Bất lực nhìn những vườn 'bưởi tiến Vua' bị dòng sông Chảy 'nuốt chửng'

Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái cho rằng, chính việc khai thác cát trên sông khiến vườn 'bưởi tiến Vua' của họ trôi theo dòng sông Chảy.

Xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nổi tiếng với những trái "bưởi tiến Vua" ngon nức tiếng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ấy thế nhưng những năm gần đây, nhiều diện tích đất canh tác, trong đó có các diện tích đất trồng bưởi lâu năm ở hai thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến 12, xã Đại Minh đã, đang bị dòng sông Chảy nuốt chửng, khiến người dân bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Trước đó, tháng 12/2016, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình.

Năng suất bưởi Đại Minh hiện đạt 18 đến 20 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Trong 3 năm trở lại đây, bưởi Đại Minh liên tiếp được mùa, được giá, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế và làm giàu của địa phương. Tuy nhiên, gần đây rất nhiều diện tích bưởi của người dân nơi đây đã bị dòng Chảy cuốn trôi.

Hoạt động khai thác cát trên sông Chảy.

Hoạt động khai thác cát trên sông Chảy.

Theo ông Trần Quang Khải - Trưởng thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, kể từ khi Công ty Trường Phát (có trụ sở tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) về khai thác cát (từ năm 2010 đến năm 2013), diện tích đất của người dân ven sông bắt đầu bị lở và cuốn trôi. Đến nay diện tích đất bị mất rất lớn, có nơi chiều dài khoảng 200m, chiều sâu gần 50m.

Ông Khải đặt câu hỏi: Việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát đã có sự nghiên cứu, khảo sát về mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường hay chưa?

Các tàu thuyền hút cát ồn ã suốt ngày đêm.

“Thôn của chúng tôi có khoảng 30/60 hộ bị ảnh hưởng sạt lở. Chúng tôi kiến nghị bằng văn bản lên Sở TN-MT nhưng Sở trả lời với người dân chúng tôi là không phải do việc khai thác cát mà do chúng tôi canh tác trên đất mềm. Chúng tôi ở đây từ rất lâu, chưa bao giờ có hiện tượng đất bị sạt lở như bây giờ. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi là Sở TN-MT đã đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường? Có kế hoạch kè bờ gì cho người dân chưa?” - ông Khải nói.

Dưới chân bãi tập kết cát là rất nhiều tàu thuyền.

Người dân thôn Khả Lĩnh cũng cho biết thêm, các tàu thuyền này hoạt động rầm rộ từ 3 giờ sáng đến 22 giờ đêm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những hộ gia đình sống gần ven sông, đặc biệt là tiếng ồn.

Ngoại trừ hôm nào có đoàn kiểm tra hay đoàn công tác của tỉnh, huyện, mọi hoạt động trên sông ngay lập tức được dừng.

Dọc ven bờ sông Chảy, thuộc địa phận của hai thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến 12, đất ven bờ đều bị lở nham nhở, có nhiều nơi đã bị sụt lở. Mùa mưa năm nay, những diện tích đất này khó có thể giữ lại được.

Nhiều khu vực đất canh tác đang sạt lún, mùa mưa đến sẽ lại trôi xuống sông Chảy.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, người dân thôn Quyết Tiến 12 thở dài kể, nhà ông có 35 gốc bưởi trồng ven sông có tuổi đời khoảng 30 năm, mỗi năm cho thu trên dưới 100 triệu đồng.

Tháng 7/2017, vườn bưởi của gia đình ông cũng được thương lái trả 100 triệu đồng, đặt cọc trước 30 triệu, nhưng chưa đến ngày thu hoạch thì cả vườn bưởi bị cuốn trôi xuống sông Chảy trong chớp mắt.

Cả nhà chỉ biết ngồi khóc trong bất lực. Mất trắng, gia đình lại phải đi vay tiền để trả lại cho thương lái...

Bờ sông nham nhở vết lở.

Gạt những giọt nước mắt, bà Lê Thị Hòa, vợ ông Bình kể, ông bà chia vườn bưởi cho các con, giờ bưởi trôi mất, các con bà lại tất tả đi xa kiếm tiền mưu sinh.

“Đau xót quá, chúng tôi khóc, không ăn không ngủ được. Đất mất, cây mất, hai vợ chồng và các con tôi phải đi làm thuê”- bà Hòa nói.

Trao đổi với phóng viên VOV, bà Nguyễn Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình thừa nhận: Một phần nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân hai thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến 12 bị cuốn trôi là do hoạt động khai thác cát của Công ty Trường Phát. Ngoài ra, còn do mưa nhiều và hoạt động xả lũ của Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Những vườn "bưởi tiến Vua" nức tiếng trồng ven sông Chảy của người dân xã Đại Minh.

“Công ty Trường Phát được cấp phép khai thác nhiều năm nay. Năm 2017, nhiều điểm bị sạt một phần do Công ty Trường Phát khai thác. Bên cạnh đó, mưa nhiều và xả lũ, nhiều yếu tố tác động nên ở xã Đại Minh có một số hộ gia đình canh tác bưởi dọc bờ sông bị thiệt hại. Xã cũng thành lập các đoàn xuống động viên, chia sẻ, hỗ trợ với các hộ gia đình bị thiệt hại. Đồng thời kiến nghị các cấp quan tâm làm các bờ kè, giảm thiệt hại cho nhân dân”- bà Nguyễn Thanh Huyền cho biết.

Người dân thôn Khả Lĩnh lo lắng khi sạt lở đã áp sát vườn bưởi vài chục năm tuổi.

Mất đất, thiệt hại về kinh tế, đã nhiều lần người dân xã Đại Minh phản ánh lên huyện, tỉnh. Thế nhưng, đến nay kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhiều người dân cho biết họ đã tuyệt vọng và chỉ còn biết bất lực nhìn đất đai, cây cối bị cuốn đi...

Hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại đây đang có nguy cơ bị dòng sông cuốn trôi bất cứ lúc nào. Các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái cần có biện pháp kịp thời để giữ lại diện tích đất canh tác cho bà con nông dân, giữ lại những vườn bưởi tiến vua nức tiếng./.

Đình Tuấn-Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/bat-luc-nhin-nhung-vuon-buoi-tien-vua-bi-dong-song-chay-nuot-chung-762970.vov