'Bật mí' chuyện đi 'hái hoa' của các tay đua F1

Sau mỗi chiến thắng kịch tính, các tay đua F1 tung tăng chạy đi khắp nơi chia vui với đồng nghiệp, với fan. Và một hình ảnh khác cũng rất thân quen nhưng ít người để ý: Những vết ẩm trên quần.

Đây chính là một trong những câu hỏi được nhiều người xem F1 quan tâm nhất: Các tay lái đang chạy đua mà buồn đi vệ sinh thì phải làm sao?

"Những vết ẩm trên quần"

"Những vết ẩm trên quần"

Thật ra chuyện tế nhị này trong thể thao không hiếm. Các tay chạy marathon quá quen với việc vừa tháo dạ vừa về đích. Danh thủ bóng đá Gary Lineker từng bĩnh ra quần ngay ở một trận đấu của World Cup 1990. Với F1, cái khoái thứ tư này có đôi chút khác biệt.

Theo thiết kế, xe đua F1 có gắn hệ thống tiếp nước cho tay lái. Thực ra đây là một bộ phụ kiện đơn giản, gồm một bơm, một bịch nước chừng lít rưỡi và một cái ống, gắn bên vách cockpit. Một đầu ống nối qua mũ bảo hiểm của tay lái. Khi nào khát, anh này chỉ cần bấm nút bên phải vô-lăng và ngậm ống là cứ thế uống. Nước uống này tất nhiên là loại có nhiều khoáng chất nhằm giúp tay đua chống lại tình trạng khô kiệt – dehydration. Nhiều tay có thói quen cứ đến đoạn miết ga DRS là lại làm một hớp.

Hệ thống tiếp nước cho các tay lái F1

Ngoài ra, thường thì một tay đua sẽ nạp tối đa lượng nước có thể rồi đi xả ngay trước khi đua. Michael Schumacher nổi tiếng với trò chiếm nhà xí thật lâu ở Monaco, để đồng đội Nico Rosberg, khi cùng chơi ở team Mercedes năm 2010, cuống cà kê phải bê nguyên hàng họ nặng trĩu ra chạy qualify trong tâm trạng dở khóc dở cười.

Trở lại với các tay đua, họ không có nhiều cơ hội để cảm thấy mắc tè khi đang đua. Nhiệt độ cockpit ở những chặng châu Á có khi lên tới 50 độ, rồi mớ quần áo chống lửa cũng khiến mồ hồi chảy ròng ròng. Sau một chặng, một tay lái có thể giảm 2-4kg vì mất nước. Sự tập trung cao độ trong lúc thi đấu cũng có thể khiến họ tạm quên nhu cầu đi “hái hoa”.

Sự tập trung cao độ trong lúc thi đấu cũng có thể khiến các tay đua tạm quên nhu cầu đi “hái hoa”

Tuy nhiên, “nỗi buồn” vẫn xảy đến với một số người. Hệ thống xả thải của xe F1 còn đơn sơ hơn cả hệ thống cho nước vào: Các tay đua hoặc đóng bỉm, hoặc đơn giản là cứ thế “mở van” cho nước tràn ra mà thôi.

Trước mỗi kỳ sát hạch, chúng ta thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng đến buồn tiểu tiện. Sự căng thẳng trước khi vào race cũng là nguyên nhân cho tình trạng tương tự của các tay đua. Vẫn anh Schumi, cầu cho anh chóng bình phục, nổi tiếng vì luôn tiểu tiện ra xe ở bất cứ chặng nào, theo lời kể của Hamilton trong một cuộc phỏng vấn với De Genere.

Tay đua F1 huyền thoại Michael Schumacher

Em trai anh, Ralf Schumacher, cũng thường xuyên bị đồng đội trêu đùa vì tật làm ô nhiễm xe khi còn thi đấu ở Williams. Johnny Herbert từng khiến các kỹ thuật viên tưởng xe có vấn đề ngay trước một chặng đua. Nigel Mansell huyền thoại còn làm đội nhà vất vả đi điều tra xem vì sao chiếc xe luôn bị chảy chất lỏng mỗi khi đưa về garage. Và không phải vô cớ người ta gọi Alonso, kẻ kết thúc vương triều của Schumi, là Alonso Toxic.

Với Hamilton, mặc dù lên truyền hình dõng dạc tuyên bố không bao giờ bậy ra xe, nhưng các fan thì quả quyết lần nào anh này cũng làm nguyên bãi tướng. Bằng chứng: Lần nào đít quần của anh cũng bê bết sau hết chặng. Xem chặng GP Anh cách đây mấy tuần thì thấy rõ nhất. Thấm đẫm cả phía sau dù rõ ràng là Ham có đóng bỉm. Hẳn là phải cảm ơn Mercedes với bộ đồ trắng bóc mà ta mới phát hiện ra được trò quấy của Ham.

Vấn đề "hái hoa" của các tay đua F1 khiến nhiều người tò mò

Thật tình, các tay đua có thể tranh thủ lúc về pit để mà “xả xì trét”. Nhưng so với khoảng thời gian tính thành từng phần nghìn giây và kỷ lục mới lập gần đây về thời gian về pit chưa đầy 2 giây, việc làm này quá ư là xa xỉ. Chưa kể, với thiết kế bộ đồ đua xe F1, để kéo được cái khóa ra là cả vấn đề. Thành ra, các triệu phú trong làng thể thao, những người đang chơi một bộ môn được coi là quý tộc, thà là làm ô uế chiếc xe trị giá cả chục triệu đô la còn hơn là mất vài giây vào toa-let.

Nói đi cũng phải nói lại. Không gì sướng bằng “gải quyết” đúng lúc, nên có thể thông cảm cho mấy anh tổ lái. Hơn nữa, khi đang đóng ở tốc độ 300km/h, giữa tiếng gió gào thét và tiếng gầm động cơ xe đối thủ xung quanh, được “xả van” hẳn là một khoái cảm khó cưỡng. Đời, đến thế là cùng.

Bởi Thành Lê, 18:00, 06/08/2019

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/bat-mi-chuyen-di-hai-hoa-cua-cac-tay-dua-f1-3431.htm