Bất ngờ 'bóng ma'' vũ trụ bay ngang tầm mắt mà không ai hay

Thủ phạm gây ra sự mờ ảo của ngôi sao Betelgeuse từng khiến mọi người tưởng rằng sắp nổ tung vào năm 2019 - có thể là một lỗ đen hiếm hoi mà loài người đã trực tiếp quan sát được nhưng không hề hay biết.

 Ngôi sao đỏ khổng lồ Betelgeuse đang ở cuối vòng đời, tính theo quy chuẩn thời gian vũ trụ. Từ năm 2019, các nhà thiên văn học đã sử dụng Kính Viễn vọng Không gian Hubble của NASA và các đài quan sát khác để xác định giả thuyết chúng ta sắp quan sát được vụ nổ của ngôi sao.

Ngôi sao đỏ khổng lồ Betelgeuse đang ở cuối vòng đời, tính theo quy chuẩn thời gian vũ trụ. Từ năm 2019, các nhà thiên văn học đã sử dụng Kính Viễn vọng Không gian Hubble của NASA và các đài quan sát khác để xác định giả thuyết chúng ta sắp quan sát được vụ nổ của ngôi sao.

Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard và Smithsonian nhận định chỉ có một phần bề mặt của Betelgeuse nổ, phóng lượng lớn vật chất ra vũ trụ. Vụ nổ siêu tân tinh của ngôi sao, nếu đã xảy ra trong quá khứ, vẫn chưa thể quan sát được từ Trái Đất.

Betelgeuse từng là một trong 10 ngôi sao sáng nhất bầu trời khi quan sát từ Trái Đất. Vụ nổ trên bề mặt tạo ra một đám mây bụi xung quanh ngôi sao, khiến hình ảnh chụp được vào năm 2019 bị mờ đi đáng kể.

Nhiều nhóm nghiên cứu đã cố gắng đưa ra lời giải thích, nhưng hầu hết vẫn chưa được chứng minh thực sự rõ ràng.

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society đưa ra lời giải thích khả thi mới, hoàn toàn khác biệt: Nhân loại đã chứng kiến một lỗ đen bay ngang tầm mắt mình mà không hay.

Các tác giả là một nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn dầu bởi tiến sĩ Hailey Aronson, tiến sĩ Thomas W.Baumgarte từ Trường Đại học Bowdoin (Brunswick - Mỹ) và tiến sĩ Stuart K. Shapiro từ Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Urbana - Mỹ), đã đi theo con đường được mở ra bởi một số nhóm tác giả trước đó: Tìm kiếm một vật thể bay ngang ngôi sao.

Theo tờ Space, hướng lập luận này dựa trên việc bản thân sao Betelgeuse không mờ đi, mà có một thứ gì đó đã bay ngang tầm mắt nhân loại, chắn bớt ánh sáng vào năm 2019 sau đó trả lại ánh sáng khi nó bay qua hẳn. Đó có thể là một hành tinh lớn hay một ngôi sao đồng hành.

Tuy nhiên nhóm tác giả Mỹ nói trên chi rằng một lỗ đen sẽ là lời giải thích hợp lý hơn.

Lỗ đen sẽ đủ mạnh để gây ra tương tác hấp dẫn lớn, tạo nên một sự kiện "lỗ đen xé sao" ở quy mô nhỏ. Betelgeuse khổng lồ đã sống sót, nhưng cú bay ngang của lỗ đen cũng đủ rút khỏi nó một lượng vật chất đủ lớn để tạm che khuất tầm nhìn của chúng ta.

Từ đó, dù vô hình, thực chất lỗ đen đã bị chúng ta gián tiếp nhìn thấy, nhưng chính chúng ta cũng không hay.

Tất nhiên cũng như các nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả chỉ nghiên cứu dựa trên các mô phỏng máy tính, được tạo nên bởi bộ dữ liệu từ các quan sát của nhiều cơ quan vũ trụ trước đó. Họ, cũng như giới thiên văn khác kỳ vọng các kính thiên văn thế hệ mới sẽ cung cấp tầm nhìn rõ ràng hơn về ngôi sao bí ẩn.

Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chúng ta sẽ thực sự chứng kiến phút cuối đời của Betelgeuse trước khi nhìn thật rõ nó. Nếu phát nổ, ánh sáng từ vật thể này được cho là đủ làm rực rỡ cả bầu trời đêm Trái Đất.

Xem thêm video: Nobel Vật lý 2020 vinh danh khám phá về hố đen, vật thể bí ẩn nhất vũ trụ (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bat-ngo-bong-ma-vu-tru-bay-ngang-tam-mat-ma-khong-ai-hay-1773769.html