Bật khóc trước nẹp cơm khô khốc của những đứa trẻ Xinh Mun

Tan học, đám trẻ người Xinh Mun ùa về để rồi uể oải với bữa trưa chỉ có duy nhất nẹp cơm khô khốc, không thịt, không rau.

Với những đứa trẻ Xinh Mun chỉ có nẹp cơm khô khốc thì mì tôm là món ngon hảo hạng

Bữa cơm khô khốc của những đứa trẻ điểm trường Xinh Mun

Thầy "nhử" trò đến lớp bằng mì tôm, bánh kẹo

Huổi Hu (xã Chiềng Sơ, Điện Biên Đông) nằm ngay bờ sông Mã. Tháng ba, trời chưa vào hạ mà nơi này đã chói chang, hầm hập gió Lào. Lò lửa này là nơi sinh sống của tộc người thiểu số Xinh Mun.

Nơi đây, phóng hết tầm mắt cũng chỉ thấy đồi núi trọc lốc, khô cằn như sa mạc. Người Xinh Mun gần như đói ăn, thiếu mặc quanh năm, nhưng mùa này đang đỉnh điểm. Trong những ngôi nhà tuềnh toàng được ghép tạm bằng tranh, tre, nứa tìm thấy thùng chứa gạo là việc khó khăn.

Người Xinh Mun sống trong những ngôi nhà sàn tạm bợ

Vào đến Điện Biên Đông, anh Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện đã "dứt khoát" mời chúng tôi vào Huổi Hu, thăm các em học sinh người Xinh Mun nơi ấy.

Anh Hoàn bảo, nói bằng lời thì không tả hết được, mời các nhà báo cứ vào trong đó mới thấy được cái khó, cái khổ của học sinh vùng cao.

Chúng tôi khởi hành từ sớm, vài tiếng ngồi xe lên núi ngược đèo rồi vật vã chạy xe gắn máy gần một giờ đồng hồ nữa thì cũng tới được Huổi Hu, bản nhỏ nằm chênh vênh bên bờ sông Mã.

Cả bản có vài chục nóc nhà, nhưng như những lều lán tạm bợ của những người đi nương, đi rẫy. Đa phần được chắp vá bằng tranh, tre, nứa, lá, xộc xệch, lô xô.
Điểm trường Huổi Hu cũng chênh vênh bên sườn núi. Điểm trường có hai phòng học dành cho 4 lớp với gần 50 học sinh. Lớp 1 và lớp 3 học chung một phòng, phòng bên là lớp 2 và lớp 4.

Điểm trường Huổi Hu cũng lụp xụp, liêu xiêu

Điểm trường có 2 thầy giáo đứng lớp. Bảng kê hai đầu, thầy dạy lớp này xong thì quay sang bảng đối diện dạy lớp kia. Như vẻ điêu tàn, xộc xệch của Huổi Hu, điểm trường cũng liêu xiêu, tạm bợ. Lớp học được quây bằng những tấm ván thò thụt, chỗ còn chỗ mất.

Vùng này khí hậu khắc nghiệt kinh hoàng. Mùa đông thì rét thấu xương, còn mùa hè gió Lào thiêu hầm hập. "Cứ đông đến là phải đốt lửa ở giữa lớp thì các em mới học được. Rét ở đây thì như rụng tay chân ấy!", thầy Lò Văn Dẫn, chủ nhiệm lớp ghép 1+3 chia sẻ.

Rét khốn khổ là vậy nhưng nắng nóng còn khủng khiếp hơn. Trường lợp bằng mái tôn nên ngồi trong lớp chẳng khác gì cực hình. Tháng ba, mới chớm hè mà thầy trò đã mồ hôi mướt mải, lấm lem.

Lớp học được quây bằng những tấm ván tạm bợ, không thể chắn được gió lạnh khi đông về, thậm chí mái trường có chỗ đã không còn tấm lợp

Bản nghèo xác xơ nên thường học sinh đến trường với chiếc bụng lép kẹp. Thầy Dẫn bảo, cũng vì đói khổ quá đỗi nên người dân ở đây chẳng mấy quan tâm đến chuyện học hành của con em mình.

