'Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay'

Tọa đàm 'Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay' đã tập trung luận bàn về xu hướng và tiềm năng thị trường bất động sản một số khu vực trọng điểm phía Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản tại Long Thành. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm từ những nhà phát triển bất động sản uy tín.

Chiều 5/11, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay”.

Khẳng định vị trí, vai trò của sân bay Long Thành

Trong nhiều năm qua, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 và 4…, Long Thành dễ dàng kết nối giao thông với TP.HCM và các đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đáng chú ý, Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản khai mạc Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản khai mạc Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, trong số những thị trường giáp ranh TP.HCM, Long Thành (Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Đặc biệt, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2021 hứa hẹn sẽ là vận hội mới cho thị trường bất động sản Long Thành nói riêng và các khu vực trọng điểm phía Nam nói chung.

Ảnh hưởng tích cực của dự án sân bay với thị trường bất động sản

PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phân tích, dự án sân bay Long Thành có vùng ảnh hưởng rất lớn. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản dân cư: Nhà ở, cửa hàng, nhà tiếp vận; các dịch vụ tiện ích cho sân bay, các dịch vụ tiện ích cho cư dân sống và làm việc tại sân bay; bất động sản công nghiệp; sẽ có bước phát triển đột phá của các nhà máy có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không; ảnh hưởng đến bất động sản của tất cả các loại hình của Thành phố lân cận như Thủ Đức, Thành phố Biên Hòa, các địa bàn: Vũng Tàu, Bình Dương, Long An; ảnh hưởng đến hành khách của các sân bay lân cận: Liên Khương, Nha Trang, Cần Thơ. Kinh nghiệm của sân bay Dallas - Fordwad có thể được vận dụng cho trường hợp sân bay Long Thành khi nghiên cứu về tác động lan tỏa.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho hay, mặc dù đến ngày 11/5/2019, Bộ Xây dựng mới ban hành quyết định công nhận thị trấn Long Thành là đô thị loại IV, song Long Thành có khả năng vươn lên thành một thành phố trực thuộc tỉnh gắn với chuỗi đô thị TP.HCM, TP. Biên Hòa và TP. Vũng Tàu. Về câu chuyện phát triển thành phố sân bay, có thể nhìn nhận câu chuyện hiện tại, tất cả các sân bay hiện nay đã xây dựng tại Việt Nam và trong quy hoạch sắp tới đây chưa ở đâu chỉ ra rằng chúng ta sẽ có thành phố sân bay. Từ đó để thấy mô hình thành phố sân bay Long Thành là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tiềm năng, cơ hội của Long Thành là rất lớn, nhưng đây là mô hình hoàn toàn mới nên sẽ cần nhiều yếu tố đi kèm, xây dựng để có thể phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia khẳng định, ở Việt Nam nếu có 1 đô thị nào mới và lớn trong 50 năm nữa thì chỉ có thể là Long Thành. Vì không còn nơi nào còn đất, có vị trí đẹp, có nhiều thuận lợi về hạ tầng, vị trí. Chính Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ về việc phát triển Long Thành với các tiềm năng để có thể phát triển tầm cỡ với khu vực. Đây chính là một thành phố mới của Việt Nam.

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc cao cấp Tập Đoàn Đất Xanh khẳng định, từ TP.HCM, nhu cầu dịch chuyển ra tới Bình Dương và Đồng Nai. Đồng Nai và Bình Dương là 2 thủ phủ khu công nghiệp và Đồng Nai còn phát triển sớm hơn với Bình Dương. Việc dân số từ các nơi đổ về đây là rất lớn. Nhu cầu dịch chuyển từ TP.HCM ra đây cho thấy xu hướng rất lớn. Nói về cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai có thể thấy sự đầu tư của Chính phủ và tỉnh là rất lớn, không chỉ ngắn hạn trong 10 năm mà là 30 năm. Ví như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu làm cao tốc kết nối hai tỉnh này… Ngoài ra, cụm cảng Cái Mép cũng lớn nhất ở Việt Nam… Có nghĩa là sân bay Long Thành là cái lõi để các tuyến cao tốc kết nối xung quanh. Như vậy, có hai cơ sở hạ tầng lớn hàng đầu ở Long Thành là sân bay và cảng nước sâu cùng với 5 tuyến cao tốc và cầu Cát Lái. Như vậy, đây là khu vực cực kỳ tiềm năng với quy mô đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng Long Thành là một dự án rất lớn của Việt Nam trong 50 năm tới đây. Về giá: Mặt bằng giá trung bình đất tại Long Thành từ năm 2018 tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 và tính đến hiện tại trung bình là 17 triệu đồng/m2. Lượng dự án hiện nay cô đọng ở một số chủ đầu tư nên giá ổn định ở những dự án này. Xét về mặt số liệu, lượng quan tâm và chỉ số chung ở thị trường Long Thành đang tốt lên. Nếu có quy hoạch ổn định thì lượng quan tâm và mặt bằng giá sẽ còn tốt hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: 2 năm trở lại đây, Long Thành có những biến động rất mạnh. Ghi nhận từ sàn giao dịch, sàn môi giới, chúng tôi thấy một sự biến động lớn. Dù chưa biết bao giờ sân bay sẽ xây xong nhưng biến động giá đất đai đang rất mạnh. Ghi nhận từ năm 2018 đến 2019 là tăng gấp đôi về giá đất. 2018 giá đất Long Thành đã nhảy múa so với trước đó, khi phê duyệt dự án nó lên khoảng 8 – 15 triệu đồng/m2; năm 2019 tăng bình quân dao động từ 15 – 30 triệu đồng/m2. Đây là sự tăng vọt về giá đất.

Ông Đỗ Việt Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ quan điểm về vấn đề quy hoạch, trong đó, nhấn mạnh cần công khai hóa tất cả các quy hoạch hiện nay và phân loại tất cả các dự án để nhà đầu tư nắm được. Cốt lõi của vấn đề có thể khẳng định khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản: Nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh. Như vậy, trong kế hoạch ưu tiên chính là sân bay Long Thành và kết nối hạ tầng xung quanh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu hoàn thiện xong sân bay thì ít nhất cũng phải có 2 vạn người cho cả sân bay, cơ sở hạ tầng xung quanh, logistics, kéo thêm gia đình họ là 4, 5 vạn người. Ngay khi sân bay Long Thành vận hành đi vào hoạt động, thì nó đã phải cần một số lượng rất lớn nhu cầu nhà ở, giải trí, thương mại dịch vụ…

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/bat-dong-san-long-thanh-cat-canh-cung-san-bay-567275.html