'Bất ngờ' khi được làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020), báo Tin tức xin giới thiệu những hồi ức về công tác phóng viên chiến trường qua bài viết của nhà báo Thanh Bền.

Năm 1963, khi là ủy viên giáo dục Ban Tuyên Văn Giáo huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), tôi đang cùng đồng đội vận động và tham gia với nhân dân phá ấp chiến lược tại địa phương thì được lệnh triệu tập đi lên R học lớp Tuyên truyền – báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (khóa II (10/1963 – 4/1964) tại chiến khu Tây Ninh.

Sau 6 tháng, lớp học cũng kết thúc thắng lợi. Mọi người phấn khởi chuẩn bị về quê với hoài bão lớn là đem hết sức mình phục vụ cho cách mạng tại tỉnh nhà. Bỗng có lệnh của Ban Tuyên huấn giữ số học viên Báo chí ở lại bổ sung cho Đài Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và một số tiểu ban khác.

Phóng viên TTXGP trong giờ nghỉ ngơi khi hành quân cùng bộ đội. Ảnh tư liệu

Phóng viên TTXGP trong giờ nghỉ ngơi khi hành quân cùng bộ đội. Ảnh tư liệu

Thế là tôi và hai anh nữa được phân về Thông tấn xã Giải phóng sau khi chúng tôi đã tặng một số quần áo, vật dụng cho mấy anh người địa phương ở Tây Nguyên hết rồi. Có lẽ biết chúng tôi có thắc mắc, hôm sau đồng chí Trần Bạch Đằng - Phó Ban Tuyên huấn có đến gặp để động viên tinh thần.

Tôi được xếp ở chung nhà với anh Ba Sinh (nhà báo Thành Hương ở Sài Gòn vô) và anh Năm Ngọc tập kết từ miền Bắc về, rất giỏi viết tốc ký. May mắn được ở chung với hai nhà báo kỳ cựu, tôi học được nhiều thứ, nhất là cách viết tin, làm báo. Hàng ngày, các anh giao cho tôi ba, bốn mẩu tin của bên điện đài (B8) nhận tin từ các phân xã địa phương gửi về để biên tập, rồi đưa duyệt đăng Bản tin Đỏ (tin phổ biến) của TTXGP. Vì chưa có chuyến đi công tác để làm phóng viên, nên tôi làm biên tập trước.

Chiến dịch Đông Xuân 1965 – 1966, tôi mới là đoàn viên Thanh Lao (Thanh niên Lao động) được Ban giám đốc phân công phụ trách Tổ TTXGP đi công tác chiến trường với Công trường (Sư đoàn) 5 quân giải phóng, hoạt động vùng Phước Tuy - Bà Rịa, quê hương anh hùng Võ Thị Sáu và Bình Thuận. Tổ gồm 6 người gồm 2 phóng viên tin là tôi và một đồng chí đảng viên lớn tuổi, 1 phóng viên ảnh và 3 cán bộ kỹ thuật điện đài, báo vụ. Trước khi đi, tôi có hỏi riêng Ban giám đốc về sự phân công này: "Có đảng viên sao Ban giám đốc không phân công phụ trách?" và được trả lời “cứ chấp hành quyết định của Ban giám đốc”! Ngoài điện đài, tổ còn có bộ mật mã để mật báo về lãnh đạo cơ quan khi tổ gặp tai nạn hoặc có người bị thương, hy sinh.

Lúc bấy giờ, TTXGP có thế mạnh tuyệt đối, đủ cả tin, ảnh, điện đài, chúng tôi tự hào về thế kiềng ba chân này, có tin là phát nhanh nhất, trước phóng viên đài BBC và các báo đài phát thanh trong nước.

Chuyến công tác đầu tiên đi xa, chúng tôi chưa có kinh nghiệm. Thịt heo kho tiêu xả ớt, cả bột ngọt cũng hết trong tuần lễ đầu tiên. Đi bộ mang vác nặng, nhất là anh em điện đài (cõng trên lưng máy ragono phát điện nặng 15 kg và máy móc thiết bị điện, pin rất vất vả) có bữa ăn cơm với muối tiêu pha bột ngọt với mớ rau rừng, trái bứa, xoài rừng. Khi tới địa phận xã Bình Sơn, tỉnh Bà Rịa có dân ở, có hàng quán gặp được chỗ bán hủ tiếu bình dân, mỗi người ăn liền hai ba tô, khiến ông chủ quán không bán kịp. Lao động nặng rất thèm ngọt, anh em mua đường đậu nấu chè bồi dưỡng, không có đậu xanh phải mua tạm đậu nành nhưng nấu hoài không chín, tới khuya múc ăn đại. Sáng hôm sau cả tập thể bị “Tào Tháo đuổi”, anh em sức yếu nhưng vẫn động viên mang vác, lên đường cho kịp đến điểm ở công trường bộ đội. Bình Sơn là xứ chuối, đi dọc đường thường gặp những nải chuối chót được chủ vườn chặt bỏ la liệt, trái chín vàng ươm, góp phần chống đói cho anh em.

