Bắt giữ đường dây sản xuất tân dược giả rất lớn

Bắt giữ đường dây sản xuất tân dược giả rất lớn tại Tp Hồ Chí Minh; Hàng chục nghìn lao động đã về quê do bị cắt giảm việc; Ấn Độ: 81 người tử vong nghi do ngộ độc rượu... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 17/12.

TP HCM: Bắt giữ đường dây sản xuất tân dược giả rất lớn

Cơ quan CSĐT Công an quận 8 (TP.HCM) vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất tân dược giả quy mô rất lớn. 7 nghi can bị bắt giữ gồm: Nguyễn Xuân Cường (46 tuổi), Ao Vạn Hạnh (25 tuổi), Trương Phong Hào (24 tuổi), Trương Thùy Trinh (45 tuổi), Huỳnh Nhật Khoa (24 tuổi), Phạm Quốc Quyền (43 tuổi) và Đặng Văn Hóa (40 tuổi). Nhóm này bị điều tra, xử lý về hành vi “Sản xuất hàng giả” và “Mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Trước đó, Công an quận 8 phát hiện có một ổ nhóm sản xuất thuốc tân dược giả, tuồn bán đi nhiều nơi. Trưa 13/12, các lực lượng phối hợp bất ngờ ập vào bãi xe nằm ở đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, bắt quả tang Nguyễn Xuân Cường, Ao Vạn Hạnh, Trương Phong Hào và Trương Thùy Trinh đang sản xuất thuốc chữa bệnh giả; thu giữ gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh mang các nhãn hiệu như: Terpin Codein, Descotyl, Asmacort, Glotal… là các loại thuốc kháng sinh, trị hen suyễn, trị ho, giảm đau…

Lực lượng chức năng kiểm đếm tang vật. Ảnh: CACC

Lực lượng chức năng kiểm đếm tang vật. Ảnh: CACC

Nhóm của Cường thừa nhận, đã làm thuốc tây giả, tuồn bán cho các đại lý, các cửa hàng và ở chợ thuốc TP.HCM đóng trên địa bàn quận 10.

Mở rộng điều tra, Công an đã khám xét một số địa điểm ở đường Tô Hiến Thành, quận 10 và bắt giữ Huỳnh Nhật Khoa, Phạm Quốc Quyền, thu giữ gần 10 nghìn sản phẩm thuốc giả được quảng bá trị nấm, hen suyễn, kháng sinh… Cả hai đối tượng trên thừa nhận mua thuốc tây giả từ nhóm của Cường để bán sỉ lại cho các cửa hàng, các cơ sở ở chợ thuốc tây nhằm hưởng lợi.

Tiếp đó, ngày 16/12, Công an khám xét một căn nhà ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và bắt quả tang Đặng Văn Hóa đang sản xuất thuốc tây giả, thu giữ hơn 2.700 sản phẩm thuốc có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam, là thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng, trị nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Số tang vật trên có giá trị tương đương hàng tỷ đồng trên thị trường, nếu tuồn ra tiêu thụ ngoài thị trường thì gây nguy hiểm cho người dân sử dụng.

Hơn 40.000 lao động đã về quê do bị cắt giảm việc

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết hơn 40.000 lao động đã về quê nghỉ Tết trước cả tháng do bị mất việc. Dự báo ra Tết sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam ngày 17/12, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, theo thống kê đến ngày 10/12, gần 434.000 người giảm giờ làm hoặc ngừng việc có hưởng lương; hơn 6.500 lao động tạm hoãn hợp đồng và 41.600 người đã mất việc.

Ra tết, dự báo cón thêm gần 12.000 công nhân mất việc. Ảnh minh họa: TH

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang. Trong số này có hàng nghìn công nhân nữ 35 tuổi trở lên, đang thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Thống kê cho thấy lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, TP HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7% và Tiền Giang tăng 66,5% .

Dự báo, ra Tết sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc.

Để ổn định tình hình, các cấp công đoàn đề xuất với doanh nghiệp công bố phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng trước Tết ít nhất 20 ngày. Với lao động mất việc, các bên phải chi trả đầy đủ chế độ liên quan BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Lãnh đạo Tổng liên đoàn cũng đề nghị Chính phủ, bộ ngành tăng kiểm soát giá cả, không để lạm phát tăng cao và tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân. Cơ quan quản lý đồng thời cần ban hành chính sách hỗ trợ mới cho lao động ở ba mức độ mất việc, hoãn hợp đồng và giảm giờ làm khi cách Tết chỉ còn một tháng; hỗ trợ tiền vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng để trả lương cơ bản, giữ chân lao động.

Ấn Độ: 81 người tử vong nghi do ngộ độc rượu

Số người tử vong nghi do ngộ độc rượu tại bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, đã tăng lên 81 người - Đài truyền hình nhà nước Ấn Độ All India Radio (AIR) đưa tin ngày 17/12.

Trước đó, ngày 13/12, huyện Saran, cách thủ phủ Patna của bang Bihar 60 km về phía Tây Bắc, đã báo cáo nhiều trường hợp tử vong sau khi uống rượu rởm.

Theo AIR, số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng vì hiện còn 30 người đang được điều trị tại các bệnh viện nghi do ngộ độc rượu, trong đó có 12 người trong tình trạng nguy kịch. Khoảng 25 người mất thị lực sau khi uống phải rượu rởm.

Chuyển thi thể nạn nhân tử vong do bị ngộ độc rượu tới bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức huyện Saran cho biết đã bắt giữ 213 người liên quan hoạt động buôn bán rượu bất hợp pháp và thu giữ nhiều rượu không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, 2 cảnh sát cũng bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc. Chính quyền bang Bihar đã thành lập một đội điều tra đặc biệt về vụ việc tại huyện Saran.

Bihar đã cấm bán và tiêu thụ rượu từ năm 2016 nhưng vẫn thường xuyên ghi nhận những ca tử vong vì ngộ độc rượu lậu. Lệnh cấm bán và tiêu thụ rượu được áp dụng tại một số bang ở Ấn Độ, điều này dẫn đến thị trường chợ đen buôn bán rượu phát triển mạnh.

Rượu bán trên thị trường chợ đen được sản xuất tại các cơ sở chưng cất trái phép và có giá thành rẻ, khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm vì ngộ độc rượu.

Theo Hiệp hội Rượu vang và rượu mạnh quốc tế Ấn Độ, ước tính 5 tỷ lít rượu được tiêu thụ mỗi năm ở nước này, trong đó khoảng 40% là sản xuất trái phép. Rượu rởm thường được pha chế thêm cồn công nghiệp methanol, nếu uống phải có thể gây mù lòa, tổn thương gan và thậm chí tử vong./.

TH (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/bat-giu-duong-day-san-xuat-tan-duoc-gia-rat-lon-627859.html