Bất ngờ phát hiện cung điện 1.000 năm tuổi thuộc nền văn minh Maya

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một quần thể dinh thự được cho là thuộc về nền văn minh Maya, có niên đại hơn 1.000 năm trước, tại miền Đông .

Một nhà khảo cổ đang khai quật tàn tích cung điện 1.000 năm tuổi của nền văn minh Maya vừa phát hiện. Ảnh: Reuters

Một nhà khảo cổ đang khai quật tàn tích cung điện 1.000 năm tuổi của nền văn minh Maya vừa phát hiện. Ảnh: Reuters

Viện nhân chủng học và lịch sử quốc gia Mexico cho biết, các nhà khảo cổ đã phát hiện một cung điện lớn nhiều khả năng thuộc về giới thượng lưu người Maya hơn 1.000 năm trước tại thành phố cổ Kuluba, gần điểm du lịch nổi tiếng của Cancun, miền Đông Mexico.

Từ những gì còn sót lại, nhóm khảo cổ cho hay đây có thể từng là một công trình cao 6 m, dài 55 m và rộng 15 m, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 600 - 1050, thuộc về giới thượng lưu Maya.

"Phát hiện này chỉ là khởi đầu, chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu khám phá một trong những cấu trúc đồ sộ nhất tại khu khảo cổ này", nhà khảo cổ học Alfredo Barrera cho hay.

Cùng với cung điện hoành tráng, nhóm khảo cổ tiếp tục khám phá 4 công trình khác trong khu vực được gọi là "nhóm C" tại quảng trường trung tâm, bao gồm một bàn thờ - tàn dư của hai tòa nhà dân cư và một cấu trúc tròn được cho là lò nướng cổ.

Các nhà bảo tồn đang đánh giá phương án trồng lại rừng ở Kuluba để bảo vệ khu di tích khỏi hư hại do gió và mặt trời gây ra, INAH cho biết.

Khu di tích nên được mở cửa cho công chúng trong tương lai, viện nghiên cứu cho biết thêm.

Maya là nền văn minh cổ, từng đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn từ năm 250-900 về lĩnh vực tổ chức xã hội, kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian, làm lịch.

Nền văn minh này từng kiểm soát một vùng đất rộng lớn, trải dài từ đông nam Mexico, Guatemala, Belize cho đến Honduras ngày nay. Tuy nhiên, Maya bất ngờ thoái trào và diệt vong dần từ đầu thế kỷ 10, để lại ẩn số lớn đến ngày nay cho nhân loại.

Công tác bảo tồn đang diễn ra tại khu di tích Kuluba, bang Yucatan, Mexico. Ảnh: INAH/Mexico News Daily.

Có nhiều giả thuyết giải thích về nguyên nhân khiến người dân Maya đột ngột từ bỏ nền văn minh vốn đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên đáng chú ý nhất là công trình vừa công bố mới đây trên tạp chí Nature Geoscience của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học McGill (Canada).

Cụ thể, các học giả chỉ ra nguyên nhân chính khiến nền văn minh Maya cổ đại diệt vong là do nạn phá rừng bừa bãi để lấy đất xây dựng khiến hệ sinh thái mất khả năng tự phục hồi. Đất đai bị xói mòn nghiêm trọng, các hồ chứa nước trở nên khô cạn dẫn đến nguồn thực phẩm dần cạn kiệt buộc người dân phải đi tìm những vùng đất mới.

Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra sự xói mòn trong khu vực tồi tệ đến mức dù đã qua mấy nghìn năm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc phát hiện một dinh thự đồ sộ có niên đại từ khoảng năm 600 - 1050, tức trong buổi xế chiều các triều đại Maya, thêm một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà khảo cổ.

Đây có thể là một trong số ít các công trình được xây dựng vào những năm phồn thịnh cuối cùng của nền văn minh, hoặc cũng có thể là những bí ẩn về Maya thật sự chưa từng được tìm ra lời giải.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/bat-ngo-phat-hien-cung-dien-1000-nam-tuoi-thuoc-nen-van-minh-maya-a306349.html