Để huy động đầy đủ học sinh đến lớp, sáng nào hai thầy ở điểm trường cũng phải vòng lên bản để "bắt" học sinh. Nhiều hôm còn phải đem bánh kẹo, mì tôm ra để… nhử.

Những bữa cơm chan bằng… nước mắt

Trưa ấy, tan lớp, tôi theo Lường Văn Tổng về nhà. Tổng 6 tuổi, đang học lớp 1. Tổng và em trai ở với bà nội tuổi đã gần đất xa trời. Bố mẹ Tổng đi làm thuê ở xa, năm về nhà chỉ một đôi lần.

Nhà nghèo, thiếu ăn, nhưng được thầy giáo vận động, Lường Văn Tổng vẫn đều đặn ngày hai buổi đến trường

Nhà Tổng ở ngay sau điểm trường. Nhà bé tẹo, chắp vá bằng tre nứa liêu xiêu. Mấy đồng nghiệp đi cùng không dám bước lên cầu thang bởi sợ đông người, nhà sập.

Tới nhà, treo vội túi sách, Tổng tìm chỗ bà nội để cơm. Trưa nay, bữa trưa của Tổng tươm tất hơn vì bà nội đã đi hái thêm mấy ngọn rau rừng. Tổng bốc cơm, thỉnh thoảng làm thêm ngọn rau rừng nữa rồi nhai một cách khó nhọc.

Tan học về nhà, đói bụng, Tổng vội vàng lấy cơm bà nấu từ sáng ra ăn, nhưng đấy là bữa cơm khó nuốt vì chỉ có mấy cọng rau rừng ăn kèm

Nhà Tổng trống huơ. Vật đáng giá nhất là mấy chiếc nệm bông lau nấm nem, cáu bẩn trải xộc xệch trên sàn nhà rách nát. Bà nội Tổng bảo, hồi Tết về, bố mẹ Tổng mua cho bà ít gạo nên mấy bà cháu còn có cái ăn. Bây giờ, gạo sắp hết rồi và con trai, con dâu vẫn bặt vô âm tín. Bà lo vài ngày nữa không biết các cháu bà lấy gì bỏ bụng.

Bố mẹ đi làm thuê ở xa, Tổng và em trai sống với bà nội trong căn nhà xơ xác, ọp ẹp

Tổng có bạn ở gần nhà tên là Lường Văn Lương. Lương cũng như Tổng, ở cùng ông bà nội. Bố mẹ Lương cũng đi làm thuê ở xa, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Đi học về, Lương xà ngay vào mâm cơm cùng ông bà và các em.

Mâm cơm cũng chỉ có nẹp cơm trắng, không rau, không muối. Cả nhà 7 người cứ tha thẩn bốc ăn. Ông nội Lương là thầy cúng. Mấy hôm trước đi cúng cho người Mông, họ trả công cho ít gạo nên giờ gia đình mới có cái bỏ mồm.

Bữa trưa nhà em Lương cũng chỉ có cơm không. Anh em Lương cùng ông bà bốc ăn một cách khó nhọc

Mong một mái trường, một bữa cơm ấm bụng

Cùng bám trụ ở điểm trường Huổi Hu với thầy Dẫn là thầy Lò Văn Quỳnh. Thầy Quỳnh nhà ở huyện Sông Mã (Sơn La). Thầy Quỳnh bảo, ngày trước, chẳng bao giờ lại nghĩ mình có thể bám trụ ở đất này lâu thế. Nhưng rồi thấy các em học sinh đói ăn, thiếu mặc, thấy dân bản khó nghèo, xót thương nên đất lạ hóa quen.

Thầy Quỳnh lấy vợ luôn ở Chiềng Sơ. Vợ thầy là giáo viên mầm non, cũng đang dạy ở bản Huổi Hu này.

Thương học sinh đói khổ, thỉnh thoảng các thầy giáo chiêu đãi các cả lớp mì tôm. Đây là món ăn không khác gì đặc sản với những đứa trẻ vùng gian khó này

Nơi vợ thầy Quỳnh công tác là mái nhà tạm xiêu vẹo. Nhà trát đất kín bưng để tránh gió lùa, nắng rọi. Nếu không có tấm biển treo ngoài cổng thì chẳng ai có thể ngờ ngôi nhà trông như tổ mối ấy lại là… trường học.

