Bất minh xuất xứ trái cây nhập khẩu

Không chỉ chợ từ thành phố đến chợ quê bày nhan nhản trái cây nhập khẩu, nhiều nơi còn chứng minh nguồn gốc bằng... ảnh chụp trên điện thoại.

 Người tiêu dùng thông minh dùng smartphone kiểm tra mã vạch trên trái cây nhập khẩu để truy xuất nguồn gốc.

Người tiêu dùng thông minh dùng smartphone kiểm tra mã vạch trên trái cây nhập khẩu để truy xuất nguồn gốc.

Muốn mua loại gì cũng có, muốn mua sản phẩm của nước nào cũng có, thế nhưng nguồn gốc xuất xứ thì rất bất minh.

Không dám mua hàng trôi nổi

Chị Nguyễn Thị Thùy, một người tiêu dùng sống tại TP Quy Nhơn (Bình Định), chia sẻ: “Tôi thích dùng trái cây nhập khẩu, nhất là các loại trái cây mà ở Việt Nam chưa trồng được vì nó có hương vị lạ, nhất là mua sản phẩm này về cho cả gia đình dùng mình cảm thấy an toàn vì đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tôi phải mua ở siêu thị Co.opmart chứ không dám mua hàng trôi nổi tại các chợ, chấp nhận giá đắt gấp đôi, nhưng yên tâm vì trái cây nhập ngoại tại siêu thị có chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Theo ông Thái Lương Hùng, Giám đốc hệ thống Co.opmart miền Trung, hiện hệ thống siêu thị Co.opmart miền Trung bán 3 nhóm trái cây, một là nhóm trái cây trồng tại địa phương như bưởi da xanh và chanh trồng ở huyện Hoài Ân (Bình Định), hai là những loại trái cây đặc sản được trồng tại các vùng miền trong nước và ba là trái cây nhập khẩu.

Riêng trái cây nhập khẩu được bán tại đây đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; tờ khai hải quan và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do nước xuất khẩu cấp.

Cụ thể, trước khi trái cây nhập khẩu được đưa về kho, sản phẩm phải được kiểm tra các thủ tục nhằm đảm bảo là hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch tại cửa khẩu hay chưa. Khi hàng về đến kho, trái cây tiếp tục được kiểm tra nhanh về dư lượng kháng sinh rồi mới nhập vào tổng kho.

Khi trái cây được chuyển từ tổng kho đến các điểm bán lại được nhân viên siêu thị kiểm tra lại bằng cảm quan, xem hàng có tươi nguyên hay không, xe vận chuyển có đủ độ lạnh -20oC hay không, khi thấy đảm bảo mới bày ra bán.

“Hiện hệ thống Co.opmart khu vực miền Trung chưa nhập khẩu trực tiếp trái cây, đang mua hàng thông qua những công ty chuyên nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng trái cây có uy tín trên cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải kiểm tra chặt chẽ từng bước để bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Theo kế hoạch, sang năm 2020 chúng tôi sẽ nhập khẩu trái cây trực tiếp để phục vụ người tiêu dùng”, ông Thái Lương Hùng cho hay.

Bán tràn lan

Trong khi trái cây nhập khẩu được bán tại những điểm bán uy tín có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là thế, thì những loại trái cây nhập khẩu được bày bán tại các chợ có “lý lịch” rất bất minh.

Người tiêu dùng mua trái cây tại Co.opmart Quy Nhơn.

“Trái cây được bán tại Co.opmart Quy Nhơn có giá cao gấp đôi so với trái cây bán ngoài thị trường, tuy nhiên bán vẫn chạy bởi người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng của mình đảm bảo là hàng chính hãng, có truy xuất nguồn gốc, đã được kiểm dịch tại cửa khẩu đàng hoàng nên được nhiều khách hàng tin dùng”, ông Nguyễn Danh Nhân , Giám đốc Co.opmart Quy Nhơn.

Trong vai người tiêu dùng “sành điệu”, chúng tôi đi tìm hiểu xuất xứ của trái cây nhập khẩu. Một số điểm bán trái cây nhập khẩu có đưa ra các giấy chứng nhận của nơi cung cấp hàng, là những công ty được phép kinh doanh trái cây nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhưng không phải là giấy chứng nhận “sống”, mà chỉ là hình ảnh chụp trong điện thoại để khách đọc.

Thế nhưng các loại giấy tờ này chỉ chứng nhận công ty được phép nhập khẩu các loại trái cây, chứ không chứng minh được lô hàng đang bán được nhập khẩu vào thời gian nào, đã được kiểm dịch chưa.

Đến chợ Lớn Quy Nhơn, nơi bày bán đủ các chủng loại trái cây nhập khẩu, một điều dễ nhận thấy là trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc dường như vắng bóng hẳn trên các sạp bán; chỉ thấy toàn cam Úc, táo Envy, táo Gala Mỹ, táo Gala New Zealand, lê Hàn Quốc, mãng cầu Đài Loan, dưa lưới Nhật Bản, dâu Hàn Quốc, nho ngón tay Mỹ, cherry Mỹ.

Trái cây nhập khẩu ở đây được đóng bao bì rất bắt mắt, in nhãn tiếng Anh rất “hoành tráng”. Ở đây, chúng tôi “đổi vai” thành người đi tìm mối để mua hàng về mở cửa hàng bán trái cây nhập khẩu ở quê.

Nghe chúng tôi nói muốn mua trái cây chính hãng với số lượng nhiều, nhiều chủ sạp đon đả, mời mọc tới tấp. Một chị ra vẻ “trải lòng”, bày kế làm ăn.

Chị thỏ thẻ: “Anh tìm hàng hiệu làm gì, trái cây Trung Quốc đầy ra đó, hàng về đến chợ có giá chỉ bằng 1/3 so với loại hàng anh tìm. Anh mua về rồi tháo ra, muốn đóng vào thùng gì, dán tem nhãn gì thì đi in hoặc mua mà dán vào.

Muốn trái cây thuộc hãng nào của nước nào cũng làm được tất. Thùng hàng, bao bì kể cả tem đều in tiếng Anh, mua bán vậy mới mong cõ lãi lớn”.

Một số loại trái cây nhập khẩu có dán mã PLU ở các siêu thị, cửa hàng tại Bình Định để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm thuộc loại nào để chọn mua.

Hiện nay, chỉ riêng ở TP Quy Nhơn đã có trên 20 cửa hàng và hàng trăm sạp trái cây ở các chợ có đều bán trái cây nhập khẩu. Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, hiện đơn vị này mới chỉ cấp phép cho 4 cơ sở tại TP Quy Nhơn đủ điều kiện kinh doanh trái cây nhập khẩu. Về chất lượng, nguồn gốc trái cây, theo quy định pháp luật, các cơ sở này được tự công bố, chịu trách nhiệm về nội dung công bố của mình. Ví như cơ sở bán cho khách hàng táo Mỹ thì phải có trách nhiệm chứng minh với người tiêu dùng đó thật sự là táo có xuất xứ từ Mỹ.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bat-minh-xuat-xu-trai-cay-nhap-khau-post253862.html