Bất ngờ hoãn thi hành án ở phút thứ… 89!

Đang thực hiện THA buộc Cảng Quy Nhơn trả hơn 53,48 tỷ đồng cho Công ty Cửu Long thì bất ngờ có bản yêu cầu hoãn THA. Các cơ quan chưa nhận được văn bản chính thức nhưng Cảng Quy Nhơn có và mang đến nộp cho cơ quan chức năng.

Nhiều vi phạm tại Cảng Quy Nhơn

Theo bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16-12-2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng: Công ty CP Cảng Quy Nhơn (02 Phan Chu Trinh, P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) – thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Công ty Cửu Long (47 Cửu Long, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM), ngày 12-10-2016, ký HĐ kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 về thuê tàu lai khai thác ở Cảng Quy Nhơn trong 10 năm.

Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Kể từ ngày 1-7-2017, Cảng Quy Nhơn không thực hiện theo các quy định trong HĐ nên xảy ra tranh chấp. Ngày 1-1-2019, Cảng Quy Nhơn chấm dứt HĐ, không cho Cty Cửu Long tham gia hoạt động lai dắt nào tại cảng; ra VB yêu cầu đội tàu lai của Cửu Long ra khỏi cảng và chuyển toàn bộ dịch vụ Cửu Long đang làm sang cho Công ty TNHH TMVT Phúc Trường Linh. Tháng 4-2019, Vinalines kết luận: Tổng giá trị HĐ với Cty Phúc Trường Linh là 324 tỷ đồng, vượt quá 35% tổng giá trị tài sản của Cảng Quy Nhơn nhưng chưa thông qua Đại hội cổ đông là trái luật…

Cửu Long khởi kiện, yêu cầu Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện HĐ và thanh toán nợ, bồi thường gần 70 tỷ đồng, gồm: phí dịch vụ từ ngày 1-7-2017 đến ngày 5-12-2018 hơn 24,4 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 hơn 42 tỷ đồng; trả các khoản lãi do chậm trả nợ...

Bản án 31/2022/KDTM-PT tuyên: Buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện HĐ; trả cho Công ty Cửu Long phí dịch vụ hơn 24,43 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 hơn 24,65 tỷ đồng; trả lãi hơn 4,39 tỷ đồng. Tổng cộng Cảng Quy Nhơn phải trả cho Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng. Án sơ thẩm ngày 15-7-2022 của TAND Bình Định tuyên hơn 49,89 tỷ đồng (là chưa xem xét, đánh giá đúng các tài liệu, chứng cứ khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Công ty Cửu Long – nhận định của HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng).

Ngày 29-12-2022, Cục trưởng Cục THADS Bình Định ra QĐ THA số 105/QĐ-CTHADS. Ngày 4-1-2023, ông Lưu Sơn Kiệt - Chấp hành viên (CHV) Cục THADS gửi Thông báo 09/TB-CTHADS: Hết thời hạn tự nguyện THA (ngày 9-1-2023), Cảng Quy Nhơn không thực hiện các nghĩa vụ THA thì bị cưỡng chế THA theo quy định pháp luật.

Vì sao hoãn THA ở phút 89?

Sáng 10-1, ông Kiệt họp với các bên để tiến hành các thủ tục cưỡng chế THA, phong tỏa tài sản tại Cảng Quy Nhơn. Ông Lê Hồng Quân – Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn yêu cầu được hoãn THA bởi cho rằng bản án phúc thẩm có sai sót nên đang yêu cầu sửa chữa; công ty đã có đơn hoãn THA gửi Cục THADS; đang chờ ý kiến của HĐQT, của Vinalines và để cân đối dòng tiền.

Ông Kiệt nhận được đơn đề nghị hoãn THA ngày 10-1-2023 của Cảng Quy Nhơn và VB số 01/YC-VKS-KDTM (bản sao có chứng thực) ngày 9-1-2023 của Viện KSND tối cao, nội dung: Viện KSND tối cao nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm và đề nghị hoãn THA của Cảng Quy Nhơn… Để nghiên cứu hồ sơ, xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, Viện KSND tối cao yêu cầu Cục THADS Bình Định hoãn THA bản án 31/2022/KDTM-PT trong vòng 3 tháng, kể từ ngày ra QĐ hoãn THA.

