tôi xem giấy tờ khu đất, có đầy đủ hồ sơ, không thiếu thứ gì. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về tình trạng hạ tầng khu đất này có đúng với các biên bản nghiệm thu không thì bà Huyền cười, nói: “Làm gì có. Nước sinh hoạt thì mỗi nhà một giếng đóng hút lên mà xài. Còn nước thải có cống thoát đấy, nhưng đổ hết ra kênh Trần Quang Cơ phía kia kìa. Nhiều nhà còn đào hầm xả xuống đấy luôn chứ thoát đi đâu”.

Được biết, các khu đất phân nền khác trên đường Trịnh Thị Miếng, ngã năm Tam Đông - phía sau Trường Tiểu học Tam Đông và hàng chục khu phương án hạ tầng từ đầu tuyến Thới Tam Thôn 5 giáp ngã ba đường Tô Ký đến cuối ấp Tam Đông 2 cũng đều là những khu dân cư “không thành có” như trên. Ở những khu vực này, tình trạng “cò kéo” giới thiệu mua bán nhà đất khá rầm rộ, giá nào cũng có, thậm chí có nhiều khu đang làm thủ tục chờ ra sổ đỏ đã làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thêm phức tạp.

Cò đất tại Q.9, TP.HCM.

Tuấn Anh - Thanh Minh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/bat-nhao-co-dat-khap-noi-d70724.html