Bất ngờ dòng chiến đấu cơ chủ lực Trung Quốc khiến Mỹ e ngại gần Đài Loan

Tiêm kích đa năng J-16 do Trung Quốc phát triển sẽ trở thành mẫu tiêm kích chủ lực Trung Quốc có thể dùng để răn đe Mỹ gần vùng lãnh thổ Đài Loan.

Tuy rằng ban đầu có dựa trên thiết kế của Su-30MK2, nhưng tiêm kích đa năng J-16 của Trung Quốc đã cho thấy nó sở hữu tính năng kỹ chiến thuật và chất lượng vượt cả bản gốc.

Tiêm kích đa năng Shenyang J-16 được Trung Quốc phát triển dựa trên nền tảng J-11BS với một vài sửa đổi theo tiêu chuẩn Su-30MK.

Chiếc tiêm kích đa năng này được dự báo sẽ trở thành xương sống của Không quân Trung Quốc (PLAAF) trong tương lai với số lượng sản xuất không dưới vài trăm chiếc.

Mặc dù bị coi là một bản sao của Su-30MK2 khi có nhiều điểm tương đồng từ hình dáng cho đến đặc tính kỹ chiến thuật nhưng PLAAF tự tin khẳng định rằng, chiến đấu cơ đa năng của mình sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn nguyên mẫu.

Cuối những năm 1990, Nga đã đồng ý bán dây chuyền sản xuất Su-27 cho Trung Quốc để phát triển thành J-11. Sau đó, đầu những năm 2000, Trung Quốc đã nhập khẩu tiêm kích Su-30MKK từ Nga.

Điều đó đã giúp các kỹ sư Trung Quốc hoàn thành dự án phát triển máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi trong nước được gọi là J-16.

J-16 được giới thiệu từ năm 2012 đến 2013 nhưng PLAAF không cung cấp thêm thông tin về tiêm kích này cho đến một năm trước.

Trong cuộc diễu hành kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc vào tháng 8-2017, J-16 bất ngờ xuất hiện bay diễu hành cùng các chiến đấu cơ khác.

Vũ khí của J-16 thiên về nhiệm vụ chống tàu và tấn công mặt đất. Điều đó khiến giới phân tích tin rằng nó được thiết kế đặc biệt cho các chiến dịch quân sự tiềm năng chống lại đảo Đài Loan (TQ). Bắc Kinh xem hòn đảo này là vũng lãnh thổ ly khai và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thu hồi nếu cần thiết.

Không quân Trung Quốc hồi đầu tháng 8 tuyên bố một phi đội tiêm kích J-16 đã hoàn tất đợt diễn tập cùng các chiến đấu cơ J-10, J-11B và Su-30 để sớm hoàn thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Dựa trên số hiệu của các máy bay xuất hiện trong các cuộc diễn tập, giới chuyên gia quân sự cho rằng PLAAF đã bí mật biên chế thêm nhiều J-16 cho các phi đội của mình, dấu hiệu chứng tỏ mẫu tiêm kích này sẽ đóng vai trò lớn trong năng lực tác chiến tương lai của Trung Quốc, đặc biệt là với kịch bản xung đột gần đảo Đài Loan.

J-16 là tiêm kích đầu tiên có thể mang đầy đủ vũ khí do Trung Quốc chế tạo như tên lửa diệt hạm, đối không, tên lửa hành trình đối đất, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh và các thiết bị đối kháng điện tử (ECM).

Tiêm kích mới của Trung Quốc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiếm ưu thế trên không hay công kích mặt đất và diệt hạm.

Dòng J-16 ứng dụng thiết kế chủ yếu từ tiêm kích Su-30MKK, nhưng được trang bị hệ thống radar và bám bắt mục tiêu nội địa của Trung Quốc.

Khả năng tiếp dầu trên không giúp nó tăng cường bán kính tác chiến, cho phép thực hiện đòn đánh sâu bên trong lãnh thổ đối phương.

Trung Quốc cũng đang phát triển biến thể tác chiến điện tử J-16D, bị nghi sao chép từ tiêm kích EA-18G Growler của Mỹ.

Các khối thiết bị tác chiến điện tử gắn trên cánh J-16D khá giống mẫu AN/ALQ-218 trên EA-18G Growler. Đây là cảm biến điện từ có thể phân tích tần số và định vị thiết bị phát tín hiệu vô tuyến, từ đó gây nhiễu và khóa mục tiêu.

Nhiều khả năng khung thân J-16D được tối ưu cho tên lửa diệt radar, cũng như mang được tới ba khối gây nhiễu dưới cánh và thân. Mỗi thiết bị sẽ dùng đối phó một dải tần số radar khác nhau, cũng như ứng dụng công nghệ AESA.

Khả năng thực hiện đòn tác chiến điện tử của J-16D được Trung Quốc xem là chìa khóa để giành chiến thắng trong xung đột tại eo biển Đài Loan, bởi việc chế áp hệ thống phòng không đối phương trong giai đoạn đầu cuộc chiến rất quan trọng.

Khi mang toàn bộ khí tài tác chiến điện tử, J-16D vẫn còn 6 giá treo vũ khí để trang bị ba loại tên lửa diệt radar (ARM) khác nhau mà Trung Quốc đang sở hữu là CM-103, YJ-91 và LD-10. J-16D cũng có thể mang theo các vũ khí đối không cơ bản như tên lửa PL-9 và PL-12.

"J-16 sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Loan hoặc ngăn chặn hải quân Mỹ can thiệp. Tuy nhiên, điểm yếu về động cơ khiến nó có thể bị hạn chế năng lực tấn công", Adam Ni, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận xét.

"Dòng J-16 sẽ thay thế những chiếc Su-30MKK trong biên chế Sư đoàn tiêm kích số 3, đơn vị phụ trách nhiệm vụ ở khu vực Đài Loan và Đông Hải. Chúng ta sẽ sớm thấy các tiêm kích J-16 bay tuần tra quanh đảo Đài Loan", chuyên gia phân tích chiến lược quân sự Antony Wong Dong kết luận.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bat-ngo-dong-chien-dau-co-chu-luc-trung-quoc-khien-my-e-ngai-gan-dai-loan/779182.antd