Bắt Grab đội 'mào' cho bình đẳng?

Một số nhà báo và KOL ủng hộ dự thảo Nghị định bắt Grab, Be, Fastgo... đội 'mào' gắn cố định trên nóc xe. Họ bảo như thế cho bình đẳng với taxi.

Chuyện bình đẳng nói sau, đầu tiên nói chuyện cái "mào".

Cái "mào" để làm gì?

Taxi là dịch vụ vận tải sử dụng xe con. Hành khách thường vẫy xe taxi đang chạy trên đường hoặc gọi điện yêu cầu taxi đến đón ở một địa điểm. Để hành khách dễ dàng nhận biết taxi trống giữa muôn vàn xe con đang chạy trên đường, người ta nghĩ ra cái "mào" có đèn đổi màu xanh - đỏ gắn cố định trên nóc xe. Đèn xanh là taxi trống để hành khách vẫy, đèn đỏ là đang chở khách, đừng vẫy cho mỏi tay. Ngoài ra người ta còn sơn đồng phục taxi để tăng tính nhận biết xe của hãng này, hãng kia. Với taxi truyền thống thì cái "mào" quan trọng, có cho phép bỏ chưa chắc hãng taxi đã bỏ.

Uber, Grab, Be, Fastgo... là chuyện hoàn toàn khác. Không nước nào (kể cả Việt Nam) cho phép chúng dừng xe đón khách dọc đường như taxi. Chúng chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm xác định trên app, cho từng người cụ thể gọi xe. Hành khách có thấy chúng đang chạy trống khách trên đường thì cũng không vẫy được, vì chúng không được phép đón khách kiểu đó. Tại điểm đón khách xác định ở trên app thì hành khách phải nhận biết xe qua biển số xe và phải lên đúng xe đã gọi. Thế thì cái "mào" đối với Uber, Grab, Be, Fastgo... có tác dụng gì mà bắt lắp (ngoài mục đích rõ ràng là làm khó để giảm nguồn cung xe, nhiều người không chấp nhận đục nóc xe nhà để lắp cố định cái "mào" lên đó)?

Bây giờ nói chuyện bình đẳng...

Uber ra đời xuất phát từ việc chàng trai trẻ Travis Kalanick ở Mỹ không hài lòng với dịch vụ taxi. Anh ấy làm ra cái app để huy động các xe nhàn rỗi không phải là taxi tham gia vận tải công cộng cạnh tranh với taxi, về bản chất là "trị cho taxi một trận", thay thế mô hình taxi già cỗi, bảo thủ, giá cước phi thị trường, kém linh hoạt. Uber được định giá trên 100 tỷ USD, Grab trên dưới 10 tỷ USD, Be, Fastgo của Việt Nam cũng ôm mộng "tỷ đô" chính là nhờ khả năng huy động các xe, lái xe không phải taxi tham gia vận tải công cộng, chứ nếu chúng chỉ là cái app gọi taxi thì giới đầu tư thèm vào quan tâm. Gọi chúng là taxi là chiêu rất hiểm của giới taxi truyền thống. Chụp cho các chú kia cái mũ "Taxi" lên đầu là các chú ấy lăn đùng ra chết. Kiểu như tôi tên là Nam, sứ mệnh của tôi là cạnh tranh với một ông là Mr. Bắc, ông ấy lobby kiểu gì mà người ta chụp cho tôi một cái mũ "Mr. Bắc" lên đầu, bắt tôi phải sống với bộ quy tắc dành cho Mr. Bắc, thế là tôi điêu đứng luôn! Rồi mấy hôm sau người ta lại đến kiểm tra giấy tờ, bảo tôi cũng không phải Mr. Bắc vì các lý do A, B, C, D, khi đó tôi chỉ còn cách tự biến mất.

Cách suy diễn "cùng là xe con, cùng chở khách thu tiền, suy ra là taxi" khá thô kệch nhưng cũng thuyết phục được khối người. Nhưng theo cách này thì tôi xin quả quyết rằng nước uống xá xị cũng là Cola, vì "cùng là nước giải khát, cùng là màu đen, cùng có vị ngọt".

Nhưng xá xị là xá xị, Coca là Cola, không thể dùng mấy cái giống nhau đó để đánh đồng hai loại nước được!

Tôi khẳng định dịch vụ Grab, Uber, Be, Fastgo cung cấp với xe 4 bánh là dịch vụ vận tải, nhưng không phải dịch vụ taxi. Ai cũng biết "vận tải" rộng hơn "taxi" rất nhiều.

Hai cái không phải là một thì nói chuyện bình đẳng thế nào? Bảo bình đẳng, sao không cho Uber, Grab, Be, Fastgo... đón khách vẫy dọc đường? Sao không cho chúng vào hàng taxi ở sân bay đón khách?

Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/bat-grab-doi-mao-cho-binh-dang-148795.html