Bật mí trước thềm 'Gặp gỡ Nhật Bản' 2019

Sự kiện 'Gặp gỡ Nhật Bản' 2019 diễn ra tại thành phố Vinh, Nghệ An hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới.

Năm 2017, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao (đầu mối là Cục Ngoại vụ) lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” với quy mô, hình thức và nội dung mang tính “kết nối vùng” tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho 7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam tới Bình Thuận).

Những thành công đi trước

Ngay lần đầu tổ chức, sự kiện đã đạt được phần lớn mục tiêu đề ra, gây tiếng vang và được Đại sứ quán Nhật Bản, các địa phương ủng hộ tổ chức mỗi năm một lần.

Nghệ An nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có không ít lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế.

Sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” đã góp phần tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp địa phương Việt Nam với tất cả đại diện quan trọng của Nhật Bản; giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng khuôn khổ hợp tác, tiến tới tăng hiệu quả hợp tác; tạo cơ hội để quảng bá các địa phương, nhất là các lĩnh vực ưu tiên thu hút ODA và FDI từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, mục tiêu lớn và dài hạn hơn cũng đạt đúng kỳ vọng. Sự kiện tạo bước chuyển trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản; tạo động lực mới thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác Việt - Nhật trên các lĩnh vực gồm: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, nguồn nhân lực… và kết nối địa phương. Ngoài ra, sự kiện đã hướng tới việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa các địa phương Việt Nam hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế.

Nhiều địa phương giao lưu kết nối với đối tác Nhật Bản không chỉ dừng lại tại các buổi hội nghị của sự kiện mà được duy trì, thúc đẩy lâu dài, đem lại những kết quả cụ thể. Ví dụ điển hình phải kể đến tỉnh Quảng Bình, Bình Định sau sự kiện năm 2017 đã đạt được nhiều tiến bộ cụ thể với các đối tác Nhật Bản. Thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Cà Mau... cũng tăng cường mạnh mẽ hợp tác với các ý tưởng, dự án hợp tác cụ thể sau sự kiện năm 2018.

Nét độc đáo tại Nghệ An

Sự kiện năm nay được tổ chức tại khu vực Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều điều mới mẻ, sinh động và khác biệt với sự kiện tại Nam Trung Bộ năm 2017 và tại Tây Nam Bộ năm 2018.

Về nội dung, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương Bắc Trung Bộ và Đại sứ quán Nhật Bản để xây dựng chương trình Hội nghị cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, những thay đổi chính sách và định hướng phát triển của khu vực cũng như Nhật Bản trong thời gian tới. Bên cạnh các tham luận về những đánh giá quan hệ, định hướng phát triển cũng như hợp tác, những dự án cụ thể sẽ được đại diện các tỉnh trình bày tại Hội nghị và trao đổi trực tiếp giữa các đối tác nhằm đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

Chương trình “Gặp gỡ Nhật Bản” nằm trong chuỗi sự kiện kết nối quốc tế dành cho các địa phương Việt Nam được Bộ Ngoại giao tổ chức thường xuyên từ năm 2016, nhằm chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, kết nối chính quyền và doanh nghiệp các địa phương với các đối tác quốc tế, nhất là các đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia…

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng sắp xếp các cuộc gặp song phương giữa Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio và các lãnh đạo địa phương (G2G), cũng như các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản với chính quyền (B2G) và với các doanh nghiệp khác cùng quan tâm (B2B). Các địa phương đã sẵn sàng tài liệu quảng bá, kêu gọi đầu tư từ phía đối tác Nhật Bản để phục vụ trao đổi tại Hội nghị cũng như các hoạt động kết nối bên lề.

Về công tác lễ tân, hậu cần, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản, UBND tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện công tác chuẩn bị phương án đón tiễn, lưu trú, hậu cần Hội nghị toàn thể, các cuộc gặp làm việc bên lề cũng như tiệc kết nối được diễn ra trọng thị, ấm áp và đảm bảo hiệu quả, an ninh.

Đặc biệt, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tuy điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt, con người nổi tiếng với tinh thần vượt khó, ham học hỏi, cần cù thông minh, có ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Chính vì sở hữu nhân tố con người đáng quý như vậy, khu vực Bắc Trung Bộ có không ít lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế. Điều này đem tới một không khí tích cực, hồ hởi, xen lẫn sự tò mò ngay từ bước chuẩn bị đầu tiên.

Địa phương trong vai trò “góp lửa”

Tiếp nối thành công của hai sự kiện trước, “Gặp gỡ Nhật Bản” năm 2019 được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các địa phương Bắc Trung Bộ với Nhật Bản; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa các địa phương từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên - Huế trong hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt là về hợp tác kinh tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng khẳng định, đối ngoại địa phương là “trái tim” của hội nhập. Thành công trong các hoạt động đối ngoại của các địa phương là nhân tố chính, góp phần to lớn vào thành công chung của hoạt động đối ngoại đất nước.

Vì vậy, sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” có vai trò quan trọng trong đối ngoại địa phương, giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng và trong cả nước nói chung sẽ giữ vai trò là những người “góp lửa” cho thời kỳ hợp tác mới, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng, góp phần vào tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hai nước, đưa đối ngoại địa phương xứng đáng là “trái tim” của hội nhập.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-mi-truoc-them-gap-go-nhat-ban-2019-92592.html