'Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm'

'Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm' (tên tiếng anh: Portray Air, Expose Pollution) là cuộc thi nhiếp ảnh mới được phát động bởi CHANGE phối hợp cùng phong trào 350.org Việt Nam, với sự tài trợ từ Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM và Canon Việt Nam.

Cuộc thi nhằm truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm không khí với người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của cộng đồng; kéo dài từ nay đến hết ngày 1.2.2019.

Để tham gia cuộc thi, các ứng viên cần hoàn thành 2 bước sau:

Bước 1: Đăng ký tại http://bit.ly/photocontestdangky để nhận mã số và thông tin hướng dẫn cụ thể;
Bước 2: Nộp bài dự thi qua email về địa chỉ airpollution_contest@changevn.org với tiêu đề theo cú pháp [Anhduthi_Mã số_Số lượng hình dự thi].

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng hơn 50 triệu bao gồm tiền mặt và các phần quà tặng. Bên cạnh đó, 11 bức ảnh đoạt giải và các bức ảnh còn lại nằm trong top 30 bức ảnh đạt điểm cao nhất sẽ được trưng bày tại triển lãm vào cuối tháng 3 năm sau tại TP.HCM.

Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay. Ảnh: TL

Báo cáo của WHO năm 2018 cho thấy, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính cho những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí đã khiến cho 1,1 triệu người chết trẻ hàng năm, con số này tại Ấn Độ là 1 triệu người, ở Việt Nam có đến 60.000 ca tử vong Nam trong năm 2016 do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, thuyên tắc động mạch phổi và viêm phổi bị tác động của ô nhiễm không khí.

Một nghiên cứu của ĐH Fulbright Việt Nam cũng cho thấy, ô nhiễm không khí tại ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế từ 9,86 – 12,45 tỉ USD vào năm 2013. Riêng TP.HCM, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117 - 183 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ô nhiễm không khí là bụi siêu mịn, phổ biến nhất là bụi PM2.5. Với kích thước siêu nhỏ (đường kính chỉ bằng 1/40 sợi tóc) nên hạt bụi siêu mịn có thể chui sâu vào phổi và thẩm thấu vào máu mà không có loại khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản được. Khoa học thế giới khuyến cáo, PM2.5 khi vào phổi sẽ gây ra nhiều bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi; đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu.

Những năm gần đây, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi PM 2.5 là 47,9 μg/m3, tại TP.HCM, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí từ 4-5 lần.

Thành phần Ban giám khảo cuộc thi bao gồm các nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh - 1 trong 3 nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam được Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tặng tước hiệu Nhà nhiếp ảnh bậc thầy (MFIAP - Master Photographer); Hoàng Trung Thủy - Nhà nhiếp ảnh Xuất sắc của FIAP (EFIAP), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gia Định; Trần Tuấn Việt - nhiếp ảnh gia Việt Nam giữ kỷ lục có nhiều ảnh được đăng trên tạp chí nổi tiếng National Geographic (NatGeo); Nhiếp ảnh gia tự do người Đức Christian Berg - chuyên về thể loại ký sự tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; Ông Andreas Siegel - Tổng Lãnh Sự Lãnh Sự Quán Đức tại TP.HCM; Bà Hoàng Thị Minh Hồng - Sáng lập và Điều hành CHANGE và bà Ngô Nguyễn Ngọc Than, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM.

L.Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bat-net-khong-khi-phoi-mau-o-nhiem-16765.html