Trường có 43 trẻ, từ 3 đến 5 tuổi. Hôm chúng tôi đến, cô Quàng Thị Xuyến đang đứng lớp dạy học sinh hát, còn một cô nữa thì đang lúi húi dưới bếp lo bữa trưa cho mấy chục học sinh của mình.

Nếu không có tấm biển ở ngoài cổng thì không ai có thể nghĩ rằng đây lại là trường học

Cơm các em mang từ nhà đi, cô giáo chỉ lo phần đồ ăn. Hôm ấy, đồ ăn chỉ có lạc rang và canh rau bắp cải. "Các em thích đến lớp hơn ở nhà. Đến lớp có đồ ăn, chứ ở nhà thì chẳng có gì", cô Xuyến chia sẻ.

Huổi Hu chỉ là một trong số 24 điểm trường của xã Chiềng Sơ. Theo thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Sơ thì cũng như Huổi Hu, điểm trường nào của Chiềng Sơ cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

"Người dân đa phần là dân tộc thiểu số, đời sống thiếu thốn nên chuyện học hành của con em hầu như phó thác hết cho thầy cô giáo, nhà trường", thầy Long chia sẻ.

Theo thầy Long, để học sinh đến lớp được đủ đầy luôn là áp lực nặng nề với các thầy cô giáo công tác tại đây. Học sinh mầm non thì còn được hỗ trợ tiền ăn trưa chứ học sinh tiểu học thì học sáng xong ai về nhà nấy, lần mò tìm cái ăn rồi chiều lại tới trường.

Bữa cơm của học sinh mầm non cũng chỉ có lạc rang và rau bắp cải nhưng với các cô cậu bé này thì đó cũng là niềm mơ ước vì "ăn ở lớp sướng hơn ở nhà"

Để các em yên tâm học hành, vài năm trước, địa phương cùng nhà trường đã vận động người dân hiến đất để xây điểm trường tập trung rồi đưa hơn 700 học sinh của xã về đó học theo dạng bán trú.

Về đó, địa phương và các thầy cô giáo sẽ vận động xin kinh phí của nhà nước, của các tổ chức từ thiện để nuôi các em ăn học. Thế nhưng, mơ ước đó giờ vẫn dở dang.

Theo thầy Long, nhà trường cùng chính quyền địa phương dày công vận động đã được người dân bản Nậm Mắn, cách trung tâm xã không xa hiến 1,2 ha đất bằng phằng. Theo kế hoạch thì 15 phòng học, cùng hai dãy nhà bán trú sẽ mọc lên trên mảnh đất ấy. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng thì chưa biết lấy ở nguồn nào.

Hôm chúng tôi đến, 5 phòng học ở điểm trường mới ấy đang được gấp rút xây dựng. Thầy Long bảo, có tiền đến đâu thì xây đến đấy. Kinh phí để xây 5 phòng học này là do bí thư huyện "xin" được từ một nhóm nhà thiện nguyện.

Như nhiều thầy cô giáo, người dân công tác, sinh sống ở đất này, thầy Long ao ước các học sinh nghèo khó ở đây có một điểm trường tập trung để học tập, để không cái đói, cái rét không còn cản bước các em tới lớp.

Thương các em học hành trong điều kiện thiếu thốn, các thầy cô giáo ở Chiềng Sơ đang thiết tha mong ước có một mái trường tập trung, kiên cố để học sinh của mình được yên tâm học hành

Chiềng Sơ còn khó, đồng bào còn nghèo, tài nguyên ngày một cạn kiệt nên người dân ở đây biết chỉ có cái chữ mới giúp con em họ thoát khỏi cuộc sống thiếu mặc, đói ăn này.

Nhưng để "con đường" ấy được mở ra thì cần sự chia sẻ của cộng đồng, của các nhà thiện nguyện. Đầu tiên là việc chung tay giúp các em nhỏ có một mái trường…

Xem thêm: Rơi nước mắt clip học sinh vùng cao ăn bốc cơm trắng và mì tôm

Đào Thanh Tuy - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/bat-khoc-truoc-nep-com-kho-khoc-cua-nhung-dua-tre-o-xinh-mun-41982-3.html