Bất ngờ đề xuất dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ

Theo dự thảo của Sở GTVT TP.HCM, vỉa hè dù rộng hay hẹp thì yếu tố tiên quyết vẫn phải luôn dành cho người đi bộ 1,5m.

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP dự thảo về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố (thay thế Quyết định số 74 mà UBND TPHCM đã ban hành năm 2008 về vấn đề này).

Theo đó, dự thảo lần này quy định khi chiều rộng hè phố từ đủ 1,5m trở xuống chỉ phục vụ cho người đi bộ.

Vỉa hè từ 1,5 m đến dưới 3 m: dành tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ, phần còn lại có thể sử dụng phục vụ làm điểm tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình; giữ xe tự quản; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; xây dựng, lắp đặt các công trình bên trên hè phố; kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.

Vỉa hè rộng từ 3 m đến dưới 5 m, chức năng được xác định như vỉa hè rộng từ 1,5 m đến dưới 3 m, nhưng có thể bố trí sử dụng trông giữ xe 2 bánh có thu phí. Vỉa hè từ 5 m trở lên, chức năng như vỉa hè từ 1,5 m đến dưới 3 m, nhưng có thể bố trí sử dụng kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, trông giữ xe 2 bánh hoặc ô tô có thu phí.

Vỉa hè trung tâm TPHCM bị chiếm dụng buôn bán tràn lan. Ảnh: Lao động

Đối với phần lòng đường, dự thảo vẫn cho phép sử dụng một phần để tổ chức các sự kiện văn hóa-xã hội nếu thỏa điều kiện: phần lòng đường còn lại có bề rộng tối thiểu đủ bố trí hai làn xe cho một chiều đi.

Tuy nhiên, chỉ được tổ chức trông giữ xe máy và ôtô có thu phí nếu phần lòng đường còn lại dành cho các phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ ba làn xe cho một chiều đi.

Có thể thấy rằng, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là tình trạng bức xúc ở TP.HCM suốt nhiều năm qua. Nhiều khu vực vỉa hè bị chiếm để làm quán nhậu, kinh doanh, buôn bán khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Các quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, tuy nhiên chiến dịch này đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Cách đây không lâu, vào cuối tháng 5/2018, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, người phụ trách lĩnh vực đô thị TP, đã phải ra công văn khẩn chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

Đây không phải lần đầu lãnh đạo TP yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để địa bàn quản lý xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Nếu để vỉa hè bị lấn chiếm thì mời Chủ tịch, Trưởng công an phường làm việc khác. Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu".

Ông cũng nhiều lần yêu cầu các quận, huyện phải quyết liệt hơn trong việc lập lại trật tự vỉa hè, chú ý đến tính bền vững chứ không làm theo phong trào, nhất là không để bị tái lấn chiếm.

"Vấn đề là sau khi dọn dẹp xong, phải bảo đảm duy trì chứ không để sau một thời gian rồi đâu lại vào đấy" - ông Phong chỉ đạo.

Cụ thể như các tuyến đường trên địa bàn Q.5 hiện đang bị tái chiếm nặng, có thể kể đến một số đường như: Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo...

Đường Châu Văn Liêm (đoạn Trần Hưng Đạo - Hải Thượng Lãn Ông, Q.5), dù cơ quan chức năng kẻ vạch vôi trên vỉa hè giới hạn phạm vi sử dụng, nhưng hầu hết các cửa hàng kinh doanh tại đây đều lấn ra ngoài vạch vôi làm chỗ để hàng hóa, phương tiện.

Thậm chí, có người tràn xuống lòng đường ngồi buôn bán lộn xộn. Người đi bộ qua khu vực phải di chuyển ra lòng đường trong lúc nhiều ô tô qua lại đông, rất nguy hiểm.

Nói về tình trạng này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết, TP.HCM dẹp vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”, không đồng bộ, không có khung pháp lý nên thất bại là điều tất yếu.

“Trong luật giao thông, luật quy hoạch đô thị về vỉa hè rất mơ hồ, không rõ ràng vì không biết được Bộ Giao thông vận tải quản lý hay Bộ Xây dựng quản lý dẫn đến không có khung pháp lý. Để dọn dẹp vỉa hè thành công phải có khung pháp lý. Phải quy định vỉa hè để trong luật nào, nghị định nào và dùng để làm gì.

Phải có những văn bản pháp lý đi liền, tiếp đó là khung kĩ thuật. Từ khung kĩ thuật, các ngành xây dựng, giao thông, kiến trúc bắt đầu vạch ra nhưng quy định vỉa hè cụ thể”, TS Phạm Sanh nói.

Thanh Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bat-ngo-de-xuat-danh-15m-via-he-cho-nguoi-di-bo-3362646/