Bất động sản nghỉ dưỡng là sân chơi rộng nhưng không phải ai cũng tham gia được

Hiện nay, khá nhiều chủ đầu tư tấn công thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng còn nhiều tiềm năng nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực tài chính, sự chuyên nghiệp để tham gia vào thị trường này.

BĐS du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Nguồn: Internet

BĐS du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Nguồn: Internet

Tại diễn đàn “Bất động sản du lịch 2019: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực” do Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra những cơ hội lẫn thách thức đối với thị trường BĐS du lịch tại Việt Nam.

Cơ hội nào cho các chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng?

Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay rất nhiều đơn vị BĐS có uy tín tham gia vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng, bao gồm cả các doanh nghiệp “ngoại đạo”. Các chủ đầu tư này phát triển nhiều dự án khách sạn quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Ông Nam cũng chỉ ra tiềm năng của thị trường du lịch tại Việt Nam tác động rõ nét đến sự phát triển của ngành BĐS nghỉ dưỡng. Cụ thể, năm 2018 Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với cùng kì và 80 triệu lượt khách nội địa. Đây là nguồn lực rất lớn cho thị trường BĐS du lịch Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục Trưởng, Tổng Cục Du lịch cho rằng, những năm qua du lịch Việt Nam phát triển rất ấn tượng, vượt xa dự báo. Năm 1994, du lịch đón 1 triệu lượt khách quốc tế đầu tiên, năm 2015 tăng lên 8 triệu lượt và chỉ sau đó 3 năm tăng lên 15,5 triệu lượt, tức tăng 30-40% trong vòng 3 năm. Điều này tạo nên lượng khách du lịch cần chỗ lưu trú rất lớn trên thị trường.

Ông Siêu cũng nhận định, hiện làn sóng đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng ở các khu du lịch rất nhanh, nhất là khu du lịch biển. Năm 2018, thị trường đã xuất hiện cơn sốt đầu tư vào BĐS du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Vũng Tàu…những thị trường này rất hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT). Chính các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào phân khúc này đã đóng góp to lớn vào kinh tế ngành du lịch nói chung.

Ông Kai Marcus Schroter, CEO Hospitality Tourism Management nhận định, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi về BĐS du lịch bởi những tiềm năng sẵn có. Chẳng hạn, lượt khách quốc tế và nội địa đang gia tăng tại thị trường du lịch, chính sách của Việt Nam cũng đã “mở cửa” hơn trước, với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Theo ông Kai, các NĐT quốc tế đang bắt đầu quan tâm đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam, vị thế của Việt Nam đang dần cải thiện, hình thành được thương hiệu của du lịch Việt là an toàn, thân thiện đối với các NĐT quốc tế.

Vẫn còn đó những thách thức

Mặc dù có những tiềm năng không thể phủ nhận nhưng BĐS du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ.

Bày tỏ quan điểm, Nguyên Thứ Trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, lĩnh vực BĐS du lịch khá hấp dẫn, sân chơi rộng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia được. “Phải là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, chuyên nghiệp và có tinh thần làm việc lớn thì mới đủ sức tham gia vào thị trường này”, ông Nam nhấn mạnh.

Bởi theo ông Nam, đây là lĩnh vực dễ động chạm đến các vấn đề nhạy cảm về hạ tầng hay cần sự chuyên nghiệp về dịch vụ con người. Thách thức lớn hiện nay của lĩnh vực này là thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng đội ngũ con người, bao gồm cả những quản lý cấp cao. Trong đó, kỹ năng mềm còn thiếu, nhân sự quản lý phòng còn thiếu. “Rất nhiều dự án BĐS du lịch quy mô xây dựng rất nhanh nhưng vì quá nhanh nên khi con người vào làm không kịp đào tạo khiến nguồn nhân lực bị loạn lên, không theo được hoặc dù đã xây xong nhưng người vận hành dự án không có. Như vậy cũng không phải là phát triển dự án chuyên nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Con theo ông Siêu, BĐS du lịch là kênh dầu tư hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao nếu biết lựa chọn đúng địa bàn, loại hình phù hợp với thế hệ khách du lịch mới, đặc biệt trong thời kì công nghệ 4.0 hiện nay. “Các chủ đầu tư dự án BĐS du lịch cần tạo nên sự đa dạng trong không gian và dịch vụ cho khách hàng trải nghiệm. Chẳng hạn, tạo ra không gian nghỉ dưỡng gắn liền với ẩm thực, di sản khác nhau, tương ứng với từng đối tượng khách hàng ở các thời điểm khác nhau. Có như vậy mới tạo nên sức hút, khách du lịch mới quay trở lại nhiền lần”, ông Siêu cho giải pháp.

Đồng quan điểm, ông Kai Marcus Schroterc cho rằng, các chủ đầu tư nên mở ra các không gian mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa điểm du lịch chất lượng cao nằm kéo khách trở lại, du lịch dài ngày.

Trong đó, Việt Nam cần tập trung vào lấp đầy cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển nguồn nhân lực cao. Hiện nay quy hoạch tổng thể của ngành du lịch Việt Nam còn chưa phù hợp, tiêu chuẩn về xây dựng còn chưa đầy đủ, thiếu tính khác biệt và độc đáo. “Đặc biệt vấn đề bảo vệ môi trường sống du lịch là thách thức lớn nhất của ngành BĐS nghỉ dưỡng hiện nay của Việt Nam. Chủ đầu tư dự án cần có trách nhiệm cân bằng giữa lợi ích đầu tư với lợi ích của công chúng”, ông Kai Marcus Schroter nhấn mạnh.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/bat-dong-san-nghi-duong-la-san-choi-rong-nhung-khong-phai-ai-cung-tham-gia-duoc-305613.html