Đến Sư đoàn 5, bộ đội đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Tổ TTXGP chúng tôi hòa chung không khí hồ hởi ấy. Tôi gặp các đồng chí chỉ huy: Tham (mưu), Chánh (trị), Hậu (cần). Các đồng chí phấn khởi tiếp nhận và phân công ngay: Bộ phận điện đài ở với Tiểu đoàn thông tin, cách Sư đoàn bộ hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ; phóng viên tin, ảnh xuống làm việc với đại đội chủ công đang hừng hực khí thế. Tôi được ở với Ban chỉ huy Trung đoàn 2, thỉnh thoảng có gặp các đồng chí Sáu Tòng (Nguyễn Văn Tòng), Út Thới (Nguyễn Thới Bưng) và đồng chí Năm Sài Gòn (tức Năm Truyện)...

Trận Võ Xu (tỉnh Bình Thuận) ta thắng lớn, nhưng hy sinh một cán bộ đại đội và một số cán bộ, chiến sĩ bị thương. Tôi viết ngay trong hầm chỉ huy sở, rồi nhờ máy của bộ phận thông tin điện cho các báo vụ phát về Tổng xã. Trên đường bộ đội hành quân về chưa tới căn cứ đã nghe đài phát thanh Giải phóng đọc tin chiến thắng Võ Xu. Bộ đội bất ngờ và rất phấn khởi.

Tiếp theo là bài viết, hình ảnh về những tấm gương điển hình của đơn vị, cá nhân đơn vị chiến đấu được đưa về Tổng xã. Tết Nguyên đán năm đó, Tổ TTXGP ăn tết chung với bộ đội, cũng có tiêu chuẩn: nếp, đậu, bánh, kẹo, trà, bộ đội gói bánh chưng, bánh tét, cũng vui mừng chúc tụng, chè chén thoải mái, có cả liên hoan ca hát, ngâm thơ "cây nhà lá vườn" thật đầm ấm và thân tình như ngày Tết trong gia đình. Từ đó, chúng tôi càng thấy rõ hơn và học tập tình yêu Tổ quốc và ý chí quyết chiến, quyết thắng thể hiện rõ ở từng cán bộ chiến sĩ thân yêu. Trong cuộc chiến chính nghĩa chống xâm lược, lại có những người trực tiếp cầm súng chiến đấu có tinh thần và lý tưởng sắt đá được Đảng ta lãnh đạo sáng suốt, tất thắng sẽ về ta. Tôi tự tin như vậy.

Sau đó, bộ đội công trường 5 còn thắng vang dội ở trận Tầm Bó (Bà Rịa), ta thu trên 40 súng trung liên Mỹ (nơi đây nay là nông trường cao su Tầm Bó). Đây là kỷ niệm sâu sắc với những bài học kinh nghiệm quý giá cho cuộc đời làm phóng viên TTXGP của tôi, mới ra trận đầu đã giành thắng lợi.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh về giải phóng Sài Gòn, tôi cũng được Ban giám đốc phân công phụ trách Tổ phóng viên tin, ảnh, điện đài của TTXGP. Với ưu thế có điện đài, TTXGP đã kịp đưa tin sớm nhất: Sài Gòn sau vài giờ giải phóng, phát phiên làm việc lúc 8 giờ tối 30/4/1975, sau đó có nhiều tin, bài, ảnh tiếp theo về nhân dân Sài Gòn vô cùng phấn khởi đón mừng chiến thắng và tình hình trật tự, trị an ổn định.

Phóng viên Thanh Bền (người thứ ba từ phải qua) cùng đồng nghiệp về thăm lại chiến trường tại Tây Ninh. Ảnh nhân vật cung cấp

Điều đáng mừng là cả hai chiến dịch, dù có khó khăn, gian khổ, bom đạn, anh em thất lạc, tổ TTXGP của tôi vẫn giữ nguyên vẹn quân số, không bị "sứt mẻ", thương tật người nào và luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Đời hoạt động cách mạng của tôi có hai chuyện bất ngờ - bất ngờ mà hữu ích. Bất ngờ thứ nhất là lúc tôi đang công tác ở Ban Tuyên văn giáo huyện cần Giuộc, “bất ngờ” được đi học trường Tuyên truyền – báo chí ở R. Bất ngờ thứ hai là “bị” bắt lại đưa về làm phóng viên TTXGP. Tôi không tài năng, sở trường gì, có lẽ nhờ tôi giỏi văn hồi học phổ thông. Tôi được tiến bộ như hôm nay, chính là nhờ có Đảng lãnh đạo, trực tiếp là các lớp cán bộ lãnh đạo TTXGP ra sức rèn luyện, đào tạo, giáo dục; bản thân tôi cũng nhờ thực tế qua công tác báo chí tự rèn luyện bản thân nên người.

Tôi biết Ban giám đốc TTXGP tín nhiệm tôi, nên khi được giao việc gì, dù biết có khó khăn gian khổ, tôi không hề từ nan. Như sau giải phóng, tiếp quản cơ quan Việt tấn xã Sài Gòn, tôi được phân công phụ trách nhóm phóng viên đô thị (vì trong kháng chiến tôi đã là quyền trưởng phòng Đô thị - không có trưởng phòng), rồi Trưởng phòng quản lý phân xã miền Nam, kiêm trợ lý giám đốc về nghiệp vụ, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thông tấn xã Giải phóng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lại thêm một vinh dự lớn của ngành, trong đó có tôi và các đồng đội chung vui. Ân tình này thật là sâu đậm. Tôi luôn tự hào là phóng viên của TTXGP.

Thanh Bền

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/bat-ngo-khi-duoc-lam-phong-vien-thong-tan-xa-giai-phong-20200910181612195.htm