Bất khả thi - Vì sao?

Theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm đang có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng vẫn khó xử lý. Nguyên nhân do đâu?

Gian lận tối đa, đóng bảo hiểm tối thiểu

Tại Hội thảo “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)”, các chuyên gia đã định nghĩa rất rõ những vi phạm hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm chính là hành vi trốn đóng bảo hiểm, dùng thủ đoạn gian dối để thụ hưởng trái phép các chế độ bảo hiểm (người sử dụng lao động), vi phạm trong quản lý và thực hiện bảo hiểm.

Ông Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, nói: Hiện nay, việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người dân, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính sách an sinh xã hội (ASXH), ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư…

Với những vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra BHXH, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay, thủ đoạn phổ biến của những đối tượng vi phạm thường là thỏa thuận với người lao động để ký kết hợp đồng lao đồng dưới 3 tháng, 1 tháng, theo mùa vụ, khoán việc hợp đồng cộng tác viên… để giảm đóng bảo hiểm xuống mức thấp nhất, trong khi thực tế việc sử dụng người lao động đó rất dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần với những hợp đồng ngắn hạn.

Cơ quan Bảo hiểm thu BHXH của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng: “Nhiều đơn vị có tên trong danh sách nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN nhưng khi xác minh, phát hiện có trường hợp né tránh không tham gia bảo hiểm cho người lao động hoặc mức tham gia bảo hiểm thấp hơn quy định. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng lao động được cấp chế độ nghỉ dưỡng sức nhưng không chi trả cho người lao động hoặc chi sai mục đích”.

Nhiều doanh nghiệp sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng việc xử lý rất khó khăn. Bởi, để xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT, BHTN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, song văn bản hướng dẫn thi hành luật lại chưa có; văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra cũng chưa có.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao, cho rằng: Tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm đã thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Song, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, những trường hợp vi phạm đã cấu thành đủ tội phạm không thể xử lý được.

Chưa có thông tư hướng dẫn

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các chuyên gia, là cách hiểu đối với một số khái niệm như gian lận BHXH, BHYT, BHTN, trốn đóng BHXH… dẫn tới việc áp dụng luật chưa đồng nhất. Bên cạnh đó, thiếu hướng dẫn cụ thể để xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội về bảo hiểm.

Đáng chú ý, hiện vẫn chưa có lực lượng chuyên trách thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm bảo hiểm, phần lớn trường hợp vi phạm do tổ chức bị xử phạt tự giác thực hiện.

Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá cũng khó áp dụng, vì các ngân hàng thường ít phối hợp với cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền...

Trước tình hình đó, ông Hồ Quang Hùng, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an, cho rằng, để có thể xử lý được những trường hợp phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm, cần có sự phối hợp tích cực giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao cùng BHXH Việt Nam, nhằm sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này.

Ông Hồ Quang Hùng nói: “Việc quy định các tội danh là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. Để nâng cao hiệu quả của Bộ luật Hình sự, Bộ Công an cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT… Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm quy định về xử lý hình sự với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN thay vì vẫn phải viện dẫn các điều khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay”.

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT, BHTN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, song văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa có; văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra cũng chưa có.

Nguyễn Hưng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bat-kha-thi-vi-sao-520187.html