Bất ngờ trước sức tàn phá của sóng thần ở Indonesia

Một trận động đất đáng lẽ không thể gây ra những đợt sóng thần kinh khủng đến vậy. Giới khoa học đã hết sức sửng sốt trước sức mạnh hủy diệt của đợt sóng thần đã đổ bộ vào thành phố Palu của Indonesia hồi tuần trước.

Do nằm ở điểm cuối của một vùng vịnh nhỏ hẹp, Palu hứng chịu sức mạnh tập trung của đợt sóng thần (Nguồn: USGS).

Hiện tượng hiếm thấy

“Chúng tôi đã dự đoán rằng trận động đất có thể gây sóng thần, nhưng không ngờ được rằng nó lớn đến vậy”- Jason Patton, chuyên gia địa chất học thuộc Công ty tư vấn Temblor, thừa nhận - “Khi những sự kiện như vậy xảy ra, chúng tôi lại phát hiện thêm những thứ chưa từng nghiên cứu trước đây”.

Trận động đất cường độ 7,5 độ Richter, đổ bộ vào lúc đầu giờ chiều hôm thứ Sáu tuần trước, có tâm chấn dọc bờ biển đảo Sulawesi, cách thành phố Palu khoảng 80 km. Ngay sau đó- khoảng 30 phút - những đợt sóng cao gần 30 m đổ ập vào bờ biển của thành phố này, phá hủy nhiều nhà cửa, xe cộ và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Con số người chết cao cho thấy những hạn chế của các hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia - giới chuyên gia về sóng thần nhận định.

Những đợt sóng thần kinh hoàng thường là kết quả của cái gọi là “siêu động đất”, tạo ra khi mà các tầng địa chất lớn của Trái đất đứt gãy, di chuyển theo phương thẳng đứng. Điều này khiến một lượng nước khổng lồ bị kích động, tạo nên những trận sóng di chuyển với vận tốc cực cao, tạo ra sức phá hủy kinh hoàng ở cách đó hàng nghìn km.

Trận sóng thần xuất phát từ Ấn Độ Dương năm 2004, gây ra những đợt sóng cao gần 30 m và khiến gần 250.000 người ở Indonesia, Nam Phi thiệt mạng, chính là kết quả của một trận siêu động đất 9,1 độ Richter ở quần đảo Sumatra. Ngược lại, trận động đất hôm thứ Sáu tuần trước được gây ra khi các tầng địa chất di chuyển theo chiều ngang. Kiểu di chuyển này thường không gây ra sóng thần. Nhưng dưới một số điều kiện nhất định, nó vẫn tạo ra sóng thần- TS Patton nói.

Kiểu tầng địa chất trượt ngang như vậy có thể tạo ra một số chuyển động theo chiều dọc, và làm kích động nước biển. Trong trường hợp khác, đoạn đứt gãy có thể bao trùm một khu vực nơi mà đáy biển lồi hoặc lõm, nên khi đoạn đứt gãy di chuyển lúc động đất, nó đẩy nước biển về phía trước, tạo ra sóng thần.

Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra là, sóng thần được tạo nên một cách gián tiếp. Trận động đất có thể gây ra sạt lở đất dưới đáy biển, kích động lượng nước khổng lồ và tạo ra sóng thần. Những sự kiện như vậy thường hiếm khi xảy ra, mà lần gần đây nhất chính là trận động đất 9,2 độ Richter ở Alaska năm 1964.

TS Patton nói rằng nhiều nhân tố kết hợp đã gây ra trận sóng thần vừa qua. Để hiểu rõ thảm họa này, giới khoa học cần phải nghiên cứu đáy biển. “Chúng ta không thể biết được điều gì đã gây ra đợt sóng thần vừa qua nếu không nghiên cứu đáy biển”– ông Patton nói.

Địa hình của Palu

Đợt sóng thần vừa qua mạnh đến bất ngờ cũng có thể do địa hình đặc biệt của thành phố Palu- nằm ở điểm cuối của một vùng vịnh hẹp. Chính con đường hẹp của vịnh đã khiến các đợt sóng được tăng cường độ cao và sức mạnh khi ập tới bờ biển của thành phố này.

Người ta từng được chứng kiến hiệu ứng này trước đây. Thành phố Crescent, bang California (Mỹ) từng bị tấn công bởi hơn 30 đợt sóng thần, trong đó có một trận sóng thần năm 1964 khiến 11 người thiệt mạng. Trận sóng thần năm đó có sức hủy diệt lớn do chính địa hình và vị trí của thành phố này.

Và dù các đợt sóng dữ có nguồn gốc như thế nào, thì một trận động đất 7,5 độ Richter khó có thể gây ra được một thảm họa ảnh hưởng tới toàn khu vực, mà chỉ tập trung vào một vị trí duy nhất, như trận động đất hôm thứ Sáu tuần trước.

Do sóng thần được hình thành quá gần Palu, nên có rất ít thời gian để người dân chạy thoát. Trong khi đó, cảnh báo sóng thần ban đầu được chính phủ công bố, nhưng chỉ khoảng 30 phút sau lại được gỡ bỏ, ngay vào lúc mà sóng thần đổ bộ vào thành phố.

Indonesia hiện nay chỉ sử dụng địa chấn kế, các thiết bị hệ thống định vị toàn cầu và máy đo triều cường để phát hiện sóng thần; đây là những thiết bị có độ hiệu quả hạn chế - Louise Comfort, Giáo sư thuộc ĐH Pittsburg, nhận định.

Ở Mỹ, Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia (NOAA) sở hữu mạng lưới phức tạp gồm 39 bộ cảm ứng đặt dưới đáy đại dương có thể phát hiện ra từng thay đổi áp suất nhỏ nhất để đưa ra cảnh báo sớm về sóng thần. Dữ liệu thu được từ các bộ cảm ứng sau đó được chuyển qua vệ tinh và phân tích, từ đó NOAA có thể đưa ra cảnh báo nếu cần thiết.

TS Comfort cho hay Indonesia cũng có một mạng lưới gồm 22 bộ cảm ứng, nhưng thêm rằng chúng không còn được sử dụng do không được bảo trì hoặc đã bị hư hỏng. Bà Comfort hiện đang làm việc trong một dự án triển khai hệ thống cảnh báo mới cho Indonesia để tránh những thảm họa sóng thần tương tự như hồi tuần trước.

Dự án hiện đang được TS Comfort thảo luận với 3 cơ quan chính phủ của Indonesia. Thế nhưng hồi đầu tháng này, các kế hoạch lắp đặt hệ thống cảnh báo mẫu ở phía Tây quần đảo Sumatra đã bị trì hoãn. “Indonesia nằm trên Vành đai Lửa, bởi vậy sóng thần chắc chắn sẽ còn xảy ra”- bà Comfort nói.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/bat-ngo-truoc-suc-tan-pha-cua-song-than-o-indonesia-tintuc418697