Giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu: Phát huy hiệu quả thông qua gắn seal định vị

Được triển khai từ giữa năm 2020, việc gắn seal định vị để hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đã được triển khai. Đến nay, hiệu quả của giải pháp này đã được nhìn thấy rất rõ rệt.

Nhiều ứng dụng ưu việt và hiện đại

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc đổi mới phương thức quản lý bằng hệ thống seal định vị điện tử giúp cơ quan hải quan có một công cụ giám sát hoàn toàn chủ động, tự động. Triển khai hệ thống seal định vị điện tử ứng dụng công nghệ định vị GPS sẽ hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ theo dõi, giám sát vị trí container/phương tiện vận tải và đảm bảo nguyên vẹn hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ đưa ra cảnh báo cho người dùng trong các trường hợp phương tiện đi sai tuyến đường, cảnh báo can thiệp, tác động trái phép seal, cảnh báo di chuyển/dừng đỗ vượt quá thời gian quy định… Thông qua hệ thống, người dùng còn có thể xem lại lộ trình, tra cứu báo cáo, kết xuất tổng hợp dữ liệu tùy theo yêu cầu nghiệp vụ.

Thời gian đầu mới thực hiện, hiệu suất sử dụng của các đơn vị còn thấp do nhiều nguyên nhân như lỗi kỹ thuật, chưa áp dụng được với các loại hình vận chuyển đặc thù hay chưa đồng bộ giữa cửa khẩu đi và đến của hàng hóa… Các vấn đề này đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan trực tiếp chỉ đạo sát sao, từ đó các doanh nghiệp cung cấp đã hoàn thiện giải pháp kỹ thuật.

Đến nay, phần mềm quản lý seal định vị điện tử hiện tại của Tổng cục Hải quan cơ bản hoàn thiện, là phần mềm bản quyền của cơ quan hải quan. Các container/hàng hóa được áp dụng phương thức giám sát bằng seal định vị điện tử GPS được theo dõi, giám sát đầy đủ, chặt chẽ theo thời gian thực, hoặc gần với thời gian thực. Hệ thống phần mềm quản lý seal định vị điện tử có các chức năng tối thiểu, bao gồm các chức năng phục vụ công tác quản lý thiết bị seal định vị điện tử; các chức năng phục vụ người dùng như quản lý thông tin về tuyến đường, vị trí; thiết lập và quản lý cảnh báo; chức năng báo cáo, thống kê...

Để phục vụ nhu cầu nghiệp vụ hải quan, phần mềm này không hoạt động hoàn toàn độc lập, mà cần có sự đồng bộ, trao đổi thông tin với các hệ thống nghiệp vụ khác của ngành Hải quan, do vậy hệ thống quản lý seal định vị điện tử còn có chức năng chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa hệ thống giám sát sử dụng seal định vị GPS với các hệ thống ứng dụng nghiệp vụ của Hải quan khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Hải quan một cách toàn diện.

Thực hiện nghiêm việc giám sát bằng seal định vị

Theo thống kê, sau gần 2 năm thực hiện ở một số đơn vị hải quan trọng điểm, có hơn 10 nghìn lượt seal định vị được sử dụng. Với việc gắn seal, một số vụ gian lận lớn đã bị phát hiện, mà tiêu biểu là vụ việc “rút ruột” hàng hóa điển hình vừa bị khởi tố đầu năm 2022.

Đó là vụ việc bị phát hiện cuối năm 2021 với một lô hàng quá cảnh gồm động cơ diesel và thiết bị phụ tùng kèm theo; tổng trọng lượng hàng hóa 18,95 tấn; tổng trị giá 5.118,75 USD được vận chuyển từ cảng Đà Nẵng đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Doanh nghiệp bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo phát hiện xuất phát chính từ chiếc seal định vị gắn trên container có dấu hiệu vị tác động ngoại lực, đồng thời trên phần mềm theo dõi lộ trình của seal có dấu hiệu bất thường về việc dừng, đỗ phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Đối chiếu với lời khai của tài xế và phát hiện mâu thuẫn, cơ quan hải quan đã tiến hành kiểm tra và phát hiện container đã bị rút ruột hoàn toàn. Doanh nghiệp vi phạm đã bị khởi tố vào giữa tháng 2/2022.

Rất nhiều vụ việc với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cũng đã bị bắt giữ nhờ việc phát hiện bất thường thông qua giám sát bằng phần mềm seal định vị.

Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của giải pháp này, mới đây, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục trang bị thêm 5.000 seal định vị điện tử đang được Tổng cục Hải quan trang bị cho các cục hải quan trên cả nước. Như vậy, đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là hai đơn vị được bàn giao số lượng seal lớn nhất với 1.000 seal mỗi đơn vị. Tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu 350 seal; Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Tây Ninh, Bắc Ninh mỗi đơn vị 300 seal…

Cùng với việc phân bổ seal định vị điện tử, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng seal định vị điện tử theo quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 138/QĐ-TCHQ ngày 21/1/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về quy trình thí điểm về nghiệp vụ quản lý, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container và các văn bản chỉ đạo liên quan của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, các chi cục hải quan trực thuộc sử dụng seal định vị để niêm phong giám sát đối với những lô hàng vận chuyển đến đơn vị hải quan sở hữu, quản lý thiết bị seal định vị điện tử theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 7 Quyết định số 138/QĐ-TCHQ.

Phát hiện nhiều vụ vi phạm nhờ seal định vị

Theo thống kê, sau gần 2 năm thực hiện ở một số đơn vị hải quan trọng điểm, có hơn 10 nghìn lượt seal định vị được sử dụng. Rất nhiều vụ việc với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cũng đã bị bắt giữ nhờ việc phát hiện bất thường thông qua giám sát bằng phần mềm seal định vị.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-sat-hang-hoa-xuat-nhap-khau-phat-huy-hieu-qua-thong-qua-gan-seal-dinh-vi-102652.html