Bất lực với bạo lực học đường

Dư luận lại lần nữa dậy sóng trước việc 2 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 và phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn.

Thật khó ngăn nổi cảm xúc khi xem những clip với cảnh học sinh nam có, nữ có, mặc đồng phục đánh bạn dã man, trước sự chứng kiến của nhiều bạn và đánh ngay trong nhà trường - môi trường có đầy đủ lực lượng giám sát theo tiêu chuẩn của trường học. Thế nhưng, giáo viên, ban giám hiệu chỉ biết khi những hình ảnh phản cảm này được tung lên mạng xã hội.

Dù vậy, vụ việc xảy ra ở Trường THCS Trần Hưng Đạo tại TP Rạch Giá chỉ là một minh chứng cho tình trạng bạo hành trong môi trường giáo dục, cụ thể là nhà trường, đang xảy ra ngày càng nhiều ở tất cả các cấp học thời gian gần đây. Bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, thầy cô giáo bạo hành học sinh, học sinh bạo hành nhau…

Điều gì đang xảy ra trong trường học vốn là nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin về việc đào tạo những thế hệ tương lai hội đủ đức - trí - thể - mỹ? Tin được chăng những thành tích về con số tốt nghiệp, học sinh khá giỏi khi mà nạn bạo hành đang xảy ra ở mức không thể nói chỉ là hiện tượng, là cá biệt trong khuôn khổ của nhà trường - nơi tấm biển luôn được gắn trang trọng:"Tiên học lễ, hậu học văn"?

68% trẻ em Việt Nam chịu ít nhất một loại hình trừng phạt từ thành viên trong gia đình; 59% trẻ 8 tuổi chứng kiến giáo viên dùng đòn roi để trừng phạt học sinh; 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt với các hình thức khác nhau như cốc đầu, véo tai… Đó là những con số được đưa ra trong lễ khởi động "Sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Tầm nhìn thế giới về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học" do Tổ chức World Vision và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức mới đây tại Hà Nội. Những con số này liệu có liên quan gì đến tình trạng bạo hành trong trường học?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa gần đây cho biết bộ đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020" theo Quyết định số 1501/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục...

Chưa biết ngành giáo dục triển khai những việc nêu trên đến đâu và đã đạt những mục tiêu gì, trong khi tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra nóng bỏng với nhiều hình thức khiến phụ huynh băn khoăn, xã hội thêm bất an. Những giải pháp mà ngành giáo dục đang triển khai thực hiện liệu có đạt được mục tiêu "giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng" không, hay vẫn chỉ quẩn quanh với phê bình, khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi học có thời hạn… vốn không mấy tác dụng trước tình trạng bạo lực học đường?

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bat-luc-voi-bao-luc-hoc-duong-20171212220034111.htm