Bắt được 'quái ngư' khủng, nặng hơn nửa tạ ở đầm phá xứ Huế

Quá trình thu hoạch cá mú nuôi thử nghiệm tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) trên vùng đầm Cầu Hai, người dân bắt được cá mú có trọng lượng 'khủng' nặng tới 55kg.

Cá mú "khủng" nặng tới 55kg vừa bắt được trên vùng đầm Cầu Hai. Ảnh: Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ - Đại học Huế.

Cá mú "khủng" nặng tới 55kg vừa bắt được trên vùng đầm Cầu Hai. Ảnh: Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ - Đại học Huế.

Một trung tâm của Đại học Huế cho hay, họ vừa thu hoạch cá mú nuôi thử nghiệm tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) từ năm 2015. Tại đây, người nuôi bắt được một con cá mú nghệ có hình thể bằng với cơ thể người trưởng thành, nặng đến 55kg.

Ban đầu mới đánh bắt được, cá nặng khoảng 25kg. Sau 3 năm nuôi theo mô hình thử nghiệm của trung tâm, cá đạt trọng lượng hơn 55kg. Đây được xem là con cá mú lớn nhất được nuôi tại môi trường đầm phá xứ Huế.

Được biết, giá bán thương phẩm loài cá này hiện nay từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg. Nếu nuôi với số lượng lớn, giá trị kinh tế do loài cá này mang lại cho bà con ngư dân địa phương sẽ rất cao.

Cá mú nghệ còn có tên khác cá song vua (Epinephelus lanceolatus), tên tiếng Anh là Giant grouper (có nghĩa là loài cá khổng lồ trong các loài cá mú grouper). Đây là loài cá xương lớn nhất được tìm thấy ở các rạn san hô, là biểu tượng thủy sinh của bang Queensland, Úc. Loài cá này sống ở khắp vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trừ vịnh Ba Tư.

Cá mú này hai năm về trước tại xã Lộc Bình. (ảnh: Lê Túy)

Ở Việt Nam, cá mú nghệ phân bố chủ yếu ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và ở TT-Huế nhưng khá ít. Trong tự nhiên, những cá thể lớn có thể dài đến 2,7m và nặng tới vài tạ, hoặc lớn hơn. Cá thường sống ở vùng nước nông và ăn nhiều loài thủy sinh ở biển, kể cả cá mập nhỏ và rùa biển nhỏ.

Một góc đầm Cầu Hai, nơi tập trung nhiều lồng cá nuôi trong môi trường nước lợ - ảnh: Ngọc Văn

Mặc dù sống ở môi trường nước mặn, nhưng qua nuôi thực tế ở vùng đầm Cầu Hai thuộc khu vực Lộc Bình, cá mú nghệ lại chịu đựng tốt với nguồn nước bị ngọt hóa kéo dài vào mùa mưa lũ. Cụ thể, cá thể cá mú nghệ nói trên đã sống sót qua đợt ngọt hóa nguồn nước đầm Cầu Hai kéo dài trong tháng 11 đến tháng 12/2016. Trong khi, nhiều loài cá nuôi lồng nước lợ ở cùng khu vực như cá vẩu, cá dìa… lại không thể sống sót khi nước ngọt tràn về.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bat-duoc-quai-ngu-khung-nang-hon-nua-ta-o-dam-pha-xu-hue-1678640.tpo