Bất ngờ lớn trước mục đích thực sự của Nga khi tạo ra UCAV tàng hình Okhotnik

Máy bay không người lái tàng hình S-70B Okhotnik bị đánh giá chưa phải là sản phẩm được chế tạo ra nhằm phục vụ mục đích chiến đấu như những nhận định trước kia.

 Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã đăng tải những hình ảnh về chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tàng hình S-70B Okhotnik (Hunter-B).

Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã đăng tải những hình ảnh về chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tàng hình S-70B Okhotnik (Hunter-B).

Thời gian từ lúc thực hiện bài thử nghiệm mặt đất hồi đầu năm nay cho tới lúc tung cánh trên bầu trời của chiếc Okhotnik được nhận xét là cực kỳ thần tốc.

Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, để đề phòng rủi ro thì UCAV Okhotnik đã quyết định không thu càng đáp vào trong thân nhằm sẵn sàng cho tình huống hạ cánh khẩn cấp.

Bên cạnh đó không quân Nga còn cho một chiếc tiêm kích Su-30SM bay kèm mục đích quan sát và đánh giá mức độ ổn định của Okhotnik cũng như đối chứng các kết quả thu về từ cảm biến.

Chuyến bay đầu tiên kéo dài trong khoảng thời gian 20 phút của UCAV Okhotnik được đánh giá là thành công, người Nga kỳ vọng rằng mình sẽ sớm đuổi kịp chương trình X-47B của Mỹ.

Thậm chí Nga còn tham vọng hơn khi cho biết Hunter-B sẽ trở thành nền tảng của tiêm kích thế hệ 6 do nước này chế tạo, sánh ngang dự án PCA của Mỹ.

Ông Denis Fetudinov - Tổng biên tập tạp chí Aviation cho biết: "Mục tiêu tấn công của Okhotnik là các hệ thống phòng không, sở chỉ huy và trung tâm truyền thông đối phương", để làm được điều này chiếc UCAV sẽ được tích hợp trí thông minh nhân tạo.

Đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, chiếc Okhotnik có khả năng tự động tiến hành các chuyến bay, thực hiện nhiệm vụ và quay trở lại căn cứ, đây là tính năng chưa từng có trên bất kỳ UCAV nào trên thế giới.

Tuy nhiên những tuyên bố to tát của Nga đang bị nghi ngờ rất nhiều, chủ yếu đến từ việc họ còn đang trầy trật hoàn thiện chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 thì chưa thể tiến lên thế hệ 6.

Ngoài ra lĩnh vực máy bay không người lái thông thường cũng chưa bao giờ là thế mạnh của Nga, họ đang bị tụt hậu so với các đối thủ một khoảng cách rất lớn, vì vậy việc bước thẳng lên tiêm kích không người lái thế hệ 6 bị đánh giá là viển vông.

Không thể bỏ qua việc sau chuyến bay thử nghiệm, những điểm bất thường trên chiếc UCAV đình đám này của Nga đã được các chuyên gia quân sự quốc tế chỉ rõ.

Okhotnik có thiết kế tương đối thô và không gọn gàng với rất nhiều chi tiết thừa, nổi bật là các cụm ăng ten bố trí bên ngoài, nhất là động cơ của nó tỏ ra hoàn toàn không ăn khớp.

Chiếc Okhotnik đang phải dùng tạm động cơ AL-31F sử dụng trên tiêm kích Su-27, nó thậm chí còn chưa được lắp đặt AL-41F1S hay Izdeliye 30 dự định trang bị cho Su-57.

Phần lớn các ý kiến hiện nay cho rằng thực chất chiếc Okhotnik được Nga tạo ra như một mẫu đối chứng công nghệ mà thôi, nó sẽ tiến hành các thử nghiệm cần thiết để từ đó đánh giá kết quả đo đạc nhằm tiến hành hiệu chỉnh.

Chỉ khi hoàn thiện các kết quả đo đạc thì Nga mới có thể tạo ra chiếc UCAV thực sự được cấu tạo từ những thành phần riêng biệt được thiết kế cho nó chứ không phải sử dụng tạm vô số thiết bị có sẵn lấy từ những máy bay khác lắp sang như hiện nay.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bat-ngo-lon-truoc-muc-dich-thuc-su-cua-nga-khi-tao-ra-ucav-tang-hinh-okhotnik/822106.antd