Bất ngờ với tài sản cha để lại

Khi ba mất, Linh ngỡ ngàng vì khối tài sản ba để lại. Mẹ và em trai cô cũng cũng ngạc nhiên y như vậy.

Gần đây Linh đi du lịch rất nhiều nơi. Nhìn Linh rạng ngời bên mẹ và em trai, chúng tôi mừng cho cô ấy. Có lẽ sau khi ba mất, Linh muốn bù đắp cho mẹ để bà khuây khỏa phần nào.

Linh ra trường và mới đi làm được hơn một năm. Em trai cô đang học năm thứ ba đại học. Từ khi còn là sinh viên, Linh đã đi làm và tự trang trải hầu hết cho nhu cầu cuộc sống của mình. Cô luôn nghĩ ba mẹ rất vất vả, luôn luôn tằn tiện như vậy thì mình phải cố gắng.

Linh phải làm thêm suốt thời sinh viên để trang trải cuộc sống. Ảnh minh họa

Nhưng khi ba mất, Linh ngỡ ngàng vì khối tài sản ba để lại. Mẹ và em trai cô cũng cũng ngạc nhiên y như vậy.

Mẹ Linh thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, luôn gạt nhu cầu của mình ra để lo cho tổ ấm. Có lẽ vì hiền, vì muốn gia đình ấm êm nên mẹ luôn nín nhịn ba. Ba Linh là người đàn ông gia trưởng, có phần hà khắc. Ông chỉ biết làm việc, làm việc và tiết kiệm.

Mọi chi tiêu trong nhà, ba Linh kiểm soát. Đồ dùng phải có sự đồng ý của ba mới được mua. Hàng tháng, ba đưa cho mẹ một khoản tiền nhất định để đi chợ. Phần còn lại từ thu nhập chung ba giữ lại tiết kiệm nói để lo cho tương lai.

Khi ba mở rộng làm ăn, Linh đoán thu nhập của ông cũng kha khá. Nhưng chỉ là đoán thôi, vì mẹ còn không được biết, nói gì con cái. Cô cũng không mong mỏi gì từ tài sản của ba, chỉ là nhiều khi thấy quá thương mẹ. Quanh năm vất vả, một lòng vì chồng con nhưng chẳng bao giờ dám mua sắm gì đó cho riêng mình.

Ba Linh mất đột ngột. Khi nỗi đau nguôi ngoai, mẹ con Linh kiểm lại sổ sách của ba và ngỡ ngàng vì số tiền ba để lại. Nó đủ cho cả gia đình có một cuộc sống an nhàn từ rất lâu rồi. Thậm chí còn đủ cho cả cuộc sống của Linh, của em trai sau này nữa. Mẹ khóc, Linh khóc. Khóc vì thương ba quá.

Tiền cần biết bao nhiêu cho cuộc sống này. Nhưng hà tiện, bắt vợ con phải sống một cuộc sống vất vả để giữ tiền tiết kiệm, thì có nên không? Rốt cuộc những vất vả, tính toán chi li của ba, bản thân ông cũng không được hưởng thụ. Một ngày thảnh thơi, một chuyến đi nghỉ ngơi cùng gia đình, một sự thoải mái nào đó để sạc lại năng lượng… trong suốt cuộc đời ba không hề có. Để rồi khi về cõi vĩnh hằng, ba nào có mang được gì theo?

Tiền, bản thân nó gây bao áp lực cho con người, cho cuộc sống gia đình. Vì nó mà ai cũng tất bật, vất vả. Nhưng tiền đâu phải là tất cả, tiền đâu quyết định được hạnh phúc của mỗi tổ ấm. Có bao người nghèo, thiếu thốn vật chất mà vẫn tìm được bình an. Và cũng có những người đủ đầy, sống trên nhung lụa mà vẫn rơi nước mắt hàng đêm đó thôi. Vậy rốt cuộc ba Linh đã tự làm khổ mình, làm khổ vợ con để làm gì?

Ảnh minh họa

Hồi đó ba nói “vì tương lai”. Nhưng khi Linh đi học đại học, ba mặc kệ Linh bươn chải. Thi thoảng mẹ mới giấu ba được một chút để dúi cho con gái. Đến em trai Linh thì đỡ hơn. Nhưng tựu chung lại vẫn là một cuộc sống tiết kiệm đến mức hà khắc.

Bây giờ, Linh bù đắp cho mẹ những tháng ngày vất vả. Cô cân bằng lại cho em trai có thời gian tập trung vào học hành chứ không phải tất bật đi làm thêm. Những chuyến đi nghỉ ngơi của ba mẹ con được Linh tỉ mỉ lên kế hoạch. Cô muốn mẹ có những tháng ngày thoải mái. Nhưng mẹ luôn nhớ ba. Đi đâu, làm gì đó mẹ đều rụt rè: "Chắc ba không muốn vậy đâu". Hoặc: "Ba biết, ba giận đó con…".

Linh thương mẹ quá, một đời sống theo ý của chồng. Giờ ba không còn nữa, mẹ vẫn tự lựa xem nếu ba còn thì ý ông có vậy không, còn mong muốn của mình hình như mẹ không có thói quen nghĩ tới nữa. Kể cả khi mẹ được làm chủ gia đình, được tự quyết tất cả.

Linh nghĩ sau này có gia đình, cô sẽ phải học cách dung hòa giữa việc tích cóp tiết kệm và tận hưởng cuộc sống. Còn bây giờ, cô phải bắt đầu từ việc, kéo mẹ ra khỏi những tằn tiện xưa cũ…

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/bat-ngo-voi-tai-san-cha-de-lai-258176.html