Đầu tư vào Afghanistan, Trung Quốc sẽ đối mặt với muôn vàn thách thức

Mỹ đã đầu tư bao thời gian, công sức, và tiền bạc vào Afghanistan để rồi phải cay đắng rút khỏi đây. Nếu Trung Quốc quyết định đầu tư vào Afghanistan, họ cũng được cho là sẽ gặp phải rất nhiều thách thức như tình trạng bất ổn, tham nhũng, mafia, tính cục bộ địa phương...

Cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Trung Quốc và các thủ lĩnh Taliban hồi tháng 7/2021 khiến người ta đồn đoán rằng dòng đầu tư của Trung Quốc sẽ chảy vào Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rời đi.

Tuy nhiên cơ quan Tổng Thanh tra đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) đã cảnh báo trong nhiều năm rằng tham nhũng và mạng lưới tội phạm đã phá hoại các nỗ lực thiết lập một chính phủ quốc gia tại Afghanistan. Họ đặc biệt lưu ý rằng các trùm tội phạm có tổ chức đưa được người vào trong chính phủ, bòn rút hàng tỷ USD tiền viện trợ và do đó làm quần chúng không còn tích cực ủng hộ chính quyền nữa.

Trung Quốc đang định "vào" Afghanistan sau khi Mỹ rút khỏi đây. Đồ họa minh họa: Henry Wong.

Trung Quốc đang định "vào" Afghanistan sau khi Mỹ rút khỏi đây. Đồ họa minh họa: Henry Wong.

Một báo cáo của SIGAR cách đây 5 năm cho biết, "Chúng tôi phát hiện ra rằng tham nhũng xâm nhập vào mọi khía cạnh của hoạt động tái thiết, phá hoại tiến trình được thực hiện trong lĩnh vực an ninh, pháp quyền, quản trị, và tăng trưởng kinh tế".

Trong khi đó, giới bình luận Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã rút ra được những bài học quan trọng từ hành động của Mỹ ở Afghanistan và sẽ không áp dụng lại cách tiếp cận đó của Mỹ.

Liu Zongyi - Tổng thư ký Trung tâm Hợp tác Trung Quốc và Nam Á tại Viện Quốc tế học Thượng Hải, nói: "Khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là chúng tôi không can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước khác... Nếu Trung Quốc đầu tư vào Afghanistan trong tương lai gần thì Trung Quốc sẽ tập trung vào kế sinh nhai của người dân và viện trợ nhân đạo".

Liu cho hay, Mỹ đầu tư với ý định xuất khẩu dân chủ, phớt lờ truyền thống Hồi giáo của Afghanistan vốn không thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống chính trị kiểu phương Tây.

Các thế lực tội phạm ngầm và tệ tham nhũng

Ngoài khoản ước tính chi 837 tỷ USD trong 20 năm cho quân sự, Washington còn bỏ ra thêm 145 tỷ USD để tái thiết Afghanistan - dự án lớn nhất thuộc thể loại này trong lịch sử Mỹ.

Trong khi SIGAR thừa nhận có một số cải thiện về y tế và giáo dục, cơ quan này cũng cho biết nhiều đời chính quyền Mỹ đã thất bại trong nỗ lực xử lý nạn tham nhũng ở Afghanistan dù đã có những cảnh báo từ các chỉ huy quân sự trên thực địa và các đánh giá của đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul.

Cũng trong báo cáo nói trên, SIGAR trích dẫn một bức điện tín năm 2010 của Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan, trong đó người ta chỉ ra rằng các quan chức tham nhũng và những kẻ "môi giới quyền lực" đã lạm dụng quyền lực mà không bị trừng phạt, và các mạng lưới tài trợ (thường nhận tiền từ hoạt động buôn lậu ma túy và các hoạt động tội phạm khác) đã làm xói mòn công tác quản trị ở cả cấp cao nhất.

Raffaello Pantucci - nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố tại trường Quốc tế học S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng Trung Quốc có thể chỉ trích các thất bại của Mỹ ở Afghanistan nhưng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Afghanistan cũng đối mặt với các vấn đề tham nhũng tương tự. Ông này nhận định nếu ai đó tới một quốc gia có tham nhũng nặng nề rồi cố gắng xây cơ sở hạ tầng tại đấy thì người đó chỉ làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng và bất bình đẳng.

Một ví dụ tiêu biểu được Pantucci đưa ra là dự án mỏ dầu trị giá 400 triệu USD ở miền bắc Afghanistan - đây là một hợp tác giữa gã khổng lồ năng lượng "Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc" và tập đoàn Watan được cho là thuộc sở hữu của hai người họ hàng của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.

Dự án ít có tiến triển kể từ khi được ký kết vào năm 2011. Bất chấp có yếu tố liên quan đến ông Karzai, các nhà môi giới quyền lực địa phương vẫn tìm cách bòn rút tiền bạc từ dự án này, theo Pantucci.

Ông này cho biết thêm: "Afghanistan bị quân sự hóa và chia nhỏ. Các nhà quân phiệt và giới môi giới quyền lực kiểm soát các khu vực khác nhau của đất nước, đôi khi họ tuồn vào trong bộ máy chính quyền, đôi lúc họ chống lại chính quyền".

