Bất đồng với chủ trương thu hẹp Cung thiếu nhi Hà Nội

Hơn hai trăm giáo viên, học sinh, phụ huynh ký đơn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội không thu hồi tòa nhà kiến trúc Pháp đẹp như 'lâu đài tuổi thơ' trong Cung Thiếu nhi Hà Nội (CTN).

Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của CTN, giao về cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng. Nhiều cuộc họp hiện thực hóa chủ trương này được tổ chức dấy lên sự lo ngại trong giáo viên, học sinh tại đây. Trong tập tài liệu hàng chục trang gửi đến Tiền Phong, hàng chục giáo viên và hơn 100 học sinh ký tên bày tỏ sự “lo lắng”, “bàng hoàng”, “như bị cắt đi một phần da thịt”… trước thông tin này.

CTN là thuộc khu vực đắc địa nhất Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100 m, cạnh ngã ba phố Lê Lai và Lý Thái Tổ. Cung bao gồm 3 cụm công trình: Tòa nhà 5 tầng, rạp Khăn Quàng Ðỏ và một tòa nhà có từ thời Pháp - chính là tòa nhà đang được yêu cầu bàn giao. Tòa nhà này có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200 m2. Với vẻ đẹp cổ kính, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh trìu mến gọi tòa nhà này là “lâu đài tuổi thơ”.

Thời Pháp, khu vực này mang tên “ấu trĩ viên” (vườn trẻ). Tòa nhà kiến trúc Pháp nêu trên là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, tòa nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cố (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh tòa nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Về công năng, dù gọi chung là Khu nhà Truyền thống nhưng tòa nhà này đang được sử dụng nhiều mục tiêu. Theo báo cáo của Ban lãnh đạo CTN, tòa nhà gồm 26 phòng, trong đó có đến 15 phòng sử dụng để dạy học, còn lại là phòng truyền thống, 6 phòng làm việc…

Nên giữ cho trẻ một khu đất trung tâm, rộng rãi

Các giáo viên cho rằng, nếu tòa nhà này bị lấy đi, việc giảng dạy, học tập trở nên khó khăn. “Chúng tôi phải tận dụng hành lang, sân thượng của các tòa nhà cho các cháu học. Nếu bị lấy mất tòa nhà này, càng thêm chật chội. Hãy giữ lại một vị trí đẹp, rộng rãi giữa trung tâm Thủ đô, bên cạnh Hồ Gươm cho trẻ em để thể hiện đúng tinh thần vì trẻ em, vì tương lai đất nước” - một giáo viên đề nghị giấu tên nói.

Bà Dương Việt Hà - Giám đốc CTN người vừa ký vào biên bản cuộc họp với ban ngành Hà Nội cho rằng, tòa nhà Pháp chỉ là nơi làm việc cho cán bộ công nhân viên cũng đã có ý kiến “nói lại”: “Tòa nhà này dùng làm nhà truyền thống, nơi làm việc của Ban giám đốc và có nhiều phòng học cho học sinh… Cá nhân tôi đề nghị giữ lại cho các em thiếu nhi”.

Dù giáo viên và học sinh phản đối, cuối tháng 6 vừa qua, các ban ngành thành phố Hà Nội họp về nội dung này do ông Mai Xuân Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính chủ trì vẫn kết luận: Yêu cầu CTN quán triệt trong cán bộ công nhân viên về chủ trương điều chuyển khu nhà nêu trên.

Theo một lãnh đạo CTN, trong cuộc họp gần đây, đại diện Sở Tài chính cho biết sẽ chuyển tòa nhà biệt thự Pháp của CTN cho Sở Ngoại vụ; tuy nhiên, chưa được chính thức thông báo bằng văn bản. Trước đó, vào năm 2014, UBND thành phố Hà Nội dự định di chuyển toàn bộ CTN xuống khu vực Mỹ Ðình nhưng bị dư luận phản đối.

Ðiều 42, Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: tài sản công được điều chuyển khi: Có sự thay đổi về cơ quan quản lý, cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý; từ nơi thừa sang nơi thiếu theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền quy định; việc điều chuyển tài sản mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn; Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhưng không có nhu cầu sử dụng thường xuyên và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo Sỹ Lực - Tienphong.vn

Nguồn NDH: http://ndh.vn/bat-dong-voi-chu-truong-thu-hep-cung-thieu-nhi-ha-noi-20180816104750882p4c148.news