Bắt nhân viên hàng không trình độ cao nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái luật

Bộ LĐ-TB-XH khẳng định Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày mới được nghỉ việc là không phù hợp với Bộ Luật Lao động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp vừa có văn bản gửi Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp về việc cho ý kiến tính hợp pháp của Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Trong đó, đáng chú ý là có nội dung liên quan tới quy định chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên hàng không trình độ cao.

Theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BGTVT, nhân viên hàng không trình độ cao bao gồm: thành viên tổ lái (phi công); nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên; nhân viên điều độ, khai thác bay.

Trước đó, ngày 30-6-2017, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011/TT-BGTVT ngày 27-1-2011 của Bộ trưởng GTVT ban hành bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Trong đó, tại mục 3 Phụ lục X Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30-6-2017 của bộ trưởng Bộ GTVT có quy định về chấm dứt hợp đồng lao động:

1. Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay ít nhất 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt;

2. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm 1 khoản này nếu kết thúc vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó".

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, quy định nêu trên không phù hợp với Bộ Luật Lao động năm 2012 (Điều 36, Điều 37) và Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 14).

Cụ thể, theo quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ Luật Lao động.

"Do đó, việc quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày (quy định dài hơn số ngày phải báo trước theo Bộ Luật Lao động) là không phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động" - công văn của Bộ LĐ-TB-XH nêu.

Ngoài ra, Điều 36 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó khoản 9 Điều 36 quy định hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nếu người lao động thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động.

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc khoản 2 điểm b mục 3 Phụ lục X của Thông tư 21 nêu trên quy định hợp đồng lao động bị kéo dài thêm từ 1-2 tháng khi kết thúc thời hạn báo trước, là vi phạm các quy định về hợp đồng lao động: Quy định người lao động phải tiếp tục làm việc khi hợp đồng lao động đã chấm dứt.

"Theo Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền của con người phải được quy định trong luật; nhưng Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT đã có quy định hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, điều này là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013"- Bộ LĐ-TB-XH đánh giá.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc nhiều phi công Vietnam Airlines đã gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng, khi cho rằng việc Thông tư 41/2015 (nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017) của Bộ GTVT yêu cầu nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó có phi công đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ Luật Lao động.

Trong công văn trả lời, Bộ LĐ-TB-XH đã nhấn mạnh: Trước đây, khi Bộ Giao thông xây dựng Thông tư số 21, Bộ LĐ-TB-XH đã có Công văn số 2585/LĐTBXH-LĐTL ngày 3-7-2015, trong đó đã góp ý việc quy định thời hạn báo trước của dự thảo Thông tư (180 ngày) là không phù hợp với Điều 37 của Bộ Luật Lao động năm 2012.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bat-nhan-vien-hang-khong-trinh-do-cao-nghi-viec-phai-bao-truoc-120-ngay-la-trai-luat-20181031183458851.htm