Du Youkang - một cựu nhà ngoại giao tại đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ và Pakistan, cho biết mỗi dự án có vốn đầu tư Trung Quốc cần được khởi động từng cái một và phải tính đến các rủi ro thực địa. "Rủi ro càng thấp càng tốt". Ông Du hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pakistan tại Đại học Phục Đán tại Thượng Hải.

Theo ông Du, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Afghanistan, bao gồm một mỏ quặng đồng 3 tỷ USD, nên một chính phủ Taliban trong tương lai sẽ cần phải bảo đảm an ninh cho các dự án của Trung Quốc ở đây.

Tình trạng khép kín và bộ lạc hóa

Một số nhà phân tích người Trung Quốc đã nhấn mạnh đến vai trò tiềm tàng trong tương lai của Afghanistan trong các chiến lược của Trung Quốc, như sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Thế nhưng nhà nghiên cứu Mei Xinyu của Bộ Thương mại Trung Quốc lại viết rằng lịch sử hay cô lập và chiến tranh liên miên của Afghanistan đồng nghĩa với việc quốc gia này không đóng vai trò chủ chốt nào trong thương mại và vận tải quốc tế.

Theo Mei, xã hội Afghanistan có xu hướng khép kín, đi giật lùi, và bộ lạc hóa.

Trong khi đó, Pantucci đem so sánh vai trò của Mỹ ở Afghanistan với chính sách dài lâu của Trung Quốc là không can thiệp.

Trong một bài báo hồi tháng 11/2020, ông viết rằng Trung Quốc là láng giềng giàu nhất và có ảnh hưởng nhất của Afghanistan nên người ta ngầm kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò đáng kể hơn tại đất nước Nam Á này. "Thế nhưng, Trung Quốc đã thường xuyên tránh trả lời trực tiếp sự kỳ vọng đó, và dù họ tiếp tục hứa hẹn giao lưu giúp đỡ, họ lại không bao giờ đi đến cùng".

Ván bài khó cho Trung Quốc

Afghanistan có một lịch sử xung đột và can thiệp lâu dài từ nước ngoài. Anh vào đây trong thế kỷ 19 để cạnh tranh với Đế chế Nga rồi rút đi. Liên Xô đưa quân vào đóng tại đây trong 10 năm (từ năm 1979), rồi cũng rút đi với bao tổn thất. Sau đó Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan vào năm 2001 để rồi cũng phải ra đi vào năm 2021 với nhiều tổn thất về sinh mạng và tốn kém về tiền bạc mà không đạt được mục tiêu xây dựng một chính quyền và một quân đội bản địa mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư lịch sử Ma Haiyun tại Đại học Frostburg State (Mỹ) cho rằng Trung Quốc không được chuẩn bị tốt để có thể ứng phó với một xã hội rạn nứt ở Afghanistan bởi vì Trung Quốc thiếu một mạng lưới trên thực địa. Theo ông Ma, chính sách của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương đã làm Trung Quốc mất đi một cơ hội gây ảnh hưởng xuyên biên giới, sang Afghanistan và các nước Trung Á. Mỹ và các nước phương Tây khác đã thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Duy Ngô Nhĩ - một nhóm dân tộc Turk theo đạo Hồi.

Ông Ma cho biết, Bắc Kinh hy vọng chính quyền mới của Taliban sẽ ngăn các hoạt động của ETIM (Phong trào Độc lập Đông Turkestan của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ) nhằm đổi lại sự hậu thuẫn và đầu tư từ phía Trung Quốc. Nhưng theo Ma, Taliban sẽ không bao giờ tấn công ETIM dựa trên các đề xuất và mời gọi của Trung Quốc.

Theo phân tích của Ma, một khi Taliban từng sẵn lòng đánh mất chính quyền để bảo vệ trùm khủng bố Hồi giáo quốc tế Osama bin Laden thì Taliban sẽ khó phát động chiến tranh chống ETIM.

Bất ổn ở Afghanistan và khả năng ETIM trỗi dậy đã dẫn tới các đồn đoán cho rằng Trung Quốc có thể bị lôi cuốn vào hành động can thiệp trực tiếp ở Afghanistan.

Tuy nhiên, Koichiro Tanaka - Giáo sư tại Đại học Keio (Nhật Bản) và cựu thành viên Phái đoán đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan đánh giá rằng ít có khả năng Trung Quốc can thiệp vào Afghanistan.

Tanaka nói: "Họ có năng lực làm vậy nhưng nếu cố lao đầu vào 'bãi mìn' Afghanistan thì sẽ chỉ làm tình hình tệ hại hơn".

Tanaka đánh giá: Nếu Trung Quốc can thiệp quân sự vào Afghanistan, điều này sẽ kích thích sự ủng hộ từ bên ngoài cho ETIM và các phong trào ly khai khác có thể đang tồn tại bên trong Trung Quốc. "Như vậy là đùa với lửa và có thể bị cháy ngay tại nhà mình".

Vẫn lời Tanaka: "Trung Quốc đã rút ra bài học lịch sử từ các sai lầm của Anh, Liên Xô, và Mỹ. Nên họ sẽ cố đạt mục tiêu của mình nhưng đó là thông qua Taliban và ảnh hưởng của Pakistan"./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dau-tu-vao-afghanistan-trung-quoc-se-doi-mat-voi-muon-van-thach-thuc-888159.vov