Bất ngờ với lối sống kiểu 'trạch' của giới trẻ

Giống như loài trạch luôn lẩn trốn trong lớp bùn đất, 'trạch nữ, trạch nam' luôn trốn trong phòng.

"Trạch nữ, trạch nam" là một thuật ngữ của truyện ngôn tình, chỉ những thanh niên dành phần lớn thời gian của mình ở nhà, họ rất ít ra ngoài và không có nhiều mối quan hệ xã hội.

Giống như loài trạch luôn lẩn trốn trong lớp bùn đất, "trạch nữ, trạch nam" luôn trốn trong phòng để đọc truyện tranh, đọc tiểu thuyết, cày phim hoặc chơi game… làm mọi thứ nhưng giới hạn chỉ ở trong nhà mà thôi.

Trào lưu này xuất phát từ Nhật, "thịnh vượng" ở Trung Quốc và hiện đã lan đến Việt Nam, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Trên mạng xã hội Facebook cũng có riêng những hội nhóm dành cho "trạch nữ, trạch nam". Tại đây, rất nhiều chủ đề được "trạch nữ, trạch nam" đưa ra bàn luận sôi nổi.

Một hội nhóm trên mạng xã hội dành cho các "trạch"

Một hội nhóm trên mạng xã hội dành cho các "trạch"

Một bác sĩ của Viện tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với báo chí, gần đây Viện tâm thần đã tiếp nhận một số bệnh nhân được người nhà đưa đến khám với triệu chứng khá giống nhau:

Cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, không ra khỏi cửa, không giao tiếp với người xung quanh, với người nhà cũng ít trao đổi, thời gian chính họ cầm smartphone để lên mạng.

Thậm chí, có những người một năm không mua quần áo mới, dùng ứng dụng gọi đồ ăn đến tận nhà và sợ hãi khi phải đối mặt với việc đến cơ quan đi làm.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, các đối tượng "tự giam mình trong phòng" được đưa đến viện khám chữa có cả nữ và nam. Các bệnh nhân nữ thường nhẹ hơn, trong khi bệnh nhân nam đa số là người nghiện game. Cá biệt có người ngồi lâu đến mức cơ thể bị chậm phát triển, 22 tuổi nhưng trông như 14 tuổi.

Những vật dụng không thể thiếu trong phòng của "trạch"

Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa cho rằng, lối sống "trạch nữ" có nhiều nét tương đồng với lối sống Hikikomori ở Nhật.

Hiện nay, thanh niên các nước châu Á đang ngày càng có xu hướng ở nhà, tránh giao tiếp, điều này liên quan trực tiếp tới hiện tượng nghiện internet. Ở Hàn Quốc đã có những trung tâm cai nghiện internet cho thanh thiếu niên để đưa họ trở lại hòa nhập với xã hội.

Chị Hoa cũng khẳng định, đây không phải chứng tự bế, không phải bệnh lý, nó chỉ là một hiện tượng xã hội, nó xảy ra khi tốc độ cuộc sống quá nhanh, mọi người trượt qua nhau và người ta không có cảm giác an toàn trong những mối quan hệ xã giao, không đi vào thực chất. Nó là một vướng mắc về tâm lý.

"Cho nên khi điều trị cho các trạch nữ, trạch nam tôi đều không dùng thuốc. Chỉ là trò chuyện, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc cho các bạn. Rất nhiều bạn tình nguyện bước chân ra khỏi nhà, để hòa nhập xã hội. Có những bạn từ chối, cho rằng, sống trong phòng dễ chịu hơn", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Lược theo TPO

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/bat-ngo-voi-loi-song-kieu-trach-cua-gioi-tre-3380764/