Bất động sản thương mại chuyển hướng vì COVID-19, nhà đầu tư rục rịch thay đổi

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều mặt của thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản thương mại. Các nhà đầu tư lĩnh vực này cần phải đưa ra những thay đổi mới để có thể thích nghi với thị trường.

Theo Newsroom, các chuyên gia bất động sản nhận định, thông thường các nhà đầu tư bất động sản thương mại có xu hướng đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn. Dù vậy, sau khi đại dịch COVDI-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, tác động trực tiếp tới nhiều ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư thị trường này phải rời xa với "thế giới" mà họ từng quen thuộc và đòi hỏi phải đưa ra những thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Dù vậy, các nhà đầu tư có kinh nghiệm đều hiểu rằng, bất cứ thị trường nào cũng có rủi ro và cả phần thưởng, ngay cả những khi có nhiều biến động bất thường như hiện tại. Tại Mỹ, các chuyên gia dự đoán khối lượng giao dịch sẽ phục hồi trở lại ở mức 400 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng thành 500 tỷ USD vào năm 2022. Tổng khối lượng giao dịch bất động sản trong giai đoạn 2020-2022 dự kiến đạt 1,175 nghìn tỷ đô la, tốt hơn nhiều so với các giao dịch bất động sản thương mại trong năm 2008 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Có thể nói, thị trường văn phòng cho thuê là thị trường bị chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, bên cạnh đó là thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tỷ lệ trống phòng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, hoãn thanh toán tiền thuê nhà do người dân chịu cảnh giảm thu nhập hoặc thất nghiệp, đã khiến các nhà đầu tư bất động sản hoang mang. Dù vậy, các chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư bất động sản có thể chuyển hướng sang một số phân khúc tiềm năng khác và định hướng chiến lược mới trong năm 2021 như sau:

Bất động sản công nghiệp và hậu cần

Đây là thị trường được coi là điểm nóng của lĩnh vực bất động sản trong năm 2020, đi cùng với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử. Trong khi một số các giao dịch khác có thể tạm thời bị trì hoãn, nhiều nhà đầu tư trên thế giới vẫn đặt niềm tin vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Tại Mỹ, các nhà kho lớn với diện tích từ 500.000 feet vuông (khoảng 152.000 m2) trở lên sẽ tiếp tục được phát triển, với thời gian chỉ khoảng 18-24 tháng nếu nhu cầu thuê cao. Tỷ lệ thu tiền thuê ở các nhà kho lớn - nơi xử lý hậu cầu (logistics) vẫn tăng cao trong thời gian diễn ra đại dịch, chẳng hạn như các công ty lớn Amazon, Walmart đạt gần 100%.

Căn hộ chung cư

Theo các chủ dự án, lĩnh vực nhà ở sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi nhu cầu mua nhà của người dân vẫn tăng cao bất chấp đại dịch COVID-19. Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư với giá cả phải chăng hơn nhà đất sẽ tiếp tục được săn đón.

Dù vậy, những nhà đầu tư căn hộ hạng B và hạng C sẽ chịu áp lực nhiều hơn so với những nhà đầu tư căn hộ hạng A, một phần bởi nguồn cung căn hộ bình dân luôn trong tình trạng thiếu hụt, và những người có khả năng thuê hoặc mua căn hộ chung cư đắt tiền có khả năng giữ được việc làm và tiếp tục làm việc tại gia hơn.

Cho thuê văn phòng

Theo các chuyên gia bất động sản, vẫn rất khó để dự đoán tương lại thị trường cho thuê văn phòng sẽ ra sao. Hiện tại, hầu hết các công ty vẫn trả tiền thuê văn phòng, dù đa phần nhân viên của họ vẫn đang làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, việc chi trả thanh toán cũng phụ thuộc vào đối tượng khách thuê, chẳng hạn như công ty luật và kế toán vẫn đủ khả năng thuê tiếp trong khi các doanh nghiệp về du lịch, khách sạn sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Đây cũng là thời điểm tốt để đầu tư vào các sản phẩm mới như staycation hoặc co-living space, xu hướng văn phòng cho thuê đang phát triển vài năm gần đây.

Theo một số nhà phân tích, nhiều khả năng thị trường văn phòng cho thuê sẽ chững lại so với năm 2019, bởi nhiều công ty sẽ quyết định cắt giảm diện tích văn phòng dù họ vẫn kéo dài hợp đồng thuê. Dù vậy, có một số người cho rằng thị trường vẫn có khả năng phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á - nơi hầu hết các nước đều cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thậm chí nhiều nước như ở Việt Nam, Hàn Quốc,... người dân đã bắt đầu đi làm trở lại bình thường. Ngoài ra, theo khảo sát, một số công ty có nhu cầu văn phòng rộng hơn do muốn đi làm trở lại và vẫn tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Thậm chí, một số nhân viên khi được hỏi mong muốn được đi làm ở văn phòng, đặc biệt là những người có con nhỏ do làm việc tại gia gặp nhiều hạn chế về diện tích và khó tập trung.

Bán lẻ

Thị trường bất động sản bán lẻ phải chịu nhiều tổn thất khi người dân có xu hướng chuyển sang thương mại điện tử thay vì tới các trung tâm thương mại mua sắm như trước. Các nhà đầu tư thị trường này đã phải giải quyết các vấn đề ngắn hạn như giảm giá thuê mặt bằng, hoãn thu tiền thuê,... Dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thương mại điện tử thu hút phần đông người tiêu dùng.

Trong tương lai, các nhà bán lẻ truyền thống sẽ phải tự làm mới để tiếp tục tồn tại, và đương đầu với nhiều rủi ro ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Vì vậy, các nhà đầu tư lĩnh vực bản lẻ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng ở thời điểm hiện tại.

Đất đai

Các chuyên gia bất động sản hi vọng các nhà đầu tư đất nền sẽ không chịu tác động tiêu cực quá nhiều do đại dịch và cả những hạn chế tiềm ẩn về quy hoạch, phân vùng. Đại dịch COVID-19 đã tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân, điều này thể hiện qua việc họ chuyển sang mua đất đai ở các vùng ngoại ô thay vì trung tâm đô thị như trước.

Các chuyên gia nhận định, tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, họ vẫn có thể kinh doanh bất động sản vào năm 2021. Có thể thấy rõ điều này khi làn sóng nhà đầu tư F0 đang xuất hiện ngày một đông trên thị trường, những người quyết định kinh doanh bất động sản ngay cả khi diễn ra đại dịch. Các nhà đầu tư bất động sản cần có tầm nhìn dài hạn, tính toán cẩn thận trước khi đầu tư và tìm kiếm sự trợ giúp từ những nhà hoạch định tài sản giàu kinh nghiệm.

Linh Chi (t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/huong-di-nao-cho-nha-dau-tu-bat-dong-san-thuong-mai-24367.html