Bất ngờ khi biết Việt Nam là nước đầu tiên làm được máy vi tính ở Châu Á

Ít người biết rằng một nhóm nhà khoa học Việt Nam tuổi đời dưới 30 đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, cũng là máy vi tính thứ 3 trên toàn thế giới, đồng thời cũng là chiếc máy vi tính đầu tiên của châu Á vào thập kỷ 70s.

Năm 1977, chỉ hai năm sau khi ra đời Altair 8800 Computer - chiếc máy vi tính đầu tiên của Mỹ, Việt Nam đã chế tạo thành công VT80 - chiếc máy vi tính đầu tiên của mình không hề thua kém Altair là bao và trở thành nước thứ ba, chỉ sau hai cường quốc là Mỹ và Pháp.

Năm 1977, chỉ hai năm sau khi ra đời Altair 8800 Computer - chiếc máy vi tính đầu tiên của Mỹ, Việt Nam đã chế tạo thành công VT80 - chiếc máy vi tính đầu tiên của mình không hề thua kém Altair là bao và trở thành nước thứ ba, chỉ sau hai cường quốc là Mỹ và Pháp.

Tác giả của nó là một nhóm cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin), và TS Nguyễn Chí Công chính là một trong các thành viên lãnh đạo nhóm ấy.

Tháng 11/1977, GS Phan Đình Diệu – Viện trưởng Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển khi đó đã mời được hai chuyên gia Pháp là Alain Teissonnifere và Hoàng Thành Đào sang làm việc. Chiếc VT80 được làm nên bởi những vật liệu đầu tiên do ông Alain mang từ Pháp sang Việt Nam.

Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. Nó được xây dựng theo thiết kế với kỹ thuật quấn dây điện (wrapping) nối các chân cắm do Alain mang sang, vì lúc ấy chưa thể làm được mạch in ở Việt Nam và cũng không được phép hàn trực tiếp vào các vi mạch (microcircuits).

VT80 bao gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. Những người xây dựng là Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh.

Thời gian nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, căn chỉnh đều rất ngắn; điện thì không ổn định, có thể bị cắt bất kỳ lúc nào. Cả nhóm nghiên cứu lại chưa từng được sờ đến những chip hiện đại như thế, chỉ sợ hỏng do tĩnh điện hoặc sốc điện. Mặt khác, phải thực hiện mấy bìa RAM mới được vỏn vẹn vài KB

Do không có bàn phím và màn hình nên phải nhập liệu từng bit bằng các công tắc Liên Xô và hiển thị bằng các đèn LED. Hệ phát triển cũng chưa có nên phải dịch thủ công các trình điều khiển (Monitor), Assembler và Debugger, rồi nạp trực tiếp từng bit trên hàng nghìn diode mắt muỗi và điện trở.

Lập trình và sửa lỗi đặc biệt tiêu tốn thời gian vì phải dùng ngôn ngữ Assembly hoặc thậm chí mã máy, lại chẳng có máy in nào giúp cho mắt đọc, tay viết. (Trong ảnh là Các bảng mạch in Bus I/O, CPU, SRAM, EPROM+RAM và ROM do tác giả thiết kế)

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công cho biết: "VT80 khi đó chỉ chạy ở tần số... 2MHz và cần nhớ rằng đó là năm 1977".

Một tháng sau, TS Nguyễn Chí Công được chọn đi thực tập ở Pháp và nhờ vậy cuối cùng mới biết VT80 không hề kém chiếc máy vi tính đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới năm 1975 (Altair 8800), nhưng tất nhiên cả hai dùng để nghiên cứu thì tiện hơn là đem đi ứng dụng.

Sau đó, cả nhóm bắt tay ngay vào việc chế tạo loạt máy vi tính VT8X có cả bàn phím với màn hình. Và màn hình đầu tiên ấy chính là một chiếc ti vi trắng đen hiệu Neptune do Việt Nam lắp ráp theo thiết kế của Ba Lan được "chuyển mục đích sử dụng" một cách tài tình thành video display. Có sẵn mạch in, hệ phát triển và các linh kiện hiện đại nên việc lắp ráp đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Rất tiếc là do hoàn cảnh khó khăn, cũng có thể là do quyết tâm chưa đủ lớn của những người có trách nhiệm và cũng có thể do hướng đi của ngành KHCN nước nhà mà Việt Nam, cho đến nay, đã không có một ngành sản xuất máy tính mà đáng ra nó phải có, thậm chí là thuộc những quốc gia đi đầu trong sản xuất máy tính.

Hải Nam

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bat-ngo-khi-biet-viet-nam-la-nuoc-dau-tien-lam-duoc-may-vi-tinh-o-chau-a-1402159.html