Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Cần 'đòn bẩy' chính sách, giải thoát nguồn cung cho thị trường phục hồi

Trong những năm gần đây, nguồn cung dự án bất động sản đưa ra thị trường tại TP. Hồ Chí Minh rất khiêm tốn, do hàng loạt tập đoàn địa ốc đang bị 'ách tắc' pháp lý khi triển khai xây dựng và đưa vào vận hành, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, nếu các dự án được tháo gỡ các vướng mắc một cách kịp thời, nguồn cung được 'bơm' lên, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng phục hồi.

Các “ông lớn” cũng mắc kẹt

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), thời gian qua, Sở Xây dựng là đơn vị được UBND thành phố giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết về vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn.

Ông Huỳnh Thanh Khiết cho hay, thực tế các vướng mắc đều phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện. Phổ biến là những vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hầu hết thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện.

Trong 116 dự án vướng mắc, Sở TN&MT là đơn vị có số lượng dự án cần giải quyết nhiều nhất, với 71 dự án. Tiếp đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư (28 dự án), Sở Quy hoạch – Kiến trúc (22 dự án), Sở Xây dựng (18 dự án), Sở Giao thông vận tải (2 dự án),…

Vào đầu tháng 6, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị 10 giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế pháp luật và thực thi pháp luật để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững. HoREA cho biết, hầu hết các dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây TP.HCM bị “treo” pháp lý gửi đơn cầu cứu, với nhiều đại gia tên tuổi như: Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Phú Long, Him Lam, Hưng Lộc Phát, C.T Group, Van Phuc Group...

Hiện tại TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm dự án bất động sản gặp vướng mắc. Ảnh: Kỳ Phương

Hiện tại TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm dự án bất động sản gặp vướng mắc. Ảnh: Kỳ Phương

Trong số dự án này, có 3 nhóm dự án được HoREA kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ ách tắc.

Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội nhưng vướng pháp lý.

Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Cấp bách nhất là hoàn thiện các bước thủ tục nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh - kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, hay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.

“Cởi trói”, tạo nguồn cung

Phát biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, kết quả phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong nửa đầu năm 2022 khá nhanh. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn nêu 3 vấn đề còn tồn tại để HĐND thành phố tăng cường giám sát, góp ý cho UBND thành phố trong thời gian tới. Trong đó, lĩnh vực xây dựng, bất động sản, công nghiệp điện, điện tử phục hồi còn chậm là vấn đề đầu tiên được nhắc tới; tiếp đến là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tình hình khan hiếm nguyên vật liệu...

Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố đã có trên 40 cuộc họp chuyên đề theo các nhóm vấn đề để giải quyết. Bước đầu TP.HCM tháo gỡ được một số vướng mắc về quản lý đô thị, nhà ở, đất đai, khó khăn của doanh nghiệp. Đến nay có 118 dự án bất động sản còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai. Ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM sẽ phân nhóm vấn đề và giải quyết trong thời gian tới...

Thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để "gỡ khó" cho các địa phương

Trong một cuộc trao đổi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đầu tháng 6/2022, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đề xuất Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp giấy phép xây dựng.

Hiện nay, do hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ (pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch,…), dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, hiện TP.HCM đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông dữ liệu, nhất là các lĩnh vực nhiều hồ sơ như quy hoạch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch, thuế. Nếu như đến năm 2025 hoàn thiện được cơ sở dữ liệu chung sẽ có thể điều hành trên nền tảng số, sẽ rất thuận lợi, nâng được năng suất hiệu quả.

Chuyên gia tài chính bất động sản Phan Công Chánh cũng cho rằng, việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho các dự án, tạo nguồn cung sẽ là 1 trong 3 yếu tố quan trọng nhất giúp cho thị trường bất động sản TP.HCM trở nên hấp dẫn. 2 yếu tố còn lại đó là nguồn vốn và sự sôi động của thị trường.

“Có 3 yếu tố song song để đưa bất động sản TP.HCM sôi động trở lại gồm: nút thắt pháp lý, tâm lý nhà đầu tư và nguồn vốn ưu đãi cho người mua nhà. Việc tháo gỡ được 3 yếu tố này chắc chắn sẽ góp phần đáng kể tác động đến phục hồi của thị trường” - ông Chánh nhận định.

Đề xuất điều chỉnh niên hạn đối với các dự án “sang tay”

HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để góp ý một số quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)”.

HoREA cho rằng, thời gian qua nhiều dự án bị ngưng trệ đã được mua lại. Thế nhưng, do thời hạn sử dụng đất chỉ còn trên dưới 40 năm làm cho cả chủ đầu tư lẫn Nhà nước đều chịu thiệt. HoREA nhận định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng đất, sao cho vẫn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về môi trường.

Theo HoREA, điều này đặc biệt có ý nghĩa với các dự án bị ngưng trệ nhiều năm. Thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản, nhà ở thương mại của các chủ đầu tư yếu kém bị "đắp chiếu", "trùm mền" đã được các doanh nghiệp mua và tái khởi động, điển hình là Novaland với 30 dự án và Hưng Thịnh với 10 dự án. "Tuy nhiên do thời hạn sử dụng đất chỉ còn lại khoảng trên dưới 40 năm nên chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bị thua thiệt khi tái khởi động các dự án này. Nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, các chủ đầu tư mới này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời hạn được điều chỉnh” - HoREA cho biết.

Lấy dẫn chứng từ dự án Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao đất từ năm 2008, sau đó bị thế chấp và trở thành nợ xấu, được VAMC thu giữ và đưa ra đấu giá năm 2019. Theo HoREA, nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, giá khởi điểm để đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn mức 6.110 tỷ đồng khi đó, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó, song song với việc cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng, Chủ tịch HoREA đề xuất người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời gian sử dụng đất được điều chỉnh. Các quy định này cần được bổ sung, chỉnh sửa cho thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bat-dong-san-tp-ho-chi-minh-can-don-bay-chinh-sach-giai-thoat-nguon-cung-cho-thi-truong-phuc-hoi-115249.html