'Bắt mạch' thị trường, tìm đầu ra cho nông sản

Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh; mô hình sản xuất nông sản thân thiện với môi trường, theo tiêu chuẩn GAP, liên kết sản xuất và tiêu thụ, khép kín trên lúa, cây ăn trái và thủy sản. Cách tổ chức sản xuất này được đánh giá là hướng đi đúng đắn trong thời điểm hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, để nông sản đồng bằng phát huy tiềm năng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh việc tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành cần thực hiện tốt công tác thông tin thị trường giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Công tác cung cấp thông tin, dự báo thị trường kịp thời sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động trong sản xuất và bán sản phẩm với giá tốt. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Nỗ lực kết nối, dự báo

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, công tác thông tin thị trường nông sản được các cấp, các ngành của thành phố chú trọng. Qua đó, hình thành chiến lược đầu tư hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức sản xuất và xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hiện ngành Nông nghiệp thành phố vẫn duy trì xuất bản hằng tuần ấn phẩm thông tin giá cả thị trường nông sản và khuyến nông (200 bản/kỳ). Trong đó, chú trọng các thông tin về tình hình thị trường, dự báo giá cả các mặt hàng nông sản (gạo, thịt, gia súc gia cầm, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả…) tại các quận, huyện trên địa bàn.

Với tỉnh Vĩnh Long, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch nông sản điện tử http://nsvl.com.vn. Qua thời gian triển khai, sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long thu hút hơn 10,3 triệu lượt truy cập. Mỗi năm, số lượng người truy cập tăng hơn 1 triệu lượt, số lượt truy cập tuần đạt trên 54.000 lượt, truy cập tháng đạt trên 171.000 lượt. Bên cạnh đó, sàn giao dịch nông sản của tỉnh cũng thực hiện quảng bá cho 75 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín; hơn 20 doanh nghiệp thành viên trong và ngoài tỉnh với trên 1.000 sản phẩm. Trong năm 2020, chúng tôi ghi nhận có hơn 200 lượt chào mua, 270 lượt chào bán và sản phẩm có giao dịch là 224 sản phẩm.

Thông tin “đúng và trúng”

Theo các chuyên gia đầu ngành, mặc dù công tác dự báo thông tin thị trường mang lại nhiều kết quả. Song sản phẩm nông sản nước ta mang tính thời vụ cao, mỗi loại cây trồng có đặc điểm sinh trưởng khác nhau, sự chênh lệch về năng suất, chất lượng giữa các vụ… Ðặc biệt, thị trường nông sản Việt nói chung và ÐBSCL nói riêng đang mất cân đối giữa cung và cầu: vào chính vụ, giá cả nông sản xuống thấp do cung vượt cầu vào nghịch vụ giá bị đẩy lên cao do cung nhỏ hơn cầu. Mặt khác, do thiếu thông tin về thị trường nên đa số nông dân vẫn làm theo quy trình ngược. Thay vì tìm kiếm thông tin thị trường có tính ổn định, bền vững rồi mới đầu tư sản xuất thì lại sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng “giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua…

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, cấp Trung ương cần bố trí kinh phí cho địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong sản xuất và thị trường nông sản nhằm kết nối, trao đổi, cập nhật thông tin từ Trung ương đến địa phương, giữa các tỉnh, thành, doanh nghiệp về sản xuất (quy mô, sản lượng, tiêu thụ,…), thị trường giá cả. Ðồng thời, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu qua đó tìm hiểu nhu cầu thị trường và quảng bá đối với các mặt hàng nông sản đặc trưng, chủ lực của các tỉnh, thành đến thị trường trong nước và thế giới. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho rằng, mỗi tỉnh, thành cần phải xây dựng hệ thống kênh thu thập thông tin giá cả các mặt hàng bảo đảm tính trung thực, khách quan và độ tin cậy cao: giá tại ruộng, giá bán lẻ, giá bán sỉ, giá tại cơ sở sản xuất… Song song đó, xây dựng tổ chuyên gia ngành hàng với sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành liên quan, nhằm thực hiện tốt công tác phân tích, dự báo chuyên sâu về thị trường từng ngành hàng.

Thị trường nông sản khó dự báo bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các báo cáo số liệu liên quan đến thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay không đồng nhất, bản thân nhu cầu thị trường nông sản cũng thay đổi liên tục nên rất khó dự đoán chính xác. Vì vậy, việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) để phục vụ phát triển nông nghiệp, tạo cơ sở để bắt mạch “đúng và trúng” nhu cầu thị trường được nhiều chuyên gia đề xuất. PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số, khẳng định: Doanh nghiệp, nông dân không thể bỏ qua cơ hội từ nông nghiệp dữ liệu lớn. Thực tế, phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp cho thấy kết quả tuyệt vời trong việc dự báo sản lượng cây trồng và cải thiện năng suất cây trồng. Không chỉ vậy, dữ liệu lớn còn giúp nông dân tăng sản lượng, làm giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên như nước và điện nhờ các số liệu thông minh và khả năng phân tích dữ liệu. Nông nghiệp dữ liệu lớn còn đem lại những lợi ích lâu dài như: chấm dứt sự di cư của lực lượng lao động; giảm lãng phí thực phẩm và thu hút các khoản đầu tư lớn hơn vào công nghệ nông nghiệp (cảm biến, điện toán đám mây...).

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-bat-mach-thi-truong-tim-dau-ra-cho-nong-san-a132928.html