Bất ngờ 'tung chiêu' mới, đàm phán Mỹ - Trung đột phá?

Triển vọng quan hệ Mỹ -Trung vừa khởi sắc sau khi cả hai nước đều đã phát đi những tín hiệu tích cực.

Mỹ - Trung cùng "hạ nhiệt" mở ra triển vọng mới trong đàm phán thương mại giữa hai nước

Mỹ - Trung cùng "hạ nhiệt" mở ra triển vọng mới trong đàm phán thương mại giữa hai nước

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo theo yêu cầu của Bắc Kinh, ông đã nhất trí hoãn 2 tuần kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa vốn đã bị áp mức thuế 25%. Động thái này được thực hiện theo đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Và cũng do Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm quốc khánh (vào ngày 1/10).?

Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực trong một năm, bắt đầu từ ngày 17/9 đến 16/9/2020.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung mà Bắc Kinh nhằm trả đũa Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Danh mục thứ nhất sẽ không bị áp thuế bổ sung bao gồm 12 dòng hàng trong đó thủy sản và thuốc chống ung thư, các dòng hàng này sẽ được hoàn thuế đã áp trong vòng 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Danh mục thứ hai gồm 4 dòng hàng thức ăn cho cá, máy y tế v.v., các mặt hàng này sẽ không bị áp thuế bổ sung song sẽ không được hoàn thuế đã đóng.

Có thể thấy, đây là một tín hiệu hoàn toàn bất ngờ từ cả Mỹ và Trung Quốc khi cả hai quốc gia đều đang trong trạng thái căng thẳng trước thềm đàm phán. Thậm chí, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Stephanie Grisham và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steve Mnuchin đều nói "Tổng thống Trump tiếc nuối vì không tăng thuế quan cao hơn".

Theo Robin Xing, kinh tế gia về Trung Quốc tại Morgan Stanley Hong Kong đánh giá, đây được cho là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong suốt thời gian thuế quan. “Hiện vẫn chưa có lộ trình rõ ràng hướng tới một thỏa thuận hiệu quả, nhưng có thể kỳ vọng hai bên sẽ có cuộc đàm phán với không khí cởi mở hơn vào tháng 10".

Mặt khác, giới quan sát cho rằng, Mỹ mới là quốc gia chủ động chìa "nhành olive". Điều này được cho là xuất phát từ việc ông John Bolton thôi giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.

Trong phái đoàn đàm phán của Mỹ, ông John Bolton là một trong những cố vấn có quan điểm cứng rắn. Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc Hu Xijin từng đăng tải trên Twitter và nói rằng ông Bolton không bao giờ đóng vai trò tích cực trong các vấn đề Trung Quốc. Do đó, việc ông Trump sa thải một Cố vấn An ninh có quan điểm "diều hâu" và không tích cực sẽ làm Trung Quốc tự tin hơn khi ngồi vào bàn đàm phán.

Sự ra đi của ông Bolton là minh chứng rõ ràng cho thấy; ông Trump đã ngày càng quả quyết và tự tin hơn với những đánh giá của riêng ông về tình hình an ninh quốc gia, cũng như về các đối thủ và các đồng minh của Mỹ. Điều này cũng cho thấy ông Trump đã gấp rút hơn trong ý đồ phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc một cách nhanh chóng trước khi cuộc chạy đua bầu cử chính thức diễn ra.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Việc các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ngô và đậu tương, cùng với thịt lợn không có trong danh sách hàng hóa được miễn thuế từ Trung Quốc cho thấy họ đang chờ đợi thái độ tiếp theo của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực chỉnh sửa một số những chính sách để tăng tự do nền kinh tế và hạn chế các ưu đãi với doanh nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu của Mỹ. Sau những căng thẳng leo thang, có một quan điểm được thống nhất rằng, khi cả hai nước cùng "chìa cành olive", triển vọng đàm phán mới trở nên khả quan hơn.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bat-ngo-tung-chieu-moi-dam-phan-my-trung-dot-pha-157594.html