'Bất ngờ tháng Mười' của Triều Tiên vẫn là một ẩn số

Thời khắc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cận kề, các nhà nghiên cứu về Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm 'bất ngờ tháng Mười', một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp lần thứ ba giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại khu phi quân sự hồi tháng 6/2019 đã không có tiến triển ý nghĩa nào. (Nguồn: Reuters)

Cuộc gặp lần thứ ba giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại khu phi quân sự hồi tháng 6/2019 đã không có tiến triển ý nghĩa nào. (Nguồn: Reuters)

Sự kiện được dự đoán sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận trên toàn thế giới và góp phần làm xoay chuyển tình thế giúp Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump có thêm lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tăng cơ hội tái đắc cử cho ông Trump

Một số người cho rằng việc ông Trump có thể chọn tiến hành một hội nghị thượng đỉnh nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trong nỗ lực cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Bình Nhưỡng) có thể mang lại cho ông một chiến thắng về chính sách đối ngoại, rất cần thiết để tăng cơ hội tái đắc cử.

Bất chấp tất cả những màn kịch và "phản ứng hóa học Trump-Kim" trong thời gian qua, chính sách ngoại giao hạt nhân với Bình Nhưỡng của chính quyền ông Trump vẫn còn dang dở, chưa đạt được chút tiến triển nào đối với mục tiêu ban đầu là "phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên".

Đầu tháng 7, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đưa ra dự báo về một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng Mỹ-Triều, một "Bất ngờ của tháng Mười", khi nói rằng nếu ông Trump gặp "rắc rối nghiêm trọng" thì một cuộc gặp khác với "bạn của ông ấy" (Chủ tịch Kim Jong-un) có thể làm đảo lộn mọi thứ.

Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã bác bỏ ý tưởng này khi nói rằng Triều Tiên không có ý định tiến hành thêm cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ và không muốn trở thành "công cụ" giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị của Washington.

Khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba lại tăng lên trong tháng này khi các quan chức của cả Seoul lẫn Washington nhắc lại sự cần thiết phải nối lại cuộc đối thoại đang bế tắc với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết Washington hy vọng sẽ nối lại "cuộc trò chuyện nghiêm túc" với Triều Tiên để thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Khó xảy ra đàm phán

Trong khi cả Washington và Bình Nhưỡng đều cho thấy sự cần thiết phải theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân, các chuyên gia ở Hàn Quốc lại nhận định rằng, một cuộc đàm phán nghiêm túc giữa hai nhà lãnh đạo trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là khó có thể xảy ra.

Nhà phân tích cao cấp Cheong Seong-chang của Viện Sejong (Hàn Quốc) nhận định: "Cơ hội cho một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 10 gần như không có. Triều Tiên đã vài lần bác bỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh khi nói rằng họ không thu được gì (từ một sự kiện như vậy) mà chỉ có lợi cho Tổng thống Mỹ (như thành tích đối ngoại của ông Trump)".

Cũng theo ông Cheong Seong-chang, trong khi phải đối phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và các vấn đề trong nước khác liên quan đến Mỹ, cá nhân ông Trump không có nhiều thời gian để quan tâm đến Triều Tiên.

Một trong những dấu hiệu cho thấy ông Trump không còn mặn mà với Bình Nhưỡng là việc cụm từ "Triều Tiên" lần đầu tiên (kể từ năm 2017) không xuất hiện trong bài phát biểu của ông Trump trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Theo nhận định của giới chuyên gia, căn cứ vào những tài liệu lưu trữ, việc ông Trump sử dụng diễn đàn Liên hợp quốc để "cảnh báo hoặc tán dương" Triều Tiên tùy thuộc vào thực trạng mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Sự "thiếu vắng hiếm hoi" lần này có thể chứng minh sự thay đổi quan điểm của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) lặp lại quan điểm tương tự rằng một đột phá lớn về ngoại giao với Triều Tiên khó có thể xảy ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bởi "rủi ro lớn hơn lợi ích" mà cả hai bên mong đợi.

"Từ quan điểm của Triều Tiên, không có sự cải thiện nào về cách Washington coi trọng những gì Bình Nhưỡng đề xuất để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nên họ sẽ cố gắng chờ đợi cơ hội tốt hơn sau cuộc bầu cử. Từ quan điểm của ông Trump, ông ấy đã có một 'Bất ngờ tháng Mười' hữu ích dưới hình thức một cuộc chiến đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao. Chiến dịch vận động tái tranh cử của ông cũng đã khẳng định qua thành tích đối ngoại là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel", ông Easley nói.

Cho đến nay, ông Trump và ông Kim Jong-un đã gặp nhau 3 lần, bắt đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore (hồi tháng 6/2018) và trao đổi nhiều bức thư cá nhân chào đón "tình bạn sâu sắc và đặc biệt".

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2/2019 đã kết thúc không thỏa thuận do hai bên không thu hẹp được sự khác biệt về mức độ giảm trừng phạt để đổi lấy phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra chớp nhoáng tại làng đình chiến Panmunjom trong Khu phi quân sự hồi tháng 6/2019 với kết quả chỉ là một bức ảnh chụp chung mà không có tiến triển ý nghĩa nào.

Mỹ vẫn thận trọng

Theo Park Won-gon, Giáo sư chính trị quốc tế thuộc Đại học Toàn cầu Handong (Hàn Quốc), mặc dù cơ hội diễn ra các cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều là khó xảy ra nhưng giới chức Mỹ vẫn có thể duy trì nỗ lực để kiểm soát mọi biến động ở Triều Tiên nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

"Không có đủ thời gian và hơn nữa, sẽ rất khó để ông Trump rời Mỹ trước cuộc bầu cử. Với việc tái đắc cử đang bị đe dọa, ông Trump không thể thực hiện một điều gì đó quyết liệt và thay đổi lập trường của mình về Triều Tiên, chẳng hạn như nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình nhất là khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ám chỉ các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng vẫn đang diễn ra ở hậu trường", ông Park lưu ý thêm.

Theo nghĩa đó, nhiều khả năng sẽ diễn ra một số cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn giữa hai nước, chẳng hạn như đề xuất của Mỹ về hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, một số nhà quan sát vẫn cho rằng Bình Nhưỡng có thể vẫn có "bất ngờ tháng Mười" của riêng họ. Ngày càng có nhiều suy đoán rằng chính quyền ông Kim Jong-un có thể tiến hành một cuộc khiêu khích quân sự để đánh dấu lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới.

Các nhà quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ sử dụng cuộc duyệt binh quy mô lớn để thể phô diễn sự phát triển mới nhất của họ về tên lửa tầm xa.

(theo The Korea Herald)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-ngo-thang-muoi-cua-trieu-tien-van-la-mot-an-so-125483.html