Bất ngờ với những lý do đình chiến lạ lùng nhất trong lịch sử quân sự

Ít ai biết rằng trong các cuộc chiến khốc liệt, có thời điểm những người lính ở 2 đầu chiến tuyến tạm dừng giao tranh vì những lý do vô cùng bất ngờ.

Trận chiến Bulge là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong Thế chiến II giữa bối cảnh quân Đức đang nỗ lực đối phó với cuộc tấn công bất ngờ của quân Đồng minh qua Pháp và Bỉ để vào Đức. Kỳ nghỉ Giáng sinh khi đó đã đem tới khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi giữa khói lửa chiến tranh từ những người lính của 2 đầu trận tuyến. Bị lạc trong rừng Hurtgen vào dịp Giáng sinh, 3 người lính Mỹ đã gõ cửa một gia đình người Đức. Gia đình này sẵn sàng mời những người lính Mỹ vào nhà và chia sẻ bữa tối Giáng sinh cùng với họ. Khi một tốp 4 người lính Đức đến sau đó, chủ nhà cũng chào đón họ. Cả 2 bên chấp nhận đình chiến và ngồi ăn cùng nhau. Những người Đức thậm chí còn chỉ đường để những người lính Mỹ quay trở lại chiến tuyến của họ.

Trận chiến Lâu đài Itter thường được miêu tả là cuộc chiến cuối cùng trong Thế chiến II trên chiến trường châu Âu. Sự kiện này xảy ra chỉ 3 ngày trước khi các quan chức Đức đầu hàng. Sau khi Hitler chết, nhiều lính Đức đã dừng giao tranh xong vẫn còn một số người tiếp tục chiến đấu. Được sử dụng như một địa điểm mở rộng của trại tập trung, Lâu đài Itter là nơi giam giữ một nhóm tù nhân chiến tranh cấp cao người Pháp. Một nhóm thuộc lực lượng Schutzstaffel (viết tắt là SS) - một tổ chức vũ trang của Đảng Quốc xã có kế hoạch chiếm lại lâu đài ở Áo này song quân Mỹ và quân Đức gần đó đã liên minh lại với nhau để chống lại kế hoạch này. Sự hợp tác này là lần duy nhất mà 2 quốc gia đối lập nhau đứng cùng về một phía và họ đã bảo vệ thành công những tù nhân này cho tới khi quân tiếp viện tới.

Giữa bối cảnh quân Đức giao tranh với Nga tại các khu vực như Lithuania và Belarus trong Thế chiến II suốt mùa đông năm 1917, hai bên đã nhất trí sẽ tạm đình chiến với nhau để đối phó với một kẻ thù chung, đó là đàn chó sói háu đói. Với sự hợp tác này, hai bên đã đẩy lùi được hàng trăm con chó sói trước khi tiếp tục lại cuộc chiến.

Chiến dịch Italia trong Thế chiến II không được nhắc đến nhiều nhưng thực tế là sự kiện này đóng vai trò vô cùng quan trọng vào kết quả cuối cùng của cuộc chiến. Một vài trong số những cuộc giao tranh ác liệt nhất Thế chiến II đã diễn ra trên những cánh đồng ở Italia và sông Rapido trở thành nầm mồ của vô số người. Trong khi quân Mỹ nhiều lần vượt sông Rapido thất bại với thương vong vô kể, lính Đức đã quyết định tạm đình chiến trong 2 tiếng để họ có thời gian di chuyển các thi thể và những người bị thương.

Trong một trận không chiến ở Na Uy vào Thế chiến II, một người lính Anh đã bắn hạ được 1 máy bay của Đức và chiếc máy bay này rơi xuống một khu rừng rậm. Sau đó, chiến đấu cơ của Anh cũng bị rơi xuống. Phi hành đoàn của 2 bên đều sống sót và gặp nhau trong khu rừng này. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, những người lính này đã nhất trí sẽ không quay lưng mà thay vào đó sẽ hợp tác với nhau để tìm đến nơi an toàn. Họ đã ở trong một khách sạn bỏ hoang và chia sẻ bữa sáng với nhau. Cuối cùng, một người lính tuần tra Na Uy đã cứu những người lính Anh và đưa quân Đức vào nơi giam giữ tù nhân chiến tranh.

Hiệp định Giáng sinh năm 1914 là một câu chuyện đầy nhân văn và xúc động khi những người lính Anh, Pháp và quân Đức tạm dừng chiến đấu để tổ chức Giáng sinh cùng nhau. Họ đã trao tặng cho nhau những món quà và thậm chí còn chơi bóng đá cùng nhau dù sau sau những giờ phút ngắn ngủi đó, họ lại quay trở về chiến hào của mình để tiếp tục cuộc chiến.

Trước khi Aaron Burr trở thành Phó Tổng thống thứ 3 của Mỹ, ông đã chiến đấu trong cuộc Cách mạng Mỹ. Trong một chiến dịch ở Quebec, Burr đã dừng bên bờ sông để uống nước và tình cờ gặp một sĩ quan người Anh bên kia suối. Hai bên đã có một cuộc trò chuyện lịch sự với nhau và nhất trí sẽ gặp nhau thêm một vài lần nữa để trò chuyện trước khi Mỹ tiến hành chiến dịch lớn vào Quebec.

Bất chấp những khác biệt trong cuộc nội chiến Mỹ, những người lính của Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc đã có những hiệp định đình chiến không chính thức với nhau khi hai bên tạm gác vũ khí để trò chuyện, chia sẻ thông tin và hút thuốc cùng nhau.

Chiến dịch Gallipoli trong Thế chiến I là một cuộc chiến vô cùng ác liệt khi quân Australia và New Zealand chống lại quân Thổ. Trên thực tế, cả hai bên đều tổn thất hơn nửa triệu binh lính. Bất chất bản chất tàn khốc của chiến tranh, hai bên đã tạm đình chiến trong 1 ngày để chôn cất những người đã ngã xuống./.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo Ranker

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bat-ngo-voi-nhung-ly-do-dinh-chien-la-lung-nhat-trong-lich-su-quan-su-1002674.vov