Văn bản của Viện KSND tối cao về hoãn thi hành án được Công ty CP Cảng Quy Nhơn đưa đến nộp ở Cục THADS tỉnh Bình Định.

Trong văn bản của Viện KSND tối cao không nêu rõ nhận đơn của Cảng Quy Nhơn vào ngày nào. Và VB này có trước 1 ngày so với đơn xin hoãn THA của Cảng Quy Nhơn gửi Cục THADS vào sáng 10-1. Trong ngày 10-1, Cục THADS ra QĐ hoãn THA. Được biết, từ ngày 9 đến 11-1, Công ty Cửu Long (được THA) chưa nhận được VB của Viện KSND tối cao, trong khi đó Cảng Quy Nhơn có và chuyển đến cung cấp vào buổi tiến hành cưỡng chế THA.

Đại diện Công ty Cửu Long yêu cầu Cảng Quy Nhơn thực hiện dứt điểm nghĩa vụ THA, yêu cầu CHV thực hiện cưỡng chế THA theo quy định. Do Công ty Cửu Long không đồng ý VB của Viện KSND tối cao (bản photocopy) nên người của Cảng Quy Nhơn mang bản gốc đến nộp cho văn thư Cục THADS tỉnh rồi văn thư mang vào phòng họp đưa cho ông Kiệt. Sau khi nhận VB, ông Kiệt công bố dừng thủ tục cưỡng chế THA.

Công ty Cửu Long phản ánh, theo quy định VB của cơ quan nhà nước phải gửi trực tiếp chính thống qua bưu cục chuyển phát. Cảng Quy Nhơn là doanh nghiệp, là đối tượng phải THA không thể thay mặt cơ quan nhà nước đưa ra VB của Viện KSND tối cao gửi cho Cục THADS tỉnh để ra QĐ hoãn THA. Công ty Cửu Long cũng có đơn đề nghị các cấp, các ngành xem xét về vấn đề này.

Như chuyên đề Công an TPHCM đã có loạt bài phản ánh, ngày 4-2-2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký Quyết định (QĐ) số 276/QĐ-TTg “Phê duyệt đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015”, quy định, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (CPH) nắm 75% vốn điều lệ. Ngày 27-5-2013, Phó Thủ tướng ký VB 747/TTg-ĐMDN chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines CPH Cảng Quy Nhơn theo phương thức: “Vinalines nắm giữ 49%; các nhà đầu tư trong nước nắm 51% vốn điều lệ”... Tháng 9-2013, Cảng Quy Nhơn bán đấu giá, bán ra 10% vốn điều lệ (4,04 triệu CP) cho cổ đông tự do và bán tiếp 4,04 triệu CP khác cho Công ty khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội).

Việc cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn từng có nhiều sai phạm

Ngày 18-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ký QĐ 37/2014/QĐ-TTg quy định: Cty CP, Cty TNHH 2 thành viên trở lên giữ 50% trở lên tổng số CP, vốn góp. Tháng 6-2015, Vinalines chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP (chiếm 26,01%) và tháng 9-2015, Vinalines bán nốt phần vốn còn lại với 19,8 triệu CP cho Công ty Hợp Thành. Sau 3 lần Vinalines chuyển nhượng, Hợp Thành nắm giữ 86,23% CP (440 tỷ đồng) của Cảng Quy Nhơn.

Ngày 18-9-2018, Thanh tra Chính phủ ra KL Thanh tra, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định; kiến nghị thu hồi 75,01% CP về sở hữu nhà nước. Tháng 6-2019, Vinalines tiếp nhận lại 75,01% CP (tương đương hơn 415 tỷ đồng) tại Cảng Quy Nhơn từ Công ty Hợp Thành.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/hoan-thi-hanh-an-hon-53-ty-dong-o-phut-89_142370.html