Bất ngờ với các quyết định vào phút chót thay đổi lịch sử thế giới

Lịch sử thế giới có thể thay đổi bởi các sự kiện tình cờ mà những người liên quan cũng không biết về khoảnh khắc họ chứng kiến hoặc trực tiếp tạo nên.

Martin Luther King Jr. có một câu nói nổi tiếng mà mọi người đều biết là "tôi có một giấc mơ". Câu văn này xuất hiện trong bài diễn văn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và đầy cảm hứng về quyền công dân của ông tại Đài Tưởng niệm Lincoln tại Washington, D.C. ngày 28/8/1963. Tuy nhiên, trước đó, Luther King đã chuẩn bị toàn bộ 1 bài diễn văn khác được viết tay và không hề đề cập đến ý tưởng"giấc mơ". Tuy nhiên, khi Mahalia Jackson, một ca sĩ và cũng là một khán giả dưới khán đài hét lên "hãy nói về giấc mơ đi", Martin Luther King bắt đầu nói về những điều mà trái tim ông lên tiếng, chứ không phải theo những tờ giấy đã chuẩn bị trước. Và cuối cùng, chúng ta đã có một trong những bài diễn văn truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử.

Trước khi phát biểu trước công chúng, Tổng thống Teddy Roosevelt đã chuẩn bị một tài liệu dày 50 trang và nhét vào túi áo ngực. Hành động tình cờ này đã cứu mạng Teddy Roosevelt khi sau đó một kẻ ám sát bắn vào ngực ông nhưng do viên đạn bị trúng vào bài diễn văn nên lực của nó đã giảm đi đáng kể. Sau sự cố trên, vị Tổng thống thứ 26 của Mỹ vẫn bình tĩnh và tiếp tục hoàn thành bài phát biểu của mình, thậm chí với một mảnh đạn đang găm vào cơ thể ông.

Vụ chìm tàu Titanic là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử và có nhiều nguyên nhân cho sự việc này song một nguyên nhân trong số đó là quyết định thay đổi nhân viên trên tàu vào phút chót. David Blair đã bị loại khỏi thủy thủ đoàn trước khi con tàu ra khơi song người ta quên mất rằng anh ta là người nắm giữ chìa khóa thùng đựng ống nhòm trên tàu. Titanic đã ra khơi trước khi David Blair nhận ra điều đó nên toàn bộ thủy thủ đoàn đều phải quan sát các tảng băng trôi bằng mắt thường.

Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống thành Kokura ngay sau khi ném bom Hiroshima. Tuy nhiên, một thành viên trong phi hành đoàn tên là Kermit Beahan đã hủy bỏ quyết định này do có quá nhiều mây nên không thể quan sát được toàn bộ Kokura. Những đám mây đã "cứu" Kokura khỏi một thảm họa nhưng lại khiến Nagasaki trở thành lựa chọn thứ 2.

Gavrilo Princip là một thành viên trong một nhóm vũ trang ở Bosnia muốn lật đổ những kẻ cai trị Đế chế Áo-Hung. Ngày 28/6/1914, Princip và những người khác lên kế hoạch ám sát Thái tử Áo-Hung Archduke Franz Ferdinand bằng cách đặt bom trên xe của ông song đã thất bại. Tuy nhiên, sau đó, Thái tử Ferdinand quyết định đến thăm các nạn nhân của vụ tấn công trên và ông chỉ cho người lái xe đi một con đường khác. Dù vậy, người tài xế đã rẽ nhầm hướng và đi vào con đường ban đầu, chính là con đường mà Gavrilo Princip đã phục sẵn ở đây. Phát súng Princip bắn vào Thái tử Áo-Hung cũng chính là phát súng mở màn cho Thế chiến I.

Cuộc đổ bộ Normandy có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong Thế chiến II. Sự kiện này lẽ ra đã diễn biến hoàn toàn khác nếu không vì một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ. Tướng Đức Erwin Rommel chịu trách nhiệm phòng vệ Normandy song ông đã quyết định gây bất ngờ cho vợ mình bằng một kỳ nghỉ vào dịp sinh nhật của bà. Erwin Rommel đã rời vị trí một vài ngày, trùng hợp vào thời điểm ngay khi quân Đồng minh tấn công. Nếu nhà chiến thuật quân sự người Đức lão luyện này có mặt ở đó, mọi thứ có thể đã đi theo chiều hướng khác. Phát xít Đức không thể phán đoán được điều kiện thời tiết khi thiếu Rommel nên quân Đồng minh đã tận dụng tối đa hạn chế này và giành chiến thắng.

Thế giới nợ Stanislav Petrov một lời cảm ơn khi hầu như có rất ít người biết tới tên ông. Nếu không có Petrov, chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đã bùng nổ và hủy diệt nhân loại. Ngày 26/9/1983, Petrov nhận nhiệm vụ giám sát hệ thống màn hình vi tính cảnh báo sớm nguy cơ sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ nhằm chống lại Liên Xô. Đột nhiên hệ thống phát ra 1 số tín hiệu báo động cho thấy Mỹ đã phóng tên lửa về phía Liên Xô, song Petrov đã không báo cáo với cấp trên bởi anh biết sẽ có những màn đáp trả khủng khiếp mà thế giới phải đối mặt. Sự ngần ngại của Petrov đã cứu nhân loại khỏi thảm họa hạt nhân khi sau đó hệ thống này được cho là đã phát ra cảnh báo giả do lỗi kỹ thuật.

Công chúa Marie-Antoinette và gia đình nàng hoàn toàn có thể thoát chết nếu như công chúa không đưa ra những lựa chọn làm thay đổi tất cả. Các thành viên Hoàng gia ban đầu sẽ chạy trốn trên chiếc xe ngựa bình thường song Marie kiên quyết chỉ lên chiếc xe sang trọng hơn nhưng lại chạy chậm và dễ bị phát hiện. Và cũng vì không muốn gia đình chia cắt mà thay vì chia đôi số người lên 2 xe ngựa nhỏ hơn và nhanh hơn, toàn bộ gia đình nàng đã sau đó đều bị bắt giữ và hành quyết.

Hannibal Barca - vị tướng của thành phố Carthage, một trong những nhà quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại từng gây nên một sai lầm nghiêm trọng trong cuộc hành quân nguy hiểm qua dãy núi Alps. Để chứng minh rằng nền đất họ đi vẫn vững chắc, Hannibal đã dùng chọc gậy xuống một mảng tuyết lớn và động tác này của ông đã gây ra một trận lở tuyết khiến phần lớn binh lính trong đoàn quân của ông thiệt mạng.

Đại tá Johann Rall, chỉ huy đội quân Hessian tại Trenton, New Jersey sau khi nhận được một tin mật báo bằng tiếng Anh đã không đọc và đút vào túi áo do đang mải chơi cờ. Tuy nhiên, Johann Rall đã không còn cơ hội đọc nó bởi ngay sau đó, một cuộc giao tranh nổ ra và ông đã thiệt mạng. Sự kiện trên hiện vẫn còn lưu trong lịch sử nước Mỹ với tên gọi Trận chiến Trenton, cuộc chiến diễn ra ngày 26/12/1776, trong khuôn khổ Chiến tranh Cách mạng Mỹ, sau khi George Washington băng qua sông Delaware về hướng bắc Trenton, New Jersey./.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo MSN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bat-ngo-voi-cac-quyet-dinh-vao-phut-chot-thay-doi-lich-su-the-gioi-951755.vov