Bắt kịp xu thế mới trong giáo dục

Để bắt kịp xu hướng phát triển chung của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất thiết phải đổi mới căn bản các quá trình giáo dục theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, phát huy tính tích cực chủ động của người học để nâng cao chất lượng giáo dục. Tinh thần đó đã được gợi mở và thể hiện xuyên suốt 7 quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong Nghị quyết 29/NQ-TW.

SV Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: ITN

Chuyển đổi thiết chế giáo dục

Theo TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), về tổng thể, giáo dục thông minh được hiểu là “sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua Internet bất cứ lúc nào và ở đâu”; cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện mọi mặt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm: Lớp học thông minh, môi trường thông minh, người dạy thông minh, khuôn viên thông minh, nhà trường thông minh.

Trong các nghiên cứu, việc đánh giá hoạt động giáo dục (nhà trường) thông minh được dựa trên các tiêu chí: Sự sẵn sàng chấp nhận và thích ứng công nghệ, các chỉ số xác định về ứng dụng công nghệ, mức độ “thông minh” của các tác vụ, hoạt động trong lớp học, nhà trường, trang bị hạ tầng cơ sở vật chất.

Về bản chất, TS Tôn Quang Cường cho rằng, với sự trợ giúp của công nghệ mới, giáo dục thông minh cần phải tạo được một phương thức hoàn toàn khác với giáo dục mang tính đại trà, “đồng phục”, hướng đến sự phân hóa, cá thể hóa và cá nhân hóa cao độ. Hệ thống kết nối con người - thông tin - vật thể, máy móc tạo thành một chuỗi liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi thiết chế giáo dục thành một hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo.

Trong bối cảnh đó có thể nhìn nhận giáo dục như là một quá trình công nghệ, sản phẩm công nghệ có thể đóng gói, chuyển giao và như là một quá trình ứng dụng, thẩm thấu các thành tựu của lĩnh vực công nghệ khác.

TS Tôn Quang Cường

Như vậy, thay vì cung cấp kiến thức, nội dung dạy học, “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” theo chương trình cứng nhắc, các nhà trường nên đào tạo kỹ năng (sử dụng thông tin, kiến tạo tri thức và ra quyết định), ươm tạo tài năng, phát triển tầm nhìn cho người học, với mô hình “một người học, đa chương trình, đa khuôn viên”.

 Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Cần chuẩn bị sẵn sàng để khai thác, thích ứng

Nhắc tới nền tảng số cho giáo dục, người học số, người dạy số, học liệu số, môi trường học tập số, TS Tôn Quang Cường nhận định: Những dự báo khả quan về xu hướng phát triển mạnh mẽ các công nghệ vật lý, công nghệ số, sinh học môi trường… của nền công nghiệp 4.0 sẽ là tiền đề, dữ kiện tốt để các nhà giáo dục định hướng lại và thực thi các quan điểm một cách đúng đắn. Trong bối cảnh đó, các nhà trường, cơ sở giáo dục (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục) nói chung, cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để khai thác, thích ứng các lợi ích do công nghệ mang lại.

Quá trình này, theo TS Tôn Quang Cường, cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống trên các phương diện: Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ bản (hạ tầng nền tảng và giải pháp công nghệ lõi cho các cơ sở giáo dục), chính sách huy động xã hội hóa, tạo cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, triển khai công nghệ giáo dục cùng tham gia với nhà trường trong hoạt động giáo dục, đào tạo; thực sự coi giáo dục là bộ phận của nền kinh tế tri thức, áp dụng một cách linh hoạt, khoa học một số nguyên tắc và tiếp cận hoạt động của hình thái kinh tế chia sẻ; xây dựng các khung pháp lý phù hợp nhằm hỗ trợ thúc đẩy và đánh giá tính hiệu quả các quá trình ứng dụng công nghệ trong giáo dục trước bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay.

Cùng với đó, cần nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo tiếp cận công nghệ (IoT, Big Data, Blockchain), quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn; tạo cơ chế cho nhà trường chủ động xây dựng chương trình tích hợp công nghệ, cho phép sử dụng thiết bị cầm tay kết nối trong lớp học/nhà trường; quản lý hệ thống tổng thể trên nền tảng công nghệ.

TS Tôn Quang Cường cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân hóa, kết nối mọi chủ thể, đối tượng trong quá trình giáo dục, học mọi nơi, mọi lúc; đáp ứng chỉ số “thông minh” của môi trường học tập, lớp học và nhà trường.

Tăng cường năng lực, chỉ số đáp ứng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ hiện đại cho đội ngũ giảng viên, nhà giáo dục; phổ cập học vấn số thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; nhất là đối với đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

“Ngoài ra, cần chú ý xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo nhân lực về công nghệ giáo dục, quản trị các công nghệ giáo dục mới. Đồng thời, tích hợp giữa công nghệ thông tin và giáo dục trong các chương trình liên ngành/xuyên ngành. Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo giáo viên theo hướng nhà giáo dục - nhà sử dụng và phát triển công nghệ” – TS Tôn Quang Cường nêu đề xuất, kiến nghị.

Trong bối cảnh hiện nay, các thành tố cấu thành nên một quá trình giáo dục, nền giáo dục cần được nhìn nhận trong mối quan hệ biện chứng giữa sự tích lũy, làm giàu và chia sẻ thông tin, kiến thức phục vụ cho các “công dân số”. Do vậy, sự can dự của công nghệ thông tin là điều tất yếu để giải quyết những mâu thuẫn đang ngày càng sâu sắc trong giáo dục. TS Tôn Quang Cường

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bat-kip-xu-the-moi-trong-giao-duc-4056200-b.html