Bật mí cách nhà đầu tư bất động sản tránh rủi ro khi 'mua nhà trên giấy'

Trước những rủi ro khó lường của việc 'mua nhà trên giấy', nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề pháp lý dự án, chủ đầu tư…

Trái đắng khi “mua nhà trên giấy”

Thời gian qua, bên cạnh những dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì nhiều chủ đầu tư đã “lách luật” để huy động vốn, thông qua việc ký kết các Văn bản thỏa thuận, Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng hợp tác đầu tư,…

Trên thực tế, ở giai đoạn mở bán căn hộ hình thành trong tương lai thường có giá khá tốt, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách và chương trình bán hàng hấp dẫn như hỗ trợ lãi suất, chiết khấu cao,... Hơn hết, đây là cơ hội để khách hàng có thể đầu tư lướt sóng, trong khi phần nào giảm được áp lực về vấn đề tài chính.

Chính vì lý do trên, nhiều trường hợp người dân, nhà đầu tư đã tin tưởng và bỏ tiền tỷ để mua nhà, thế nhưng cũng không ít khách hàng nhận trái đắng bởi hàng chục năm nhà vẫn còn trên giấy. Cùng với đó, đây là nguồn cơn dẫn đến những vụ việc tranh chấp pháp lý kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Nhiều vụ việc tranh chấp pháp lý kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng bắt nguồn từ việc "mua nhà trên giấy"

Nhiều vụ việc tranh chấp pháp lý kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng bắt nguồn từ việc "mua nhà trên giấy"

Đơn cử, chị T.N.L (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua căn hộ căn hộ chung cư tòa nhà CT1-108 tại dự án Usilk City – Khu đô thị mới Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, đã hơn 10 năm qua dự án đang thi công ngổn ngang và nằm bất động, khiến chị cùng nhiều hộ dân khác đang mong mỏi từng ngày được bàn giao căn hộ.

“Tòa nhà CT4-108 đã chậm tiến độ bàn giao nhà hơn 11 năm nay, bị dừng thi công hoàn toàn từ tháng 6/2011. Hiện trạng công trình đang xây thô dở dang đến tầng 4 và 5 và bị bỏ hoang. Tôi không ngờ rằng, việc mình mua nhà trên giấy lại gặp rủi ro như vậy”, chị L. nói.

Trong các giao dịch bất động sản, không ít khách hàng mua nhà khi dự án chưa được phép đưa vào kinh doanh, nhưng trước đó chủ đầu tư đã thế chấp dự án và chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn đầu tư, xây dựng dự án. Việc này dẫn đến người mua nhà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Và sau đó, hàng loạt vụ việc tranh chấp nảy sinh giữa cư dân và chủ đầu tư đã xảy ra.

Cũng có những trường hợp, sau khi vướng lùm xùm chủ đầu tư đã dùng chiêu thay tên đổi họ, nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ” để lừa dối khách hàng, kéo dài thời gian chiếm dụng vốn hoặc né tránh giải quyết quyền lợi của khách hàng.

Trên đây chỉ là số ít những vướng mắc, rủi ro mà các khách hàng sẽ phải đối mặt khi lựa chọn "mua nhà trên giấy" để ở hoặc đầu tư.

Lưu ý nguyên tắc “vàng” để không bị “mắc cạn”

Trước hàng loạt những rắc rối có thể nảy sinh, một câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư làm thế nào để lựa chọn cho mình một sản phẩm bất động sản tốt, với giá cả phải chăng?

Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, để phòng ngừa rủi ro và bảo toàn số tiền của mình khi lựa chọn căn hộ, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề.

Trước hết, khách hàng cần lựa chọn các dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng, bao gồm quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện dự án xây dựng chung cư, quy hoạch sử dụng đất, bản vẽ tổng thể, bản vẽ chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt…

Thứ hai, việc mua bán căn hộ chung cư theo phương thức nhà ở hình thành trong tương lai phải tuân theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 như: Chủ đầu tư chỉ được phép đưa căn hộ chung cư hình thành trong tương lai khi có đủ điều kiện. Chủ đầu tư phải ký kết hợp đồng bảo lãnh với một ngân hàng thương mại. Việc thanh toán tiền mua nhà trong trường hợp này phải được thực hiện đúng theo quy định.

Khách hàng sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro khi "mua nhà trên giấy".

Thứ ba, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ thông tin về dự án bất động sản từ đa kênh. Cụ thể, người mua nhà chung cư cần kiểm tra thông tin dự án từ phía chủ đầu tư, từ sàn giao dịch bất động sản được chủ đầu tư ủy quyền phân phối sản phẩm bất động sản, từ các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản…

Trong trường hợp cần thiết, khách hàng có thể tham vấn ý kiến của nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp, của văn phòng luật sư, công ty luật về tính pháp lý của dự án nhà chung cư mà mình quan tâm.

Thứ tư đó là lựa chọn chủ đầu tư uy tín. Theo đó, khách hàng nên cân nhắc tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm của các nhà đầu tư có uy tín, có kinh nghiệm hoạt động lâu năm tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và có năng lực tài chính dồi dào.

“Các chủ đầu tư lớn có năng lực hoàn thiện dự án với chất lượng đúng cam kết, đúng tiến độ, chuẩn pháp lý, quản lý và vận hành chuẩn mực sau bàn giao, tốc độ “phủ đầy" cư dân nhanh chóng. Đó là những chủ đầu tư xứng đáng để người mua nhà chọn mặt gửi vàng”, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến nhận định.

Có thể nói, để chọn mua được căn hộ hình thành trong tương lai với giá hợp lý thì người dân, nhà đầu tư hãy là người tiêu dùng thông thái và thật thận trọng trong việc tìm hiểu thông tin trước khi đưa ra quyết định lựa chọn, để không bị “tiền mất, tật mang”.

Ngọc Tiến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bat-mi-cach-nha-dau-tu-bat-dong-san-tranh-rui-ro-khi-mua-nha-tren-giay-255817.html