Bất động sản khu công nghiệp sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường năm 2023

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vững phong độ khi liên tục gia tăng về số lượng khu công nghiệp thành lập mới và tỷ lệ lấp đầy.

Theo số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (KKT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2022, đã có 26 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (mới/mở rộng/điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.651 ha.

Qua đó, cả nước đã có 410 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, tăng thêm 15 KCN so với năm 2021 (bao gồm 367 KCN nằm ngoài các KKT, 36 KCN nằm trong các KKT ven biển, 07 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 128.500 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.400 ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 49.000 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 56,9%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%.

Theo báo cáo Industrial Insider do Savills Việt Nam công bố vào tháng 9/2022, do nhu cầu lớn nên giá thuê đất khu công nghiệp trong năm 2022 tăng mạnh. Trong đó, giá thuê khu công nghiệp tại Hà Nội đạt mức gần 140USD/m2, cao nhất miền Bắc. Tại TP HCM, giá đã vượt ngưỡng 200 USD/m2, đứng đầu khu vực phía Nam.

Bức tranh sáng của bất động sản KCN năm 2022 còn thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành khi các nhà phát triển bất động sản công nghiệp liên tục báo lãi trong Q3/2022.

Trong quý 3, các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận 203 tỷ đồng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BECAMEX IDJ) báo lãi 2.263 tỷ đồng và Tổng Công ty IDICO lãi 2.053 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên nêu trên, các doanh nghiệp còn lại trong ngành cũng có những kết quả tích cực. Nếu xét doanh nghiệp có lợi nhuận tính bằng lần so với cùng kỳ, có thể kể đến CTCP Long Hậu báo lãi 178 tỷ và CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa lãi 99 tỷ đồng. Đặc biệt lợi nhuận ròng của 2 doanh nghiệp này lần lượt gấp hơn 4 lần và 6 lần so với quý 3/2021.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật, CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, CTCP Thống Nhất lợi nhuận cũng lần lượt tăng 45%, 17%, 16% và 29% so với cùng kỳ.

Nhờ động lực tăng trưởng trong quý 3, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp bất động sản KCN đều ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Trong năm 2022, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong làn sóng dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn công nghiệp nước ngoài. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25,1 tỷ USD, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,68 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, một loạt các dự án đầu tư quy mô lớn đổ bộ vào các khu công nghiệp. Tại miền Bắc, các tỉnh nhận được vốn đăng ký mới lớn nhất lần lượt là Thái Nguyên và Hải Phòng với một số thương vụ đầu tư lớn Trinar Solar (275 triệu USD), Autel Robotics (90 triệu USD) và Thép Việt Ý (80 triệu USD).

Ở phía Nam, không thể không kể đến dự án đầu tư của Tập đoàn LEGO Đan Mạch (1,3 tỷ USD) tại KCN VSIP III Bình Dương. Hai dự án lớn tiếp theo là nhà máy của Libra International Investment Pte 210 triệu USD tại Tây Ninh và Coca Cola đầu tư 135 triệu USD tại Long An.

Đứng trước làn sóng công nghiệp vào Việt Nam, Chính phủ tiếp tục đưa ra những ưu đãi phát triển lĩnh vực khu công nghiệp. Nghị quyết 39/2021/QH15 được thông qua về kế hoạch sử dụng đất quốc gia với lộ trình phân bổ tăng quỹ đất KCN từ 90.380 ha vào năm 2020 lên 152.840 ha (+68,3%) vào năm 2025 và 210.930 ha (+132,2%) vào năm 2030.

Với những tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các khu công nghiệp, chia sẻ với Mekong ASEAN,Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và Tư vấn JLL Việt Nam kỳ vọng phân khúc bất động sản KCN trong năm tới được sẽ tiếp tục phát triển.

Phân tích tiềm năng và dư địa phát triển trong năm 2023, bà Trang Lê cho biết: “Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển KCN, trong đó lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi và tình hình chính trị ổn định so với các nước trong khu vực giúp Việt Nam tạo nên sức cạnh tranh đón đầu hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần chậm lại”.

“Việt Nam còn có hệ thống cao tốc Bắc – Nam xuyên suốt cùng với mạng lưới cảng biển và sân bay giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực logistic, tạo nên chất xúc tác cho sự tăng trưởng ngành công nghiệp và thương mại quốc tế Việt Nam. Đồng thời những ưu đãi thuế hiện tại được Chính phủ ban hành dành cho các công ty công nghệ cao và những dự án đầu tư phát triển bền vững sẽ là động lực thúc đẩy sự gia nhập của các đối tác nước ngoài vào thị trường Việt Nam”, bà Trang nói.

Về tương lai ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm tới, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield (Việt Nam) cho rằng sang năm 2023, bất động sản công nghiệp được đánh giá sẽ là loại hình dẫn dắt thị trường.

Với số vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài cao kỷ lục, điều này khẳng định rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiếp tục mở rộng đầu tư khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Phân khúc này vẫn sẽ diễn biến tích cực, thu hút nguồn vốn FDI lớn với cam kết của nhiều công ty lớn như Samsung, Apple tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Đánh giá chung, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, nên xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp là tất yếu.

Nhận định về thị trường này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đây là phân khúc bền vững của thị trường, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô bởi nó đáp ứng được nhu cầu thực phục vụ kinh doanh sản xuất.

Góp ý để tạo bước đột phá cho sự phát triển KCN, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cần đẩy mạnh sự hơn nữa kết nối giữa KCN và khu đô thị dịch vụ. Nếu Việt Nam thực sự kết hợp được KCN với đô thị dịch vụ và lan tỏa nó ra các KCN lớn thì mới thật sự tạo ra động lực mới cho phát triển bất động sản công nghiệp.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bat-dong-san-khu-cong-nghiep-se-la-phan-khuc-dan-dat-thi-truong-nam-2023-post16402.html